Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ
Đề án này được xây dựng dựa trên ý tưởng nào, thưa ông?
Nhiều năm qua, tỉnh luôn chú trọng thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường (BVMT) bằng việc đầu tư nguồn lực kiến tạo hạ tầng, cây xanh, bãi cỏ, lắp đặt hệ thống chiếu sáng nghệ thuật, xây dựng cầu đường, nạo vét kênh mương, vệ sinh môi trường…; cùng với đó, phát động nhiều chương trình, phong trào, cuộc vận động trong toàn dân nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong việc BVMT.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vệ sinh môi trường của tỉnh vẫn còn nhiều vấn đề đáng quan tâm, còn xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường, sự phối hợp của các cấp, các ngành chưa đồng bộ, chưa có chế tài đủ mạnh, xử lý kiên quyết đối với hành vi thiếu ý thức gây ô nhiễm môi trường…
Xuất phát từ thực tiễn trên, UBND tỉnh đã ban hành và chỉ đạo thực hiện đề án Ngày Chủ nhật xanh - “Hãy hành động để Thừa Thiên Huế thêm xanh- sạch- đẹp”.
Thưa ông, việc thực hiện đề án này bắt đầu từ đâu? Các tiêu chí cụ thể có được định tính, định lượng?
UBND tỉnh bắt đầu bằng lễ phát động “Ngày Chủ nhật xanh” vào sáng 20/1/2019 với các hoạt động như: ra mắt đội hình thanh niên tình nguyện tham gia xây dựng nếp sống văn minh đô thị; ký cam kết thực hiện đề án; ra quân làm vệ sinh môi trường trên và dọc hai bờ sông Hương; tổ chức đội hình tuyên truyền và lập lại trật tự nếp sống văn minh đô thị tại một số tuyến đường chính ở TP. Huế; tổ chức trồng cây xanh dọc QL1A từ Huế về sân bay Phú Bài… Sau đó, tùy vào điều kiện cụ thể của từng đơn vị, địa phương để hưởng ứng phong trào thiết thực, có trọng tâm, trọng điểm, duy trì thường xuyên, phù hợp với tình hình thực tế.
Đoàn viên thanh niên ra quân làm sạch 2 bờ sông Hương
Với phương châm “Mỗi cá nhân, hộ gia đình một việc làm; mỗi tổ dân phố, thôn, bản, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp một công trình, phần việc để Thừa Thiên Huế thêm xanh- sạch- sáng”, tỉnh hướng đến mục tiêu 100% tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình thay đổi nhận thức về việc bảo vệ môi trường; đảm bảo vệ sinh môi trường, không có hành vi gây ô nhiễm môi trường; không lấn chiếm lòng đường, hè phố, gây cản trở giao thông, đặt biển quảng cáo sai quy định, gây mất mỹ quan đô thị và nông thôn.
Ngoài ra, một số phần việc có thể định lượng được như: 80% người dân có những hành động BVMT, thực hiện ít nhất 1 việc làm tham gia Ngày Chủ nhật xanh; hằng năm trồng mới 100.000 cây xanh; mỗi xã, phường, thị trấn xây dựng được ít nhất một vườn hoa, đường hoa; mỗi tổ chức mặt trận và các đoàn thể cấp xã đảm nhiệm thực hiện một tuyến đường “Sáng- xanh- sạch- đẹp- trật tự trị an”…
Ở mỗi phong trào không thể thiếu những mô hình điểm, từ mô hình điểm này có thể nhân rộng ra trong toàn tỉnh?
Đúng vậy. Đề án này cũng xây dựng một số mô hình điểm nhằm nhân rộng trên toàn tỉnh. Cụ thể, tỉnh giao cho UBND TP. Huế thực hiện mô hình “Huế- thành phố 4 mùa hoa” nhằm triển khai chọn một số tuyến đường làm đường hoa 4 mùa; trồng hoa theo mùa tại công viên, dải phân cách, bồn hoa trên vỉa hè hoặc học sông Hương, trong các cơ quan, trường học.
Mô hình “Dòng Hương trong xanh” được giao cho Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức ra quân vệ sinh môi trường định kỳ làm cho dòng sông Hương lúc nào cũng trong xanh, sạch đẹp. Mô hình “Tuyến đường sáng- xanh- sạch- đẹp- trật tự trị an” được giao cho MTTQ và các đoàn thể thực hiện tại các đường liên thôn, xóm. Xây dựng nhiều mô hình “không xả rác” ở các nhà hàng, điểm tham quan, du lịch, công viên…
Khuyến khích việc phản ánh hiện trường, cung cấp hình ảnh, clip về hành vi vi phạm BVMT của tổ chức, cá nhân qua Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh nhằm chấn chỉnh hành vi vi phạm. Tuyên truyền để người dân sử dụng sản phẩm bao bì thân thiện với môi trường thay thế túi nilon sử dụng một lần; phân loại rác thải tại nguồn, bỏ rác đứng nơi quy định.
Ngoài ra, tỉnh chỉ đạo 100% Đoàn thanh niên cấp huyện và cấp xã thành lập câu lạc bộ, đội hình thanh niên tình nguyện xung kích BVMT, bảo vệ dòng sông quê hương.
Để các phong trào của đề án lan tỏa, tạo sự đồng thuận cao trong toàn dân, trong cộng đồng, tránh hình thức kiểu “đánh trống bỏ dùi”, theo ông cần phải làm gì?
UBND tỉnh sẽ phát động sâu rộng trong toàn dân, hộ gia đình, cơ quan, ban, ngành, tổ chức chính trị- xã hội, doanh nghiệp tham gia và duy trì có hiệu quả Ngày Chủ nhật xanh. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, ý thức BVMT cho các tầng lớp nhân dân. Trong đó, chú trọng tổ chức các hội thi, hội diễn, sinh hoạt chuyên đề, đề xuất các ý tưởng, sáng kiến, giải pháp tham gia thực hiện Ngày chủ nhật xanh, xây dựng Thừa Thiên Huế xanh- sáng – sạch, không rác thải. Tuyên truyền nhân rộng những cách làm hay, sáng tạo, tuyên dương những cá nhân, tập thể tiêu biểu trong thực hiện các nội dung đề án.
Hướng đến đảm bảo môi trường, cảnh quan đô thị và khu vực nông thôn trên địa bàn ngày càng sáng- xanh- sạch- không rác thải, xây dựng Thừa Thiên Huế theo hướng “Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”; bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa, xây dựng và hình thành lối sống văn minh, văn hóa đô thị, nông thôn, BVMT trong cộng đồng và toàn xã hội.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
THÁI BÌNH (Thực hiện)