ClockThứ Bảy, 24/08/2019 05:45

Nhớ đến Bác, tôi lại đọc Di chúc

TTH - Cách đây 50 năm, trong giai đoạn ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, tại phía Nam chân núi Bạch Mã của Thừa Thiên Huế, đơn vị giao liên huyện Phú Lộc thuộc khu Trị Thiên Huế chúng tôi tổ chức Lễ truy điệu Bác Hồ qua Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam.

“Thừa Thiên Huế” – 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”50 năm gìn giữ giấc ngủ cho Người

Trong Bản di chúc lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lời căn dặn đầu tiên của Người là nói về Đảng. Ảnh: TL

Trong một tuần trước lễ truy điệu Bác, tại trạm trung tâm của huyện, các cán bộ của đơn vị giao liên huyện và cán bộ khác được đơn vị đưa đón về các địa phương đều đau buồn vì Bác Hồ từ trần, nhưng ai cũng tự giác làm tốt nhiệm vụ của mình.

Tôi còn nhớ quang cảnh trong lễ truy điệu. Một bức ảnh đen trắng của Bác đã cũ được dệt bằng vải do đồng chí trạm trưởng giao liên huyện lưu giữ và mang theo mình trong kháng chiến, được lồng vào khung làm bằng loại cây giang đặt ở giữa bàn thờ lễ truy điệu. Phía trên có câu khẩu hiệu: "Vô cùng thương tiếc Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại". Phía trước di ảnh đặt một bát trầm tỏa hương thơm. Hai bên bàn thờ là hai bình bông với các loại hoa rừng nhiều màu sắc.

Khoảng 7 giờ 30 phút ngày 9/9/1969, tôi nhớ như in tiếng đọc của đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam qua chiếc radio hiệu Sony của Nhật được mẹ tôi cho một năm trước khi tôi thoát ly tham gia kháng chiến chống Mỹ tháng 4/1968. Lúc này tôi mới 16 tuổi. Qua radio, tôi nghe khá rõ tiếng của đồng chí Lê Duẩn đọc điếu văn: "Thưa đồng bào, Hồ Chủ tịch kính yêu của chúng ta không còn nữa…". Nghe đến đây, trong lễ truy điệu có nhiều cán bộ xúc động nghẹn ngào khóc thành tiếng. Gần cuối lễ truy điệu, tôi nghe và nhớ như in lời của đồng chí Lê Duẩn: Hãy nén đau thương… hăng hái vươn lên… quyết tâm đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược…

Lễ truy điệu kết thúc, các cán bộ tiến lên trước bàn thờ cúi lạy và vĩnh biệt Bác.

Với tôi, ngày lễ truy điệu Bác Hồ khắc sâu vào tâm trí và đó cũng là động lực để mình vươn lên phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ.

Sau khi Bác mất, Huyện ủy Phú Lộc phát động phong trào thi đua lập công dâng Bác và học thuộc Di chúc của Bác. Đơn vị giao liên chúng tôi dù trong chiến trường gian khó, nhất là khi phải chuyển công văn hỏa tốc và đưa đón cán bộ lãnh đạo về cơ sở, phải đi qua vùng địch kiểm soát, trong đó phải vượt qua đường quốc lộ thuộc xã Lộc Thủy để về vùng núi Rẫm của xã Lộc Vĩnh mà ngày nay là khu vực của khách sạn Laguna 5 sao nổi tiếng. Đây là một vùng địch bố trí cả quân Mỹ và các quân binh chủng của Ngụy để giữ tuyến giao thông huyết mạch nối liền từ Đà Nẵng ra vùng 1 chiến thuật (vùng chiến tranh 2 tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên).

Ngoài quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, trong dịp đánh giá công tác hàng tháng, hàng quý, đơn vị chúng tôi đều báo cáo kết quả công tác của mình và mỗi đồng chí đều đọc Di chúc của Bác.

Việc học thuộc Di chúc của Bác thì ai cũng quyết tâm, nhưng thuộc toàn bài thì ít đồng chí thuộc hết. Trong số ít này tôi vinh dự được thủ trưởng đơn vị khen là đã thuộc lòng bản Di chúc của Bác. Trong mọi hoàn cảnh, dù ở chiến trường đánh Mỹ rất ác liệt, qua mỗi khó khăn, trong đầu tôi lại hiện lên bài Di chúc của Bác: "Cuộc chống Mỹ cứu nước của Nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn"… "Dù khó khăn gian khổ đến mấy, Nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi, Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất, đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà"…

Với niềm kính trọng, thương yêu Bác và tin trưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, suốt cuộc đời mình, tôi đã cống hiến và làm tốt mọi nhiệm vụ của Đảng giao.

Nay tuy tuổi đã gần 70 nhưng mỗi lần nhớ đến Bác, tôi lại đọc Di chúc của Bác một mình. Trong giai đoạn hiện nay, Đảng ta phát động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ. Tôi nghĩ đây là một cách thiết thực để tỏ lòng nhớ ơn Bác.

Nguyễn Văn Bòn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - những giá trị vĩnh hằng

Đây là công trình mà Người đã dành 5 năm cuối đời (từ 1965 đến 1969) để kết tinh với nhiều lần sửa chữa, bổ sung, cho thấy sự tỉ mỉ, chi tiết, cẩn thận và hết sức trách nhiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tiền đồ, tương lai của đất nước, dân tộc.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - những giá trị vĩnh hằng
Triển lãm sách "Kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh"

Ngày 27/9, theo thông tin từ Hội Xuất bản Việt Nam, Triển lãm sách Kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2024) sẽ diễn ra trong 2 tuần từ ngày 29/8 đến 14/9/2024 tại thư viện cộng đồng The Wiselands (số 216/1 đường Điện Biên Phủ, phường Võ Thị Sáu, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh) và trực tuyến song song trên nền tảng Book365.vn.

Triển lãm sách Kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Nghiên cứu, sưu tầm các loại hình di sản về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Sáng 5/7, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức hội nghị nghiệm thu kết quả đề tài KH&CN cấp tỉnh "Nghiên cứu, thống kê, sưu tầm các loại hình di sản văn hóa phi vật thể về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế" do Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế chủ trì thực hiện.

Nghiên cứu, sưu tầm các loại hình di sản về Chủ tịch Hồ Chí Minh
KỶ NIỆM 76 NĂM NGÀY CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH RA “LỜI KÊU GỌI THI ĐUA ÁI QUỐC” (11/6/1948-11/6/2024):
Thi đua là yêu nước

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn cọi trọng và đề cao vai trò của thi đua ái quốc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Người từng khẳng định: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Ngay sau ngày đất nước giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động nhiều phong trào thi đua đó là diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm…

Thi đua là yêu nước
Return to top