ClockThứ Năm, 22/09/2016 13:41

Một số nơi vẫn còn ngập nhẹ

TTH.VN - Cụ thể, sông Hương tại Kim Long, mực nước xuống ở mực 0,8m (dưới báo động I 0,2m); sông Bồ trưa nay tại Phú Ốc đạt đỉnh ở mức 1,8m (trên báo động I 0,3m), sau đó xuống chậm và dao động ở mức báo động I. Các địa phương cần chú ý tình trạng ngập úng cục bộ, tại vùng trũng, ven sông.

Các hồ thủy điện, thủy lợi vẫn an toànMưa lớn, ngập cục bộ nhiều tuyến đườngThi công ống thoát nước không ảnh hưởng đến ngập úng

Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Đài khí tượng thủy văn tỉnh cho biết, chiều và đêm nay (22/9), mưa giảm, lũ trên sông Hương tiếp tục xuống chậm và dao động dưới mức báo động. Trên sông Bồ, nước sẽ đạt đinh ở mức trên báo động I, sau đó xuống chậm. 

Hiện, tuyến tỉnh lộ 4 dẫn về các xã như Quảng Thành, Quang  An, Quảng Phước (huyện Quảng Điền), một số nơi nhà dân bị ngập nhẹ, hoa màu bị thiệt hại. Ghi nhận của phóng viên sáng 22/9, tại xã Quảng Thành, sông Tây Thành- Kim Đôi mực nước đang lên mấp mé nhà dân.

Nước lên trở lại tại Quảng Điền

Ông Đào Trọng Thành, Chủ tịch UBND xã Quảng Thành cho biết: "Mưa lớn trong hai ngày qua đã làm mực nước sông dâng cao nhưng chỉ gây ngập nhẹ một số tuyến đường giao thông nội đồng. Toàn xã có 30 ha rau các loại, số diện tích này chủ yếu trồng trong vườn nhà ở thôn Tây Thành. Một số diện tích nhỏ còn lại (trên tổng diện tích 1,8 ha vùng rau an toàn) bị ngập trong nước".

Trên tuyến tỉnh lộ 4 đoạn đi qua thôn Đông Xuyên, xã Quảng An, một số nhà dân ở khu vực này cũng bị ngập, nước tràn qua đường. Bà Lê Thị Liêm (78 tuổi, thôn Đông Xuyên) cho biết: "Từ chiều tối hôm qua (21/9), nước đã tràn qua mặt đường, sau đó, đến 1h sáng 22/9 thì rút nhưng sáng nay, nước lại lên, tràn vào nhà".

Tại đoạn đường dẫn qua cầu Thủ Lễ (xã Quảng Phước), nước từ mé sông tràn lên gây ngập úng chừng 0,5m, giao thông đoạn này bị chia cắt. Từ trong các thôn nằm dọc mép sông Diên Hồng, xã Quảng Phước nước đã mấp mé nhà dân, một số tuyến đường liên thôn thấp trũng, nước ngập từ 0,2-0,3m. Ở những nơi này, người dân tranh thủ nước lụt lên ra sông cất rớ, bắt chuột đồng nên rất nguy hiểm.

Thôn Mai Dương là địa bàn thấp nhất xã Quảng Phước cũng có một số nhà dân, tuyến đường bị ngập. Bà Phạm Thị Hiền, Chủ tịch UBND xã Quảng Phước cho hay, khoảng 20h tối hôm qua, nước sông dâng cao đã làm nhiều nhà dân ở vùng Mai Dương ngập từ 0,4-0,5m. Sáng nay, nước đã giảm. Cơ bản không có thiệt hại lớn".

Theo ông Hoàng Vọng, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền, để chủ động đối phó lụt, hạn chế thấp nhất thiệt hại do lụt gây ra, các thành viên Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện đã tiến hành kiểm tra, chỉ đạo tại cơ sở triển khai các phương án phòng chống lụt bão tại các địa phương. Các ban, ngành liên quan tăng cường kiểm tra các tuyến đê, công trình xung yếu để kịp thời có phương án đảm bảo an toàn về người và tài sản. Đồng thời, duy trì lực lượng thường trực tìm kiếm cứu nạn sẵn sàng tham gia ứng cứu khi có yêu cầu.

* Hơn 80 trường trên toàn tỉnh nghỉ học do mưa lớn

Thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), chiều 21/9, 100% học sinh về nhà an toàn. Sáng 22/9, học sinh hơn 80 trường trên toàn tỉnh nghỉ học, chủ yếu là bậc mầm non và tiểu học, trong đó, số lượng học sinh nghỉ học tập trung nhiều ở huyện Phú Vang, do đây là địa bàn thuộc vùng thấp trũng.

