Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, lãnh đạo một số bộ ngành cùng các đơn vị tài trợ đặc biệt cho năm Chủ tịch ASEAN 2020
1. Ngày 6/5/1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành, với tên Văn Ba, rời bến Nhà Rồng (Sài Gòn) ra đi tìm con đường mới cho cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc.
Đầu năm 1930, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã kịp thời triệu tập và chủ trì hội nghị tại Hồng Kông (Trung Quốc), thống nhất các tổ chức Cộng sản để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự kiện thành lập Đảng đánh dấu bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam, chấm dứt tình trạng khủng hoảng về đường lối cứu nước ở Việt Nam trong mấy chục năm. Cách mạng Việt Nam chuyển sang một trang mới.
Đảng Cộng sản Việt Nam, ngay từ khi mới ra đời với Cương lĩnh cách mạng đúng đắn, sáng tạo đã trở thành tổ chức đại biểu cho quyền lợi của giai cấp và của cả dân tộc. Đảng đã nhanh chóng nắm quyền lãnh đạo cách mạng và giữ vững quyền này trong những chặng đường đấu tranh của dân tộc.
2. Tháng 9/1939, chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Sau 30 năm hoạt động cách mạng ở nước ngoài, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về Tổ quốc (ngày 28/1/1941) trực tiếp cùng Trung ương Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam.
Tháng 5/1941, Hội nghị BCHTW Đảng lần thứ 8 do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì họp tại Păc Bó (Cao Bằng) đã bàn và quyết định những vấn đề quan trọng về chiến lược, sách lược của cách mạng Việt Nam trong cuộc vận động giải phóng dân tộc, tất cả nhằm mục tiêu cao nhất: Độc lập tự do.
Ngày 15/8/1945, Nhật Bản tuyên bố đầu hàng Đồng minh. Toàn dân tộc nắm đúng thời cơ lịch sử dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhất tề đứng dậy, kiên quyết đập tan mọi thế lực phản động để giành lấy tự do và độc lập. Tổng khởi nghĩa đã nhanh chóng thành công, giành chính quyền về tay Nhân dân trên phạm vi cả nước.
Ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tuyên bố khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, khẳng định nền độc lập dân tộc.
Thắng lợi lịch sử của Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 đã đập tan xiềng xích nô lệ của thực dân Pháp tại Việt Nam, chấm dứt sự tồn tại của chế độ phong kiến. Nhân dân Việt Nam đã thực sự nắm giữ cương vị người chủ đất nước và sẵn sàng đối phó với mọi thế lực thù địch trên vị thế của một quốc gia độc lập, có chủ quyền.
3. Mùa đông năm 1946, toàn thể dân tộc Việt Nam theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đứng lên kháng chiến vì độc lập tự do với tinh thần “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
Quân và dân Việt Nam đã đi qua “chín năm kháng chiến trường kỳ”, làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Đó là mốc son chói lọi, là niềm tự hào dân tộc. Đây là một trong những đỉnh cao chói lọi, kỳ tích vẻ vang trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm, xứng đáng được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa trong thời đại Hồ Chí Minh.
Chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5/1954 và Hiệp định Giơnevơ được ký (20/7/1954) là hai sự kiện kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của Nhân dân Việt Nam, góp sức cùng nhân loại làm cho thế kỷ XX trở thành Thế kỷ giải trừ chủ nghĩa thực dân.
4. Đế quốc Mỹ vào thay Pháp ở miền Nam, thực thi chính sách chia cắt lâu dài nước Việt Nam, biến miền Nam thành một quốc gia riêng biệt, thân Mỹ.
Miền Bắc chi viện toàn diện cho miền Nam bằng những tuyến đường Trường Sơn huyền thoại, tất cả vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Quân dân miền Nam phát triển thế tiến công, quyết tâm “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”.
Sau những thất bại nặng nề trên cả hai miền Nam, Bắc, Mỹ buộc phải xuống thang chiến tranh, đi vào đàm phán và ký kết Hiệp định Paris (27/1/1973), thừa nhận các quyền dân tộc cơ bản của nước Việt Nam là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
Bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, quân đội và Nhân dân Việt Nam đã kết thúc cuộc trường chinh hơn một thế kỷ chống chủ nghĩa thực dân, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên cả nước độc lập, thống nhất và đi lên chủ nghĩa xã hội.
Chiến thắng 30/4/1975 là thành quả vĩ đại nhất của sự nghiệp giải phóng dân tộc. Ngày 30/4/1975 đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam, kết thúc quá trình đấu tranh hơn một thế kỷ chống chủ nghĩa thực dân kể từ khi bị đế quốc Pháp xâm lược và thống trị, trải qua nhiều chặng đường đầy gian lao thử thách để thống nhất đất nước.
Thắng lợi của Nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là trang sử hào hùng và chói lọi trên con đường dựng nước và giữ nước mấy nghìn năm lịch sử của dân tộc, là thành quả vĩ đại nhất của sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo.
5. Sau tháng 4/1975, sự nôn nóng muốn có ngay nền kinh tế thuần nhất xã hội chủ nghĩa (XHCN) nhưng mô hình, cơ cấu kinh tế không phù hợp, các nguồn lực bị chiến tranh tàn phá nặng nề đã dẫn Việt Nam đến cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội sâu sắc.
Đại hội lần thứ VI của Đảng đề ra đường lối đổi mới, mạnh dạn và nhất quán đổi mới trên lĩnh vực kinh tế, từng bước đổi mới hệ thống chính trị, đưa đất nước thoát khỏi khó khăn, khủng hoảng để phát triển về mọi mặt.
Giai đoạn lịch sử từ Đại hội IV (1976) đến hết nhiệm kỳ Đại hội VI của ĐCSVN (1991) ghi nhận một Đảng Cộng sản cầm quyền đã nhận thức được tình thế và có được giải pháp thuận theo quy luật để vượt qua khủng hoảng, chuyển nền kinh tế vào thế ổn định và phát triển đúng hướng, đạt nhiều thành tựu trong hoàn cảnh khó khăn.
Cùng với việc đổi mới kinh tế, Việt Nam cũng đạt những thành tựu ngoại giao, đối ngoại xuất sắc, phá thế bao vây cấm vận, mở rộng nhiều mặt các quan hệ ngoại giao song phương và đa phương, tham gia nhiều diễn đàn khu vực và thế giới, mở ra những cơ hội hợp tác để cùng phát triển.
Qua hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đất nước đã trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình và tiếp tục phát triển theo hướng công nghiệp hiện đại. Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường. Văn hóa - xã hội có bước phát triển; đời sống của Nhân dân có nhiều thay đổi theo chiều hướng tốt. Sức mạnh về mọi mặt của đất nước được nâng lên. Chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa được bảo vệ vững chắc. Quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu; vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao.
Những thành tựu to lớn đó tạo tiền đề để Việt Nam tiếp tục đổi mới và phát triển. Sự nghiệp Đổi mới của Nhân dân Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo tiếp tục đi vào chiều sâu và đạt nhiều thành tựu mới trên nhiều lĩnh vực.
TS. NGÔ VƯƠNG ANH