ClockThứ Bảy, 24/06/2023 06:50

Lan tỏa tình nhân ái

TTH - LTS: Cuộc gặp mặt, giao lưu truyền thống giữa 3 báo Hànộimới - Thừa Thiên Huế - Sài Gòn Giải Phóng, được diễn ra trong những ngày cuối tháng 6/2023 tại thành phố Huế, với chủ đề “Gắn kết, chia sẻ và lan tỏa giá trị nhân văn”. Để bạn đọc hiểu thêm về ý nghĩa, chủ đề của cuộc gặp mặt; đồng thời, hiểu thêm trách nhiệm với xã hội của những người làm báo Đảng ở 2 thành phố lớn của đất nước, Báo Thừa Thiên Huế trân trọng giới thiệu 2 bài tham luận của Báo Hànộimới và Báo Sài Gòn Giải Phóng (trang 4 và 5).

Gặp lại mối tình kết nghĩa Hà Nội - Huế - Sài Gòn - Bài 2: Chính thức kết nghĩa anh emKết nối những tấm lòng thơm thảoGắn kết, chia sẻ và lan tỏa giá trị nhân vănGặp lại mối tình kết nghĩa Hà Nội - Huế - Sài Gòn - bài 1: Thành lập Ban vận động kết nghĩa

leftcenterrightdel
Báo Hànộimới, Thừa Thiên Huế, Sài Gòn Giải Phóng nhất trí tiếp tục đẩy mạnh, bảo đảm thực hiện các lĩnh vực kết nghĩa tại Báo Hànộimới. Ảnh: NGUYỄN KHÁNH 

Là cơ quan của Thành ủy Đảng Cộng sản Việt Nam thành phố Hà Nội, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô, hơn 65 năm qua, Báo Hànộimới không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của một tờ báo Đảng Thủ đô mà còn tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội từ thiện trên địa bàn Hà Nội và cả nước.

Để thực hiện tốt công tác này, Báo Hànộimới không chỉ huy động nguồn lực từ tập thể cán bộ, phóng viên, nhân viên mà còn sử dụng vị thế, uy tín của một tờ báo lớn để vận động, kết nối các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có tấm lòng nhân ái cùng tham gia.

Một trong những thành công phải kể đến của Báo Hànộimới là Quỹ Trái tim nhân ái. Được thành lập từ năm 2005, Quỹ Trái tim nhân ái có sự đồng hành của nhiều tổ chức, doanh nghiệp tên tuổi như: Tập đoàn Vingroup, Công ty Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD), Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam, Công ty cổ phần Kinh Đô miền Bắc... Trải qua gần hai chục năm, Quỹ Trái tim nhân ái đã huy động được hàng chục tỷ đồng và từ sự đóng góp này, Quỹ đã tiến hành hàng loạt hoạt động xã hội từ thiện, trợ giúp, giúp đỡ được hàng nghìn lượt gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình chính sách, nạn nhân chất độc da cam, người dân nghèo, trẻ em bất hạnh gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.

Có thể nói, từ sự ra đời của Quỹ Trái tim nhân ái, hoạt động xã hội từ thiện của Báo Hànộimới đã thực sự đi vào chiều sâu và hiệu quả. Quỹ có mặt ở tất cả các tỉnh, thành phố phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên… với hình thức hoạt động đa dạng, trong đó thế mạnh là hoạt động cứu trợ đột xuất. Mỗi khi thiên tai xảy ra, dù bão lũ, giá rét chưa qua nhưng cán bộ, phóng viên Quỹ Trái tim nhân ái đã nhanh chóng huy động mọi nguồn lực, sức người, sức của để cứu trợ người dân kịp thời. Có thể kể đến chuyến công tác thần tốc của hành trình “Trái tim nhân ái” đến với người dân khi siêu bão Ketsana (cơn bão số 9) tàn phá các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Dù đường còn chưa thông nhưng chuyến cứu trợ đầu tiên của Quỹ Trái tim nhân ái mang theo số tiền 1 tỷ đồng do Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) ủng hộ, đã có mặt ở cả 4 tỉnh bị thiệt hại nặng gồm: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Và ngay khi đoàn công tác đầu tiên về đến Hà Nội, đoàn thứ hai đã lại lên đường mang theo 550 triệu đồng để xây lại trường học, sửa chữa lại nhà ở cho bà con vùng bão lũ... Hay khi đại dịch COVID-19 bắt đầu xuất hiện vào tháng 1/2020, Quỹ Trái tim nhân ái đã lập tức phối hợp với Công ty cổ phần Kinh doanh địa ốc Him Lam trao 10.000 khẩu trang kháng khuẩn có thể sử dụng nhiều lần cho Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội để tặng người dân vùng ảnh hưởng của dịch COVID-19. Ngoài ra, còn rất nhiều hoạt động kịp thời khác như: Trao tặng quà cho gia đình 3 chiến sĩ cảnh sát phòng cháy, chữa cháy hy sinh trong khi làm nhiệm vụ; thăm hỏi, động viên gia đình có 4 người mất trong vụ cháy nhà ở Hà Nội…

