ClockThứ Ba, 29/08/2023 19:32

Nhà sàn Bác Hồ- Di sản vô giá của dân tộc

TTH.VN - Ngôi nhà sàn giản dị nằm giữa thủ đô Hà Nội đã trở thành nơi Bác sống và làm việc lâu nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình. Tại đây, Người đã tiếp tục lãnh đạo Nhân dân vượt qua khó khăn, thách thức để thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

“Người mẹ Làng Sen”: Tái hiện quãng thời gian sâu đậm Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình ở Huế Từ làng Sen đến Dương Nỗ

 Ngôi nhà sàn bình dị hòa lẫn với vườn cây, ao cá

Sáng mùa Thu tháng 8, hòa cùng dòng người từ khắp mọi miền Tổ quốc, cha con tôi bước vào Khu di tích Phủ Chủ tịch rợp mát bóng cây và ngát hương của các loài hoa trái.

“Nhà sàn, nhà sàn Bác Hồ!”- Lũ trẻ con phía trước bỗng reo lên khi thấy ngôi nhà sàn của Bác hiện ra từ xa và định kéo nhau chạy ngay đến khiến bố mẹ chúng vội đưa tay níu lại, bảo phải trật tự, theo hướng dẫn của các chú công an và không được làm ồn. Nghe nhắc đến 2 từ công an lũ nhọc có vẻ “chịu phép”. Cháu nhà tôi thì đã tuổi thiếu niên, nhưng vì là lần đầu ra Hà Nội nên cũng không giấu được vẻ háo hức. Nghe nhiều, nhưng bây giờ mới được tận thấy nhà sàn của Bác, cháu có vẻ bần thần: “Chủ tịch cũng như tổng thống, như vua phải không ba, nhưng sao Bác Hồ lại sống đơn giản quá. Cứ tưởng nhà sàn là gọi vậy, nhưng phải to, phải rộng lắm, thật không ngờ...”. Tôi mỉm cười nhìn cháu, như bắt gặp lại cái cảm nhận của chính mình hơn 20 năm về trước, mà có lẽ cũng là cảm nhận của rất nhiều người khác nữa khi lần đầu được đặt chân đến đây và bắt gặp:

                                            Nhà gác đơn sơ một góc vườn

                                            Gỗ thường mộc mạc chẳng mùi sơn

                                           Giường mây chiếu cói, đơn chăn gối

                                           Tủ nhỏ, vừa treo mấy áo sờn…

                                                                                           (Theo chân Bác- Tố Hữu)

 Hàng triệu trái tim rưng rưng thổn thức khi đến thăm nơi ở đơn sơ, bình dị của Bác

Nơi ngôi nhà sàn ấy, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã rưng rưng bày tỏ: “Nhà sàn đơn sơ của Bác vẻn vẹn chỉ có vài ba phòng, trong lúc tâm hồn của Bác lộng gió thời đại thì cái nhà nhỏ đó luôn lộng gió và ánh sáng, phảng phất hương thơm của hoa vườn, một đời sống như vậy thanh bạch và tao nhã biết bao!”

Vâng, Bác của chúng ta là vậy, đơn sơ, mộc mạc nhưng vĩ đại vô cùng. Chính vì vậy mà ngôi nhà sàn của Bác đã vượt lên trên bao lâu đài biệt điện khác, làm lay động triệu triệu con tim từ người dân bình thường nhất cho đến những chính khách trên thế giới khi có dịp đặt chân đến nơi này.

Đất nước kỷ niệm 78 năm ngày Quốc khánh, ngôi nhà sàn của Bác cũng tròn 65 tuổi; là dịp để chúng ta cùng lần giở lại lịch sử để thấy và cảm phục cuộc đời cao đẹp của Bác, một cuộc đời chẳng hề gợn một chút riêng tư, chỉ một lòng lo cho dân, cho nước.“Ôi lòng Bác vậy, cứ thương ta/ Thương cuộc đời chung, thương cỏ hoa/ Chỉ biết quên mình, cho hết thảy/ Như dòng sông chảy, nặng phù sa…”

