ClockThứ Tư, 10/01/2018 08:29

Mở cửa Chánh Tây

TTH - Trong kế hoạch chuẩn bị cho Chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968 có một việc cực kỳ quan trọng là phải tổ chức mở cửa Chánh Tây để lực lượng quân sự, chính trị tiến vào Nội thành và ra Đông Ba, Gia Hội đối với lực lượng cánh Bắc sông Hương.

Tình hình ta nắm được là địch thường có hơn một tiểu đội, sau giờ thiết quân luật (20 giờ) thì canh gác cửa ở phía trong thành. Lính gác là lính bảo an, chỉ có vũ khí thông thường.

Ta phải tổ chức lực lượng diệt tiểu đội này từ bên trong thành, mở cửa Chánh Tây để toàn bộ lực lượng quân sự, chính trị của ta vào khoảng hơn 2.000 người, xuất phát từ đường núi Hương Trà tiến công vào Huế. Đây là hướng tiến công chủ yếu của lực lượng cánh Bắc sông Hương.

Anh Phan Nam lúc đó là Thành ủy viên. Trong Xuân 1968, anh là Bí thư Quận ủy quận Tả Ngạn và tôi lúc đó là Thành ủy viên phụ trách địa bàn Bắc Huế (Nam Quảng Điền) cũng được giao nhiệm vụ này. Anh Phan Nam phụ trách chính và phải đánh địch bên trong, tôi ở ngoài phối hợp hỗ trợ theo yêu cầu của anh Nam. Vấn đề khó nhất là đảm bảo bí mật tuyệt đối, lại phải hành động đúng giờ "G".

Chúng tôi bàn với nhau, anh Nam ở bên trong lo điều tra mục tiêu, nơi giấu quân (vì từ 10 giờ đêm địch thiết quân luật), tiếp nhận vũ khí và cất giấu, bố trí người đủ tin cậy, dũng cảm đảm đương, đường đi từ chỗ trú tập trung đến mục tiêu. Tôi ở bên ngoài lo 2 việc là chuyển vũ khí và đưa quân vào (nếu cần).

Kế hoạch triển khai thực hiện suôn sẻ, thuận lợi. Tôi giao nhiệm vụ nặng nề cho chị Đặng Thị Chề, quê Mỹ Xá, xã Quảng An, chồng tập kết, có con học ở Huế, đảng viên dự bị, mua và chuyển lên Huế 10 bao tải gạo, lúa, trong lúa có 3 khẩu AK báng xếp và 10 kg bộc phá. Từ Mỹ Xá chuyển gạo về chợ Tây Ba, chuyển qua ca-nô (hàng ngày có ca-nô Tây Ba - Huế) lên bến Tượng (đường Huỳnh Thúc Kháng). Lúa gạo chở ca-nô, nhưng người đi bộ đến bến Tượng, rồi có người của anh Phan Nam kéo xe ba gác đến chở và cất giấu an toàn. Tôi nhớ mãi, khi làm xong nhiệm vụ, chị Chề nói với tôi: "Nếu không phải là đảng viên tôi không làm đâu".

Bên trong thành, anh Phan Nam tiến hành các việc đều êm thấm; đồng thời, quyết định bố trí 3 đảng viên và tự vệ làm nhiệm vụ diệt lính gác, để mở cửa khi có lệnh. Ba đồng chí là Võ Phước Toàn tức Thanh, Quận ủy viên quận Tả Ngạn làm tổ trưởng và 2 thanh niên tự vệ là Tùng và Đằng.

Trước Tết 3 ngày, anh Phan Nam được Thường vụ Thành ủy gọi ra để kiểm tra việc chuẩn bị bên trong và cho biết ngày giờ hành động. Qua trao đổi, anh Nam và tôi thấy yên tâm và rất tin tưởng sẽ thực hiện được cả 2 yêu cầu: Mở được cửa Chánh Tây và bảo đảm mật tuyệt đối.