Bên cạnh đó, Quỹ Trái tim nhân ái còn có nhiều chương trình thường niên như: Tặng học bổng cho sinh viên khuyết tật vượt khó học giỏi; tặng quà các gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, gia đình nghèo vào các dịp lễ, tết; thực hiện dự án xóa đói giảm nghèo... với số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng.

Có thể nói, nổi bật nhất trong phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” là hoạt động xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa cho gia đình thương binh, liệt sĩ có khó khăn về nhà ở. Điển hình là hoạt động hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa tại huyện Mê Linh, Hà Nội cho gia đình các ông Lê Văn Minh, thương binh hạng 3/4, thôn Thái Lai, xã Tiến Thắng; ông Nguyễn Thế Ngọc, bệnh binh 2/3, thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh; ông Hà Văn Khai, thương binh hạng 3/4, thôn Tiên Đài, xã Vạn Yên…, hay xây dựng và sửa chữa nhà ở một số gia đình cựu chiến binh ở các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Hưng Yên…

Nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ của Quỹ Trái tim nhân ái, nhiều gia đình đã vươn lên thoát nghèo, nhiều sinh viên khuyết tật đã trở thành giáo viên, kỹ sư, chủ cơ sở sản xuất... Không ít em nhỏ không may mắc bệnh hiểm nghèo, gia đình lại quá khó khăn, sự sống mong manh như “ngọn đèn trước gió” đã được cứu sống, như trường hợp mắc bệnh tim bẩm sinh của cháu Nghiêm Thị Hương Giang (thôn Chẩn Kỳ, xã Trung Tú, huyện Ứng Hòa, Hà Nội), cháu Mẫn Xuân Quân (thôn Xuân Thịnh, xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội)... Bên cạnh đó là rất nhiều em nhỏ không phải nghỉ học giữa chừng, như trường hợp của hai anh em Vũ Đăng Hùng, Vũ Hải Yến, mồ côi cả bố lẫn mẹ ở 138 ngõ chợ Khâm Thiên, quận Đống Đa, Hà Nội được các đoàn viên của Báo Hànộimớinhận đỡ đầu thông qua Quỹ Trái tim nhân ái trong 8 năm liền…

Những món quà nghĩa tình của Quỹ Trái tim nhân ái không chỉ giới hạn trong nước mà còn đến với cả bạn bè quốc tế. Năm 2011, đất nước Nhật Bản gánh chịu thảm họa kép động đất và sóng thần. Ý thức được trách nhiệm của mình với cộng đồng, Quỹ Trái tim nhân ái đã vận động được số tiền 1,2 tỷ đồng từ các công ty, doanh nghiệp, bạn đọc, cán bộ, phóng viên, nhân viên của Báo Hànộimới và đã đến trao tận tay Đại sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội.

