Một nguyên nhân được ngành chức năng kiểm tra đưa ra, đó là do mưa lớn, độ mặn giảm sâu nên dẫn đến tình trạng cá chết nói trên. Đọc những thông tin về thủy sản bị chết, chúng ta hết sức chia sẻ với với bà con ngư dân. Tuy nhiên, nếu thất bại do mưa lớn, nước đầm phá bị ngọt hóa trong mùa lũ lụt, có lẽ là một bài học cần được lưu tâm.
Thời tiết Thừa Thiên Huế có hai mùa hết sức rõ rệt – mùa nắng nóng và mùa mưa bão. Mùa nắng nóng, có nhiều năm nắng gay gắt và kéo dài gây ra hiện tượng hạn hán. Mùa mưa bão thường gây ra ngập lụt. Hiện nay, hệ thống thủy lợi được xây dựng khá tốt nên phần nào hạn chế được những thiệt hại đối với cây trồng do hạn hán xảy ra. Nhưng đối với mưa lụt thì chưa có biện pháp khắc chế hiệu quả. Cách né tránh hiệu quả nhất là tránh nuôi trồng thủy sản rơi vào thời điểm này, nếu việc nuôi phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên.
Ở vùng đầm phá có một cách nuôi cá bán tự nhiên là nuôi trong sáo. Người dân thường gọi là ô. Mỗi ô như vậy có diện tích lớn nhỏ là tùy theo mức sở hữu của từng người. Người ta dùng (thường là cọc tre) và lưới mùng căng bao bọc lại. Dòng nước trong đầm phá vẫn cứ lưu thông, tôm, cua cá có thể tìm một phần thức ăn tự nhiên. Một phần khác ngư dân bổ sung thêm, thường là các loại thủy sản phế thải nấu chín để không làm ô nhiễm môi trường. Cứ hết mùa mưa, thường là sau tết âm lịch bắt đầu xuống vụ, sau vài tháng các loại thủy sản lớn dần lên họ thu hoạch lai rai bằng nò cho đến tháng 8 âm lịch (Thu tế) là thu “vét” đợt cuối cùng. Đến thời điểm này là hầu như kết thúc vụ nuôi của một năm. Đó là kinh nghiệm được đúc kết lâu đời của người dân đầm phá, chỉ nuôi trong một khung thời tiết thuận lợi. Nếu có xảy ra rủi ro thì cũng rất ít, gọi là “hy hữu”. Và thấy họ chẳng bao giờ thất bại trắng tay! Trong nông nghiệp cũng vậy; ví dụ như cây lúa, ở Thừa Thiên Huế chỉ làm 2 vụ đông xuân và hè thu. Nói là đông nhưng cũng là cuối đông, thường là trước tết âm lịch. Vụ hè thu thì chọn trồng các loại lúa ngắn ngày để có thể kết thúc vụ sớm, tránh có thể gặp lụt sớm.
Làm như vậy, không phải an toàn 100% nhưng cũng hạn chế mức rủi ro cao nhất do những bất lợi của thời tiết.
Nói về thời tiết, hầu như không năm nào Thừa Thiên Huế không có lụt, không lớn thì nhỏ. Chuyện độ mặn ở đầm phá giảm xuống hay ngọt hóa là chuyện thường xuyên. Cho nên đây là một bài học mà những người nuôi trồng thủy sản cần rút ra để tránh. Nuôi trồng thủy sản thường có lợi suất cao hơn nông nghiệp hoặc các đối tượng chăn nuôi khác. Nhưng nếu như thất bại 1 năm có khi sau vài năm chưa chắc bù lại được.
Chúng ta thấy khi cá bị chết hàng loạt, thường là ngành chức năng đi kiểm tra, đo lường các yếu tố như nhiệt độ, môi trường… và kết luận do cá chết vì nguyên nhân này nguyên nhân kia và khuyến cáo bà con có những biện pháp phòng, chống. Tuy nhiên, có những yếu tố không hoặc rất khó phòng, chống là do lũ lụt, nước tràn về mênh mông. Đối với những phương thức nuôi hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên thì rủi ro càng cao. Cho nên, khuyến cáo của ngành chức năng là một việc cần thiết, song việc quan trọng hơn là bà con tự quyết định lựa chọn thời vụ nuôi sao cho phù hợp.
LÊ BÌNH AN