Ngày 30 Tết, chị Đặng Thị Chề đưa đồng chí Hiếu, cán bộ trinh sát đặc công vào tăng cường, bên trong tiếp nhận an toàn. Như vậy, tổ đánh mở cửa Chánh Tây gồm 4 đồng chí, có trong có ngoài, quyết tâm tin tưởng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Tối mồng một Tết (31/1/1968), anh Nam trực tiếp giao nhiệm vụ: Bằng mọi giá phải mở bằng được cửa Chánh Tây. Và lệnh là khi có tiếng pháo ta bắn vào khu Tam Giác (chỉ huy tiểu khu) và Phú Bài vào giờ G, sẽ đánh tan địch và mở cửa Chánh Tây cho bộ đội ta tiến vào.

Đúng 2 giờ 33 phút, từ đỉnh núi Kim Phụng, đại bác lệnh cho toàn mặt trận bắt đầu bắn vào trại Phan Sào Nam (chỉ huy sở tiểu khu) nổ vang trời, trung đội trưởng trinh sát đặc công Nguyễn Văn Hiếu rút chốt bộc phá đánh tan toán lính gác và đồng đội của ta mở cửa cho lực lượng của ta từ bên ngoài tiến vào thành. Trung đoàn trưởng Dương Quang Đấu bắt tay chúc mừng cán bộ đặc công Nguyễn Văn Hiếu và các tự vệ Nội thành đã dũng cảm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Tôi cùng hành quân hướng này nhưng cùng đội quân chính trị đi sau, lại phải vượt qua sông Vạn Xuân nên đến gần 5 giờ sáng mới vào trong cửa thành. Gặp Trung đoàn trưởng vốn là Thành đội trưởng cùng trong Thành ủy với nhau, cùng với Hiếu và 2 tự vệ chúng tôi bắt tay chúc mừng thắng lợi. Tôi trao đổi với anh Đấu để nắm một số tình hình, rồi ai lo việc nấy một cách khẩn trương. Trên đường 23/8, nhìn về Đại Nội, Ngọ Môn tôi thấy tất cả im lìm. Còn phía cột cờ, lá cờ "liên minh các lực lượng dân chủ và hòa bình" tung bay như vẫy gọi Nhân dân thành phố. Đến cửa Thượng Tứ, tôi gặp anh Phan Nam đang đợi đón đội vũ trang công tác để triển khai ở Phú Hòa, Gia Hội.

Quá mừng vui, nhưng gặp nhau cũng không biết nói gì hơn, chỉ nói được với nhau: "Khẩn trương triển khai công việc, tranh thủ thời cơ".

Tôi theo đường Xuân 68 (hiện giờ) tiến về cửa Đông Ba, nơi có bưu điện Nội Thành như đã hẹn anh Loan (Thành ủy viên chỉ đạo trí thức sinh viên bên trong Nội thành) tại đó. Đúng hẹn, không chỉ anh Loan mà còn có mấy cán bộ bên trong nữa. Tôi nhớ có các anh Ngô Yên Thi, Lê Phước Thủy, Trần Thân Mỹ và cả cô Đoan Trinh (con gái cụ Đóa) đón chúng tôi tại đó.

Sung sướng, mừng vui nhưng chúng tôi không nói với nhau được gì, chỉ chúc nhau khỏe và hoàn thành nhiệm vụ trong một cuộc chiến đấu mới.

Nguyễn Trung Chính (kể)

Nguyễn Quang Hà (ghi)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Mở cửa” cho năng lượng tái tạo phát triển

Ngày 3/7/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 80/2024/NĐ-CP về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo (NLTT) với khách hàng sử dụng điện lớn (Nghị định 80). Nghị định này sẽ tháo gỡ điểm “nghẽn” lớn trong việc đầu tư, sử dụng điện mặt trời (ĐMT), điện gió, điện sinh khối…; đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước đầu tư vào sản xuất để sử dụng, bán NLTT. Ngoài ra, đáp ứng các yêu cầu về sản xuất xanh, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu.

“Mở cửa” cho năng lượng tái tạo phát triển
Điện Kiến Trung trước ngày mở cửa

Tết Nguyên đán Giáp Thìn này, điện Kiến Trung sẽ chính thức mở cửa đón khách. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế kỳ vọng, cung điện này sẽ là điểm đến thú vị và hấp dẫn du khách khi tham quan khu di sản Hoàng cung Huế.

Điện Kiến Trung trước ngày mở cửa
Return to top