Một hoạt động khác đáng chú ý của Báo Hànộimới là chuyên mục “Trái tim nhân ái” trên Trang Bạn đọc của Báo Hànộimới. Từ hơn chục năm qua, những bài viết trên chuyên mục đã luôn được bạn đọc đón đọc hàng tuần và chuyên mục thực sự đã trở thành nhịp cầu nối những trái tim khi có hàng nghìn hoàn cảnh khó khăn được sẻ chia và được những bạn đọc hảo tâm giúp đỡ. Rất nhiều độc giả là những cán bộ hưu trí hàng tuần vẫn đạp xe lên Tòa soạn tại 44 Lê Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội trao cho cán bộ Báo Hànộimới số tiền được trích ra từ lương hưu để chuyển tới những hoàn cảnh khó khăn. Nhiều độc giả nhà xa, đi lại khó khăn, điển hình như ông Nguyễn Trọng Vĩnh, ở số 23, ngõ 5 Hoàng Tích Trí, phường Kim Liên, Hà Nội thỉnh thoảng gọi điện cho Quỹ đến nhận tiền giúp đỡ 4-5 gia đình nghèo với số tiền lên đến hàng triệu đồng/gia đình… Hay bà Nguyễn Thị Nga, ở 11 Hàng Cót, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội thì đều đặn một tháng hai lần nhờ bác xe ôm đầu ngõ mang tiền đến Tòa soạn để Quỹ chuyển cho các gia đình khó khăn, đặc biệt là các em nhỏ mồ côi…

Từ những thành công của Báo Hànộimới, để thực hiện tốt các hoạt động xã hội, từ thiện, chúng tôi cho rằng cần phải thực hiện đồng thời nhiều biện pháp.

Với chức năng là một cơ quan báo chí, cần tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của đông đảo tầng lớp nhân dân về vai trò của công tác nhân đạo, từ thiện; nhanh chóng phát hiện kịp thời những hoàn cảnh khó khăn, yếu thế cần giúp đỡ trong xã hội. Đồng thời, chú trọng hoạt động tôn vinh, biểu dương các cá nhân, đơn vị đã đồng hành cùng Báo trong công tác này. Tăng cường công tác đối ngoại nhằm huy động sự vào cuộc mạnh mẽ, sự ủng hộ về mọi mặt từ vật chất đến tinh thần của các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân trong xã hội. Cần tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, các chương trình, dự án… để hỗ trợ đồng bào nghèo, đồng bào vùng sâu, vùng xa, đồng bào bị thiệt hại do thiên tai có sinh kế bền vững, nhanh chóng ổn định cuộc sống. Không ngừng sáng tạo đổi mới phương thức hoạt động theo hướng chuyên nghiệp, bài bản công tác này, nhất là trong thời đại khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ như hiện nay.

Hànộimới
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Hũ gạo tình thương” lan tỏa những điều tốt đẹp

Mang lời dạy “sẻ cơm nhường áo” của Bác Hồ với phong trào “Hũ gạo tình thương” năm xưa, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Giang Hải, huyện Phú Lộc đã vận dụng thiết thực và hiệu quả vào đời sống ngày nay, góp phần tiếp sức, nâng bước những học sinh nghèo đến trường.

“Hũ gạo tình thương” lan tỏa những điều tốt đẹp
Lan tỏa mạnh mẽ việc học tập và làm theo Bác

Sau 3 năm thực hiện Kết luận số 01 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05 “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, nhờ sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng với nhiều cách làm phù hợp, sáng tạo đã mang lại hiệu quả thiết thực; xây dựng được nhiều mô hình tiêu biểu nhân rộng trên địa bàn huyện Quảng Điền.

Lan tỏa mạnh mẽ việc học tập và làm theo Bác
Lan tỏa giá trị sống bằng tình yêu ẩm thực

Đứng lớp dạy nấu ăn cho những người yếu thế trong xã hội, hay khi hướng dẫn cho các chuyên gia tìm hiểu về ẩm thực Huế, chị Lê Thị Thanh Hương (TP. Huế) luôn làm việc bằng một tình yêu say mê với ẩm thực. Không chỉ tận tâm giúp những người có hoàn cảnh thay đổi chất lượng cuộc sống, chị Hương còn tích cực lan tỏa văn hóa ẩm thực của quê hương đến với bạn bè quốc tế.

Lan tỏa giá trị sống bằng tình yêu ẩm thực
Return to top