ClockThứ Bảy, 27/07/2019 12:48

Không thể nào quên

TTH - Cuộc chiến tranh vệ quốc năm 1979 diễn ra rất ác liệt và kéo dài suốt 10 năm sau đó. Nhiều người con của quê hương Thừa Thiên Huế đã anh dũng ngã xuống, gửi lại mãi mãi tuổi xuân nơi địa đầu biên giới của Tổ quốc.

Lan tỏa nghĩa cử tri ânNhững hoạt động thiết thực để tri ân413 gia đình chính sách được nhận quà của tỉnhUống nước nhớ nguồn

UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu (trái) và Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phan Ngọc Thọ (phải) trao Huân chương Độc lập cho các gia đình có nhiều cống hiến với đất nước. Ảnh: MINH NGUYÊN

Lần mở các kỷ vật của anh trai mình là liệt sĩ Nguyễn Đình Nam, ông Nguyễn Đình Trung, quê ở Lộc Điền, Phú Lộc xúc động kể về thời điểm anh trai hy sinh trong các trận chiến ác liệt bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979. “Anh Nam nhập ngũ tháng 8/1978, thuộc Trung đoàn 123, Tỉnh đội Lạng Sơn lúc bấy giờ. Đơn vị của anh lúc đó chiến đấu bảo vệ tại vùng đất Chi Ma, nay là cửa khẩu Chi Ma thuộc huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn…”. Ông Trung nhớ lại.

Từ rạng sáng 17/2/1979, cuộc chiến tranh bắt đầu diễn ra ác liệt, liên tục dọc tuyến biên giới phía Bắc của nước ta. Trên hướng Lộc Bình của tỉnh Lạng Sơn, Trung đoàn 123, Đồn biên phòng Chi Ma, cùng dân quân Yên Khoái… chiến đấu kiên cường bảo vệ các điểm cao 540, 468, 557, các đơn vị phản kích buộc địch phải co cụm lại ở phía nam núi Mẫu Sơn.

Ông Nguyễn Đình Trung lần mở các kỷ vật của liệt sĩ Nguyễn Đình Nam, anh trai mình

Chiến trận nổ ra đến ngày thứ 10, phía địch huy động thêm bộ binh, xe tăng, pháo binh mở cuộc tiến công quy mô lớn. Lực lượng vũ trang tham gia chiến đấu tại vùng đất Chi Ma, trong đó có Trung đoàn 123 tổ chức kháng cự quyết liệt. Các trận đánh phòng ngự, tập kích và phản kích dữ dội diễn ra trên các cao điểm. Trong trận đánh ác liệt ấy của Trung đoàn 123, chàng lính trẻ Nguyễn Đình Nam – người con của quê hương Thừa Thiên Huế đã anh dũng ngã xuống sau 10 ngày đêm chiến đấu (ngày 27/2/1979), khi đang tuổi vừa tròn đôi mươi, chưa biết yêu bao giờ. Ông Nguyễn Đình Trung nghèn nghẹn: “Địa điểm Chi Ma là nơi rất ác liệt trong thời kỳ đầu của cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979. Đơn vị của anh Nam hầu như hy sinh cả”.

Cũng là một trong những người thuộc thế hệ đầu tiên tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới năm 1979, anh dũng hy sinh trong những ngày đầu vang tiếng súng ấy, ba tôi là liệt sĩ Phạm Bá Hải, quê ở Phong Điền, hiện vẫn đang còn nằm lại nơi biên cương địa đầu của Tổ quốc.

Tháng 11/1977, ba tôi cùng những người bạn đồng niên cùng quê tình nguyện lên đường làm nhiệm vụ thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc khi tôi chỉ mới 3 ngày tuổi. Đơn vị của ba lúc đó là Đại đội 2, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 12 (Đoàn Thanh Xuyên) Công an vũ trang, có nhiệm vụ bảo vệ tuyến biên giới từ cửa khẩu Tam Thanh đến cột mốc 25 bản Nà Bàn; đồng thời, trấn giữ tại pháo đài Đồng Đăng, nay thuộc tỉnh Lạng Sơn. Làm nhiệm vụ nơi tận cùng miền biên viễn, bao tình cảm, niềm thương nhớ, yêu thương được ba tôi gửi gắm qua những lá thư từ nơi địa đầu của Tổ quốc.

Cuối tháng 12/1978, gia đình nhận được lá thư của ba tôi thông báo đơn vị sắp cho đi phép. Mẹ tôi mừng khôn xiết, thế nhưng chỉ mấy hôm sau, gia đình nhận tiếp lá thư ba tôi thông tin đơn vị đã cắt phép do tình hình biên giới bất ổn.

Mọi chuyện bắt đầu từ 5 giờ sáng 17/2/1979, trên bầu trời biên giới từng cơn mưa đạn pháo từ phía Bắc trút sang. Cuộc chiến tranh biên giới chính thức bắt đầu, mở màn cho cuộc chiến gần 30 ngày trên địa bàn 6 tỉnh: Lào Cai, Lai Châu, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Quảng Ninh và kéo dài suốt 10 năm sau đó. Buổi sáng 17/2/1979 hôm ấy, ba tôi và nhiều người bạn đồng niên cùng quê đã anh dũng ngã xuống trong cuộc chiến bảo vệ biên cương, nơi trận địa ác liệt nhất của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía  Bắc, pháo đài Đồng Đăng, gửi lại mãi mãi tuổi xuân nơi biên giới.

Cựu chiến binh Hoàng Việt Quốc, ở phường Vĩ Dạ, TP. Huế (quê ở Phong Điền), là đồng đội cùng đơn vị với ba tôi – người thương binh hiếm hoi còn sống sót qua cuộc chiến vô cùng ác liệt ấy, chưa khi nào nguôi ngoai khi nói về sự hy sinh của những người bạn đồng niên cùng đơn vị trong cuộc chiến lịch sử ấy.