Nước ngập sân trường TH Quang Trung (Tp. Huế)

Cụ thể, ngoài 3 địa bàn Phú Lộc, Nam Đông, A Lưới vẫn tổ chức dạy học bình thường thì thành phố Huế và các huyện, thị khác đều có trường cho học sinh nghỉ học (gần 40 trường mầm non, hơn 30 trường Tiểu học, gần 15 trường THCS và trường THPT Nguyễn Sinh Cung (Phú Vang).

Trước đó, chiều 21/9, Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường từ mầm non đến THPT trên địa bàn thành phố cho học sinh nghỉ học 2 tiết cuối, đồng thời, ủy quyền cho hiệu trưởng các trường quyết định phương án dạy/cho nghỉ học trong ngày 22/9 tùy vào tình hình thực tế của từng trường, từng địa phương.

* Trên địa bàn thị xã Hương Thủy, hiện nước ngập cục bộ trên các tuyến đường chính của thị xã đã rút hết, hệ thống giao thông thông thoáng trở lại. Theo cập nhật của Phòng Kinh tế thị xã, tình hình của các xã, phường đều an toàn, không có thiệt hại về người và của, các tuyến đường đều được liên thông.

Sáng 22/9, ông Lê Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND thị xã Hương Thủy tổ chức đoàn kiểm tra khảo sát tình hình ở các hồ chứa trên địa bàn thị xã, như: hồ Tả Trạch, hồ Châu Sơn và hồ Phú Bài. Tại thời điểm này, mực nước của các hồ đều bình thường.

* Tại Hương Trà, diện tích rau màu một số địa phương trên địa bàn thị xã đã bị ngập úng, gồm: phường Hương An và Hương Chữ (chủ yếu là vùng La Chữ, Phú An) ngập úng 13 ha. Riêng Hương Chữ có 2 ha lạc chưa thu hoạch và khoảng 5 ha sắn ở khu vực Văn Xá Tây (phường Hương Văn) bị thiệt hại.

Chủ tịch UBND phường Hương An, ông Phan Phước Thìn cho hay, Hương An có gần 40 ha hành lá bị ngập, trong đó, khoảng 10ha ngập nặng (thuộc vùng Bồn Trì, Bồn Phổ và Cổ Bưu). Trong khi đến nay nước vẫn chưa rút.

Trước mắt, với những diện tích hành đã rút nước, bà con vẫn thu hoạch và bán bình thường với giá khoảng 10.000 đồng/kg, riêng diện tích còn ngập phải đợi sau khi nước rút, nắng lên để biết hư hỏng như thế nào thì mới thống kê được thiệt hại.

* Theo ông Hồ Trọng Cầu, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện, tình hình mưa lũ ở Phú Lộc vẫn trong tầm kiểm soát.

Lượng mưa đo được từ chiều 21 đến đêm 22/9, ở khu vực hồ Truồi vào khoảng100mm. Ông Ngô Kiến Dũng, Trạm trưởng Trạm Quản lý hồ Truồi thông tin, trong đêm 21/9, nước tràn đập Truồi 0,4m - vẫn nằm trong giới hạn an toàn. Khi nước dâng qua đập từ 4m trở nên mới cảnh báo nguy hiểm ở hạ nguồn.

Nước tràn đập Truồi 0,4m

Tại xã Lộc An, địa phương thấp trũng nhất ở Phú Lộc chưa ghi nhận khu vực nào bị chia cắt. Ông Hồ Đắc Sự, Chủ tịch UBND xã Lộc An cho biết, trong sáng 21/9, xã đã yêu cầu các các hộ nuôi cá trên sông Truồi kết thêm phao và kết các lồng lại với nhau, tránh tình trạng nước lũ cuốn trôi các lồng cá.

Xã Vinh Hiền, địa phương có số lượng nuôi cá lồng lớn nhất ở đầm Cầu Hai, đến sáng 22/9 chưa phát hiện cá bị chết do nước nguồn về.

Tại các xã ở khu Hai, chưa ghi nhận sạt lở ở sông Bù Lu và mực nước ở hồ chứa nước Thủy Yên (xã Lộc Thủy) vẫn trong ngưỡng an toàn.

Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Phú Lộc, các diện tích lúa và hoa màu trên địa bàn huyện đã thu hoạch trước đợt mưa nên không có thiệt hại; lượng mưa lớn, song nhờ vào lúc hạ triều nên nước thoát ra biển nhanh, không gây ngập úng.

* Ông Trần Song, Phó Chủ tịch UBND Tp. Huế thông tin, đến sáng 22/9, nước rút gần như toàn bộ các tuyến đường trên địa bàn, không còn tình trạng ngập úng. Toàn TP. Huế chỉ di dời 1 hộ dân ở phường Kim Long do ở vùng thấp trũng gần vùng nước xoáy, đồng thời đã chỉ đạo Công an Tp. Huế bố trí cảnh sát giao thông để phân luồng, tuyến, cảnh báo, hướng dẫn người dân không lưu thông ở vùng thấp trũng, nước xoáy.

Công nhân vệ sinh môi trường vẫn miệt mài làm việc

Mưa lớn đã làm đổ hai cây phượng vàng, đỏ ở đường Đào Tấn và Tống Duy Tông. Đến 9h sáng 22/9, Trung tâm Công viên Cây xanh đã vận chuyển, dọn dẹp hai cây gãy, đổ để chuẩn bị trồng cây mới thay thế, do một trong hai cây có dấu hiệu rỗng ruột, sâu bệnh, không có khả năng trồng lại. Những cây bị xước cành ở trên một số tuyến đường và công viên cũng được dọn dẹp, cắt mé, vận chuyển đến nơi tập kết trong sáng nay 22/9.

Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế huy động 100% lực lượng công nhân vệ sinh môi trường của các xí nghiệp, với khoảng gần 300 người và phương tiện máy móc tập trung dọn dẹo vệ sinh, cào rác, vận chuyển rác đến nơi tập kết. Trước tiên tập trung ở những tuyến đường trung tâm và vùng khô ráo, sau đó dọn dẹp toàn TP. Huế để trả lại môi trường sạch đẹp trong ngày 22/9.

Một số hình ảnh PV ghi được vào sáng 22/9:

Mua thực phẩm dự trữ tại thôn Bao Vinh, xã Hương Vinh, TX Hương Trà 

2 sào rau an toàn của ông Trần Hòa (xã Quảng Thành) bị ngập úng 

Người dân xã Quảng Thành (Quảng Điền) di chuyển lúa tránh thiệt hại

Nhà bà Lê Thị Liêm (thôn Đông Xuyên, xã Quảng An, huyện Quảng Điền) vẫn còn bị ngập

 Tỉnh lộ 4, đoạn qua cầu Thủ Lễ (xã Quảng An) 

Trên sông Diên Hồng (xã Quảng Phước - Quảng Điền)

Nhóm PV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hợp nhất nhiều sở, ngành, cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện

Định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của các sở, ban, ngành cấp tỉnh; các cơ quan chuyên môn của UBND cấp huyện nhằm​ quán triệt nội dung định hướng, kế hoạch về tiến độ sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Hợp nhất nhiều sở, ngành, cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện
Phần thưởng xứng đáng

Từ 100 con gà giống được chính quyền địa phương hỗ trợ, đến nay ông Nguyễn Vĩnh Tường (thôn Hà Trữ Thượng, xã Phú Gia, Phú Vang) đã phát triển thành trang trại nuôi gà thả vườn với số lượng đàn dao động từ 3.000 – 5.000 con, doanh thu mỗi năm lên đến vài trăm triệu đồng.

Phần thưởng xứng đáng
Khởi nghiệp từ nông sản địa phương

Tự tin, năng động và sáng tạo, cô gái 9X Trần Thị Ngọ để lại dấu ấn tích cực với các sản phẩm khởi nghiệp, góp phần thúc đẩy nông sản địa phương và mở ra con đường khởi nghiệp bền vững cho phụ nữ nông thôn.

Khởi nghiệp từ nông sản địa phương
“Góc Huế” tại AEON MALL

Trung tâm thương mại AEON MALL Huế đã tạo nên sức hút lớn trong những ngày đầu mở cửa đón khách, khi lượng khách đến đây tham quan, mua sắm rất sôi động. Cùng với các thương hiệu nổi tiếng, không gian văn hóa địa phương (Local Corner) tạo dấu ấn rất riêng không chỉ cho trung tâm thương mại này, mà còn là điểm nhấn thể hiện sự đồng hành của chính quyền và các sở, ban, ngành trong hành trình đưa sản phẩm Huế đến gần với các chuỗi cung ứng lớn.

“Góc Huế” tại AEON MALL
Return to top