 Khách quốc tế tham quan khu di tích Phủ Chủ tịch

Chuyện kể, tháng 10/1954, sau khi kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, Bác Hồ từ chiến khu trở về thủ đô. Bộ Chính trị cùng Trung ương Đảng đã trân trọng mời Bác về ở và làm việc trong tòa nhà nguyên là Phủ toàn quyền Đông Dương để đảm bảo điều kiện làm việc tốt nhất cho Người, đáp ứng những nghi lễ ngoại giao khi đón tiếp khách trong nước và quốc tế. Bác từ chối và quyết định về ở trong ngôi nhà của người thợ điện phục vụ cho Phủ Toàn quyền ở phía góc vườn. Nhiều lần sau đó, Trung ương Đảng đề nghị làm cho Bác ngôi nhà mới để ở và làm việc tốt hơn, nhưng Bác đều không bằng lòng bởi đất nước đang nhiều khó khăn, miền Nam còn đang tập trung đấu tranh chống đế quốc Mỹ. Mãi gần 4 năm sau, tháng 3/1958, trong chuyến về thăm lại Thái Nguyên, thấy đời sống nhân dân được nâng lên, đồng bào đã có thêm nhiều nếp nhà mới, Bác rất vui và nói rằng muốn làm một ngôi nhà nhỏ bên cạnh ao cá theo kiểu của đồng bào Việt Bắc. Người trao đổi với kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh ý muốn của mình về thiết kế ngôi nhà: "Nhà làm nhỏ, chỉ vừa đủ cho 1 người ở, gỗ làm nhà bằng gỗ thường, tầng dưới để thoáng, tầng trên có 2 phòng nhỏ, cầu thang làm rộng để hai người cùng lên một lúc, hành lang làm rộng để có thể ngồi đọc sách và tiện cho sinh hoạt". Bác còn đề nghị xây bệ xi măng thấp, bên trên lát gỗ, tạo thành hàng ghế ngồi xung quanh căn phòng ở tầng 1, để các cháu khi đến thăm Bác có đủ chỗ ngồi.

Theo ý nguyện của Bác, ngày 15/4/1958, ngôi nhà sàn được khởi công xây dựng trên khu đất phía sau tòa nhà Phủ Chủ tịch, bên cạnh ao cá. Ngôi nhà được làm giống như nhà sàn Bác đã làm việc ở chiến khu Việt Bắc, nhỏ gọn, mộc mạc, làm bằng loại gỗ thông dụng, lợp mái ngói, xung quanh treo mành. Quanh nhà được trồng rất nhiều hoa, cây ăn quả và cây bóng mát. Ngày 17/5/1958, sau hơn 1 tháng thi công, ngôi nhà sàn chính thức hoàn thành. Từ đó, Bác chuyển về ở và làm việc tại ngôi nhà này trong 11 năm (từ tháng 5/1958 đến tháng 9/1969).

Các cháu thiếu nhi bên ao cá Bác Hồ 

Nhà có chiều dài 10,5 m, rộng 6,2 m, chung quanh có mành che. Tầng dưới để thoáng, chính giữa có bộ bàn ghế lớn là nơi Bác thường làm việc với Bộ Chính trị, gặp các cán bộ đầu ngành đến báo cáo công việc, bàn quyết nhiều vấn đề quan trọng của đất nước. Tầng trên có hai phòng nhỏ, là nơi làm việc và nghỉ ngơi của Bác. Mỗi phòng rộng khoảng 10m2, đủ chỗ để kê một chiếc giường, một bàn, ghế, tủ quần áo và giá sách, với những đồ dùng thật đơn sơ, giản dị là tấm chăn đơn, chiếc chiếu cói, cây quạt cọ và chiếc máy chữ... Trong phòng làm việc của Bác, nổi bật nhất là giá sách với hàng trăm cuốn sách chính trị, kinh tế, xã hội, lịch sử, văn học nghệ thuật được viết bằng nhiều thứ tiếng, trong đó rất nhiều cuốn sách có bút tích của các tác giả kính tặng Bác. Ngôi nhà sàn giản dị nằm giữa thủ đô Hà Nội đã trở thành nơi Bác sống và làm việc lâu nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình. Tại đây, Người đã tiếp tục lãnh đạo Nhân dân vượt qua khó khăn, thách thức để thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Cũng tại ngôi nhà sàn này, từ năm 1965 đến năm 1969, Bác đã dành thời gian viết bản Di chúc lịch sử để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn Đảng, toàn dân trước ngày đi xa.

Ngôi nhà sàn của Bác giờ đây là di sản vô giá, là "địa chỉ đỏ"- nơi hành hương của các thế hệ con dân nước Việt, đến để soi mình, để tưởng niệm, để tri ân công lao trời biển của lãnh tụ Hồ Chí Minh- Vị cha già kính yêu của dân tộc!

Hàn Yên
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP. Huế trực thuộc Trung ương

Với tính chất là đô thị di sản, trong chiến lược lâu dài, Thừa Thiên Huế sẽ được cấu trúc thành chùm đô thị đa trung tâm. Sự phát triển sẽ dựa trên các điều kiện về sự phân bổ dân số, điều kiện tự nhiên, sông ngòi, đầm phá, biển, khoáng sản…và đặc biệt các thế mạnh của tài nguyên văn hóa. Điều này cũng đặt ra nhiều cơ hội kèm thách thức một khi Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP Huế trực thuộc Trung ương
Xây dựng hồ sơ di sản bún Huế

Quyết định số 3979/QĐ-BVHTTDL ngày 10/12/2024 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận "Nghề làm bún Vân Cù" trong Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thuộc lĩnh vực Nghề thủ công truyền thống. Đây là tiền đề xây dựng hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể với tầm nhìn quốc gia và quốc tế về di sản văn hóa ẩm thực Bún Huế trong thời gian tới.

Xây dựng hồ sơ di sản bún Huế
Tập trung xây dựng đô thị di sản xứng tầm

Chiều 5/12, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Hội nghị được kết nối trực tuyến đến điểm cầu các địa phương.

Tập trung xây dựng đô thị di sản xứng tầm

TIN MỚI

Return to top