Ông Hoàng Việt Quốc nhớ lại: “Rạng sáng 17/2/1979, toàn đơn vị lúc đó đang ngủ, địch bất ngờ trút cơn mưa đạn pháo và ồ ạt tấn công bằng xe tăng, bộ binh lực lượng rất lớn vào biên giới của ta. Anh em trong đơn vị không kịp mặc quần áo, chỉ cầm súng chiến đấu. Đơn vị lúc đó có anh Phạm Bá Hải, Nguyễn Ngọc Tuấn và Nguyễn Văn Cường đều người Phong Điền quê hương mình đã anh dũng hy sinh ngay trong trận đánh đầu tiên”.

Hồi tưởng về cuộc chiến vệ quốc lịch sử ấy, nỗi canh cánh trong tâm thức của người cựu chiến binh Hoàng Việt Quốc cũng giống như nỗi lòng của thân nhân những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống để bảo vệ từng tất đất biên cương, trong đó có tôi, đó là đến nay nhiều anh hùng liệt sĩ vẫn chưa tìm kiếm được để cất bốc đưa về với đất mẹ. Những người trấn giữ Đồng Đăng, Chi Ma, Vị Xuyên… những đồng đội của ba tôi, cùng bao thanh niên là người con của quê hương Thừa Thiên Huế, những người cùng tuổi mười tám đôi mươi đã mãi mãi nằm lại nơi biên cương trong cuộc chiến ác liệt này.

CCB Hoàng Việt Quốc (trái) hồi tưởng về sự hy sinh của đồng đội trong cuộc chiến vệ quốc lịch sử năm 1979

Ông Hoàng Việt Quốc bày tỏ: “Các cấp, các ngành hữu quan đã rất quan tâm thực hiện đầy đủ các chính sách đối với các thương binh, bệnh binh, thân nhân các gia đình liệt sĩ đã hy sinh xương máu trong cuộc chiến lịch sử giữ nước năm 1979 ấy. Song, nguyện vọng thiết tha của tôi là mong các cấp, ngành tiếp tục có những chính sách, hoạt động quan trọng hơn đền đáp cho những người đã hy sinh, để họ được mãi khắc ghi vào lịch sử giữ nước và dựng xây đất nước như một dấu mốc đáng nhớ nhất”.

Tại dịp kỷ niệm 40 năm chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dung một lần nữa khẳng định, chính quyền các cấp, các ban, ngành liên quan trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực chăm lo đền đáp công lao to lớn của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ đã chiến đấu, hy sinh để giành thắng lợi trong cuộc chiến bảo vệ biên giới vĩ đại năm 1979.

Cùng với việc tiếp tục thực hiện tốt hơn chính sách ưu đãi đối với người có công và thân nhân các anh hùng liệt sĩ, các ban, ngành, địa phương phối hợp thực hiện hiệu quả công tác tìm kiếm, xác định danh tính, cất bốc, quy tập hài cốt liệt sĩ, đó cũng chính là hành động quan trọng để tri ân, góp phần tạo niềm tin cho thế hệ con cháu các anh hùng liệt sĩ vững bước kế tục sự nghiệp của cha, ông trong công cuộc bảo vệ và dựng xây đất nước hôm nay.

Theo danh sách của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh hiện có 46 thương binh, bệnh binh, anh hùng liệt sĩ đã chiến đấu, hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979, trong đó có 26 liệt sĩ.

Bài, ảnh: BÁ TRÍ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hội đàm phối hợp tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ mùa khô 2024 - 2025 tại Lào

Ngày 24/10, tại tỉnh Salavan (Lào), đoàn Ban Chỉ đạo 515 tỉnh Thừa Thiên Huế do Đại tá Lê Huy Nghĩa, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh dẫn đầu tiến hành Hội đàm với Ban Công tác đặc biệt tỉnh Salavan về việc phối hợp tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ (HCLS) mùa khô 2024 - 2025. Thiếu tướng Phu Văn Phim Ma Chăn, Chỉ huy trưởng Chính trị, Trưởng Ban Công tác đặc biệt tỉnh Salavan tiếp và làm việc cùng đoàn.

Hội đàm phối hợp tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ mùa khô 2024 - 2025 tại Lào
Trao 17 di ảnh liệt sĩ và tặng quà cho thân nhân các liệt sĩ

Chiều 30/8, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp với Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn tổ chức trao di ảnh liệt sĩ và tặng quà cho đại diện thân nhân liệt sĩ nhân kỷ niệm 79 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2024).

Trao 17 di ảnh liệt sĩ và tặng quà cho thân nhân các liệt sĩ
Đội quy tập 192 cất bốc hài cốt liệt sĩ tại chân đèo Hải Vân

Trong hai ngày 21 và 22/8, Đội quy tập 192, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh phối hợp với Ban CHQS huyện Phú Lộc, Ban CHQS thị trấn Lăng Cô tổ chức khảo sát, tìm kiếm, cất bốc, quy tập 1 hài cốt liệt sĩ tại chân đèo Hải Vân, thị trấn Lăng Cô (Phú Lộc).

Đội quy tập 192 cất bốc hài cốt liệt sĩ tại chân đèo Hải Vân
Số hóa dữ liệu Nghĩa trang liệt sĩ Hương Điền

Trong tháng 7 - tháng tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, Chi đoàn Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh - HueCIT đã thực hiện hoạt động ý nghĩa: Phối hợp, triển khai xây dựng Phần mềm Quản lý nghĩa trang liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ (NTLS) Hương Điền, huyện Phong Điền.

Số hóa dữ liệu Nghĩa trang liệt sĩ Hương Điền
Return to top