Điều này làm người viết bài này chú ý là bởi thời gian qua, trên nhiều phương tiện truyền thông, thấy thông tin nợ trở nên nhiều hơn. Các doanh nghiệp Nhà nước nợ, làm ăn không hiệu quả; nợ công tăng cao; nợ xây dựng cơ bản nhiều đến nỗi Chính phủ chấn chỉnh các địa phương không tăng công trình mới mà phải tập trung trả nợ cũ. Tưởng rằng chỉ có nợ ở khu vực Nhà nước - nghĩa là nợ công, ở khu vực phi Nhà nước cũng nợ. Qua các phương tiện truyền thông, một “đại gia” lừng lẫy giàu có, mua cả máy bay riêng bây giờ tuyên bố bán tài sản để trả nợ. Theo lời báo chí trích dẫn, ông bảo: “Bán là bán thật”. Hay nhỉ, nghĩa là có bán không thật. Chưa bao giờ thấy những doanh nhân thành đạt ở các nước, với tài sản vài mươi tỷ đô la bán tài sản của mình mà “thách thức” bán thật hay không thật!
Nợ xấu của ngân hàng chưa “tái cơ cấu” và giải quyết được cũng là nợ. Nghĩa là nền kinh tế đang nợ. Suy cho cùng nền kinh tế nào cũng nợ, nhưng vấn đề nợ như thế nào và có trầm trọng không ?
Trước hết, chương trình xây dựng nông thôn mới là một chương trình lớn của Chính phủ, đáp ứng kỳ vọng và mong mỏi cho một đất nước phần lớn là người dân ở khu vực nông thôn. Chương trình này cùng với nhiều chương trình tương tự trước đó nhằm thu hẹp cách biệt giữa thành thị và nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Một chương trình có ý nghĩa về mặt kinh tế - xã hội và nhân văn sâu sắc.
Chủ trương tốt đẹp vậy, nhưng về đến các địa phương… là nợ. Nghĩa là nó có phần nào biến dạng.
Nó biến dạng là bởi phần lớn nợ nần là vì các tiêu chí thuộc về xây dựng cơ bản. Không phải hạ tầng không sinh ra lợi ích nhưng ở thời điểm hiện tại, các tiêu chí đầu tư trực tiếp cho phát triển kinh tế là thứ người dân cần hơn. Đi trên con đường phẳng lì cũng sướng. Nhưng có tiền rủng rẻng đi trên con đường đó thấy sẽ sướng hơn nhiều, đó là chưa nói đến chuyện có nhiều hàng hóa để chở đi trên con đường đó. Trong khi người dân còn khổ thì lại đem tiền đi xây dựng chợ, xây dựng nhà văn hóa nhiều tỷ đồng nhưng không ai giải thích được rằng sẽ sử dụng nó ra sao, sau này nó xuống cấp thì sửa chữa thế nào?
Nó biến dạng là vì, khi chủ trương đưa ra, Chính phủ không bao giờ khuyến khích các địa phương bằng mọi giá phải thực hiện cho được một chủ trương lớn, dù có… phải nợ.
Thì ra, có khi người nông dân đã khổ lại càng khổ hơn. Một đồng của anh bỏ ra xây dựng đúng mục đích, đúng cái cần, đúng lúc thì có giá trị một đồng. Một đồng của anh vay mượn thì chỉ còn bảy tám hào, thậm chí còn thấp hơn do phải trả lãi. Nếu đầu tư đúng, phát huy hiệu quả có khi sinh ra một đồng hai hoặc hơn. Nếu không đúng thì thậm chí không phải còn bảy tám hào mà chỉ còn vài hào, thậm chí mất luôn. Nhìn vào các chợ mới xây không người họp chợ sẽ thấy; nhìn vào các nhà văn hóa xây vài tỷ mỗi năm chỉ sử dụng vài lần sẽ thấy.
Nếu đồng tiền là mồ hôi nước mắt của anh, anh có làm vậy không?
Có một vấn đề khác cũng cần nhìn nhận. Vì sao nợ thì có thể trả lời được? Vì đầu tư. Nhưng ai cho nợ? Doanh nghiệp cho nợ. Ở đời có khái niệm chủ nợ và con nợ. Trong mối quan hệ kinh tế, con nợ bao giờ cũng có tiếng nói lép vế hơn chủ nợ. Nếu con nợ không lép vế với chủ nợ thì hãy xem xét lại mối quan hệ kinh tế này. Quan hệ kinh tế mà không phải bằng những qui luật kinh tế thì nền kinh tế khó phát triển.
Chung qui lại, phải xem xét lại kỷ luật quản lý ngân sách. Ngân sách địa phương hay trung ương cũng là ngân sách nhà nước. Mà ngân sách là tiền thuế của dân. Những việc đại sự quốc gia thì tham khảo ý kiến các nhà hoạch định chiến lược, nhưng những gì cụ thể, thiết thực với người dân thì hãy tham khảo ý kiến người dân. Ví dụ như muốn xây dựng chợ ở một xã nào đó, trưng cầu ý kiến của người dân có nên không, nên đặt ở chỗ nào, quy mô ra sao… chắc chắn người dân sẽ có ý kiến và như thế sẽ thiết thực với họ hơn. Hay như có số vốn chừng này tỷ nên làm nhà văn hóa hay đầu tư mấy con đường, mấy kênh mương, hay đầu tư một mô hình kinh tế gì đó… chắc là thiết thực với người dân hơn.
Nguyên Lê