ClockThứ Ba, 25/07/2023 06:42

Lễ truy điệu chiến sĩ trận vong đầu tiên ở Huế

TTH - Sau gần 9 tháng chiến đấu, nhiều chiến sĩ của Vệ Quốc đoàn Thuận Hóa, từ các mặt trận đánh Pháp ở Nha Trang, Bình Thuận, Buôn Ma Thuột, Kon Tum đến tận chiến trường nước bạn Lào, như Phà Lan, Đồng Hến, Mường Phìn, xả thân bảo vệ thành quả cách mạng đã anh dũng hy sinh oanh liệt mà cụm từ thời ấy thường dùng gọi là “Chiến sĩ trận vong”.

Truy điệu và an táng 16 hài cốt các anh hùng liệt sĩTruy điệu, an táng hài cốt liệt sĩ tại Nghĩa trang TX. Hương Thủy

leftcenterrightdel
 Báo Chiến sĩ đưa tin về Lễ truy điệu chiến sĩ trận vong đầu tiên ở Huế. Ảnh: Tư liệu

Để ghi nhớ những tấm gương quả cảm tạc lên “Đài danh dự Tổ quốc ghi công” và tri ân các gia đình có con em trận vong và các chiến sĩ đang cầm súng trên các mặt trận để bảo vệ nền độc lập của đất nước, Báo Chiến sĩ, Cơ quan tuyên truyền Vệ Quốc đoàn, đóng ở số 8 đường Tự Đức, Thuận Hóa (nay là 12 đường Hùng Vương), số 22 ra ngày 24/4/1946 đưa tin:

Ngày 23 tháng 4 năm 1946, thành phố Thuận Hóa (tức thành phố Huế), lần đầu tiên, sau ngày Cách mạng giành chính quyền về tay Nhân dân, chính quyền và các đoàn thể Việt Minh đã long trọng làm lễ truy điệu các chiến sĩ trận vong (sau này gọi là liệt sĩ) vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Ngày này tất cả các công sở, nhà dân đều treo cờ rủ; tiệm ăn, hiệu bán đóng cửa, các chợ nghỉ họp.

Từ sáng sớm ngày 23 tháng 4, tại các đền chùa, nhà thờ Thiên Chúa đã có buổi cầu kinh siêu độ. Buổi chiều cùng ngày, tại Phu Văn Lâu lễ truy điệu được cử hành rất trọng thể. Lễ đài trận vong được dựng lên trước Cột cờ Kinh thành. Dưới chân lễ đài, người ta đặt một quan tài giả rồi phủ lên một lá Quốc kỳ và có các chiến sĩ danh dự đứng nghiêm bồng súng gác ở bốn góc. Đồng bào Thuận Hóa và các đoàn thể trong ngoài thành phố đông hàng vạn người đến dự lễ, đứng chật hai bên lễ đài, quanh lễ đài được treo rất nhiều biểu ngữ và vòng hoa phúng điếu. Gia đình các chiến sĩ trận vong có mặt đông đủ ở bên trái khán đài.

Đúng 16 giờ 30, đại biểu Chính phủ, Ủy ban Hành chánh Trung Bộ và tỉnh Thừa Thiên tới. Sau khi duyệt đội Vệ Quốc quân và đoàn quân tiếp phòng, các đại biểu đến trước lễ đài, nghiêm trang chào cờ trong khi Ban âm nhạc cử bài Quốc ca. Đoạn ông Chủ tịch Ủy ban Hành chánh Trung Bộ Trần Hữu Dực cùng ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến miền Nam (ông Nguyễn Sơn sau ra khu Bốn làm Liên Khu trưởng, được Chính phủ phong hàm Thiếu tướng đợt đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam) tiến lên đặt vòng hoa trước quan tài. Ban nhạc cử bài Hồn Tử sĩ, trong không khí bi hùng của nền nhạc hòa quyện với mùi trầm thoang thoảng. Đại biểu các đoàn thể lần lượt mang vòng hoa đến đặt trước Lễ đài và kính cẩn cúi đầu, mặc niệm.

Sau một bài điếu văn rất cảm động của ông Chủ tịch Ủy ban Hành chánh Trung Bộ, tiếp đến ông Nguyễn Sơn lên diễn đàn phát biểu điểm lại tình hình chiến đấu trong thời gian qua và hướng triển vọng sắp tới, đặc biệt là ông gửi lời động viên, chia buồn sâu sắc đến từng gia đình chiến sĩ trận vong. Sau khi ông Nguyễn Sơn dứt lời, ông Ưng Thiều, một người trong Hoàng tộc nhà Nguyễn, đại diện cho gia đình các chiến sĩ tử trận phát biểu cảm ơn Chính phủ, cảm ơn quân đội và lấy làm tự hào có những người con đã bỏ mình vì đất nước. Trong giờ phút trầm lặng xen lẫn với những tiếng khóc âm thầm trong hàng các tang gia đã làm lay động rất nhiều đồng bào đến dự lễ truy điệu.

Đến 18 giờ, lễ truy điệu kết thúc. Một cuộc diễu hành đi qua khán đài đầy hoa và ánh sáng rực rỡ hướng về các ngả đường thành phố...

Trong các hoạt động tổ chức lễ truy điệu chiến sĩ trận vong – về sau là lễ truy điệu các anh hùng liệt sĩ, lịch sử kháng chiến ghi nhận đây là lần đầu tiên tỉnh Thừa Thiên và thành phố Huế, cũng như cả miền Trung bộ làm lễ truy điệu các liệt sĩ kể từ sau Cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công.

DƯƠNG HOÀNG
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Toàn văn lời điếu tại Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Ngày 26-7, Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam được cử hành trọng thể theo nghi thức Quốc tang tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội), đồng thời Lễ truy điệu cũng được tổ chức tại Hội trường Thống Nhất (thành phố Hồ Chí Minh) và quê nhà Tổng Bí thư tại xã Đông Hội, huyện Đông Anh (Hà Nội).

Toàn văn lời điếu tại Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Tổ chức trọng thể Lễ truy điệu nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu

Với niềm tiếc thương vô hạn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đọc Điếu văn nêu rõ: Đồng chí Lê Khả Phiêu là nhà lãnh đạo xuất sắc, có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta; người Đảng viên cộng sản trung kiên suốt đời cống hiến, hy sinh vì lý tưởng độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội, thống nhất đất nước; vì hạnh phúc của nhân dân và thực hiện nghĩa vụ quốc tế.

Tổ chức trọng thể Lễ truy điệu nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu
Cử hành trọng thể Lễ truy điệu nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười

Sáng 7/10, Lễ truy điệu đồng chí Đỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nguyên Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam được cử hành trọng thể theo nghi thức Quốc tang tại Nhà Tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội) và Hội trường Thống Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh).

Cử hành trọng thể Lễ truy điệu nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười
Return to top