Tôi quan tâm đến vụ việc này không phải là chuyện ở Thái Bình hay chuyện ở đâu đó, có liên quan gì đâu đến Thừa Thiên Huế mà vì một lý do khác, có thể chúng ta vẫn còn trọng văn bằng hơn thực lực. Có bằng đi cùng với thực lực tốt đã quý (dạng 1). Không có bằng mà có thực lực tốt càng quý hơn (dạng 2). Vì trong thực tế, có thể vì một lý do nào đó mà có những người không có bằng cấp tương xứng nhưng thực lực của họ đáp ứng tốt yêu cầu và công việc. Vì sự học không chỉ trong nhà trường mà còn nhiều cách học khác nhau để thu nạp kiến thức và kỹ năng sống.
Ngại nhất, thú thật là, những người có bằng thật nhưng trình độ không tương xứng, thực lực không tương xứng. Hay nói một cách nào đó là “trình độ giả”. Thế thì trong công việc, chúng ta chọn những dạng người nào? Theo tôi là nên chọn dạng (1) và dạng ( 2) cho công việc là tốt nhất.
Trở lại vấn đề của ông Phùng Hữu Chiến. Nếu ông ở một cấp bậc nào đó “nho nhỏ” thì dư luận chắc không để tâm nhiều như vậy. Ở đây ông lại là viện trưởng của một viện phải nói là quan trọng trong phát triển - Viện Quy hoạch. Nếu như ông Chiến sử dụng văn bằng giả (giả sử đó là sự thật) thì câu chuyện không còn gì để nói - gian dối đối với một người bình thường đã không thể chấp nhận, huống gì là một người có chức vụ, mà một chức vụ quan trọng!
Để được làm viện trưởng, điều chắc chắn ông Chiến đã trải qua những chức vụ khác, có trải nghiệm thực tiễn và có đánh giá của cấp có thẩm quyền đề bạt chứ không thể tự nhiên ông “lên thẳng” đến viện trưởng.
Đến đây thì chúng ta thấy có mấy vấn đề. Thứ nhất, có thể trong công tác cán bộ có vấn đề. Làm gì có chuyện một người trải qua một quá trình công tác dài và trải qua bao nhiêu chức vụ mà lại không được đánh giá đúng thực lực con người. Nếu ông có thực lực tốt, với tư cách là một viện trưởng thì theo tôi, chuyện bằng cấp trở nên thứ yếu. Nếu đánh giá về ông thì, điều quan trọng là đánh giá chuyện trung thực hay không trung thực chứ không phải là chuyện thực lực.
Nếu ông Chiến sử dụng bằng giả (xin nhắc lại là giả sử) thì nhất thiết phải có hình thức kỷ luật về chuyện không trung thực, theo quy định, còn thực lực của ông trong thực tế phải được ghi nhận. Như trên đã nói, thói thường, ai được đề bạt đến một chức vụ cao nào đó sẽ có hai thực tế: thứ nhất là thực lực tốt. Nếu không như thế thì hệ thống sử dụng và đề bạt cán bộ có vấn đề!
Chúng ta có đầy đủ những quy định về quy trình và tiêu chuẩn của công tác cán bộ. Cứ chiếu theo những quy định này mà thực thi. Phải làm hết sức chặt chẽ từ đầu để không để xảy ra hiện tượng: một người nào đó đã đề bạt lên một chức vụ cao nào đó, chẳng hạn như Chủ tịch UBND xã (trường hợp này phát hiện sử dụng bằng giả không hiếm), và như trường hợp của ông Chiến nêu trên là viện trưởng, để rồi chúng ta bàn đến chuyện bằng giả bằng thật, “thực lực giả thực lực thật”. Trong những trường hợp như thế này, công tác cán bộ có thể “mắc kẹt” trong dư luận.
Nguyên Lê