ClockThứ Sáu, 07/06/2019 14:39

Giảm bạo lực gia đình: Nạn nhân cần lên tiếng

TTH - Bạo lực gia đình (BLGĐ) có chiều hướng giảm các vụ việc nghiêm trọng nhưng vẫn đang âm ỉ trong nhiều gia đình. Khó nhất với những người làm công tác gia đình là người phụ nữ cam chịu, không lên tiếng.

Bạo lực gia đình có chiều hướng giảmBạo lực gia đình là nguồn cơn của bạo lực học đường

Hội thi gia đình hạnh phúc do Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức

Âm ỉ

Ngày chị XT. (thị xã Hương Thủy), một cô gái thôn quê sánh duyên với anh cán bộ ngân hàng ở thành phố, ai cũng trầm trồ khen ngợi trai tài gái sắc. Vậy mà, sau ngày kết hôn không lâu, chị T. trở thành nạn nhân của những trận đòn roi. Dẫu tự chủ về kinh tế với shop quần áo, nhưng chị T. vẫn bị chồng đối xử như người ăn bám, trở thành ô sin cho gia đình. Không chỉ bị chồng coi khinh, ghẻ lạnh, chị là nơi để anh “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” mỗi khi không vừa ý. Không ít lần chị tủi hổ khi để khách hàng chứng kiến cảnh chị bị chồng thẳng tay đánh đập tại cửa hàng. Chưa kể, chị thường xuyên bị bạo lực tình dục khi người chồng có tư tưởng lệch lạc.

Nhiều lần, chị T. muốn ly hôn nhưng nghĩ đến hai đứa con nhỏ cần sự chăm sóc của mẹ, đành cắn răng. 10 năm sống trong dày vò cả tinh thần lẫn thể xác, năm ngoái, chị T. dứt áo ra đi sau khi hoàn tất thủ tục ly dị. “Người ta buồn khi ly hôn, còn tôi cảm giác như được giải phóng. Được sống tự do không đòn roi, không bị dày vò, tôi mới thấy quãng thời gian lấy chồng như địa ngục”, chị T. trải lòng. 

Có những vụ BLGĐ khác ở mức độ nghiêm trọng hơn. Cuối năm 2017, một vụ án xảy ra tại xã Hương Giang, huyện Nam Đông khiến nhiều người bàng hoàng. Vì ghen tuông, nghi ngờ vợ mình là chị L. có quan hệ tình cảm với người khác, H. đã siết cổ giết chết chị L., sau đó treo cổ tự sát. Đáng tiếc là, cả hai vợ chồng anh H., chị L. đều là giáo viên.

Thống kê trong giai đoạn 2008-2018, công an các cấp khởi tố 34 vụ, 38 đối tượng liên quan đến BLGĐ; trong đó, tập trung hầu hết ở các hành vi: cố ý gây thương tích, giết người. Thống kê cũng cho thấy, các vụ BLGĐ nghiêm trọng có xu hướng giảm, nếu năm 2010 xảy ra 425 vụ thì đến năm 2018 chỉ xảy ra 353 vụ. Đây chủ yếu là các vụ việc gây bức xúc, có sự vào cuộc của chính quyền địa phương và lực lượng công an, còn những vụ việc nhỏ, lẻ rất khó kiểm soát, hoặc các hình thức bạo lực về tinh thần, kinh tế, tình dục là vấn đề tế nhị, khó nắm bắt.

Thay đổi định kiến giới

Ông Nguyễn Thiên Bình, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho rằng, cộng đồng người dân còn tồn tại nhiều định kiến giới, chưa nhận thức đúng về bình đẳng giới; nhiều nam giới cho rằng, bạo lực là “đặc quyền” của đàn ông; tình trạng thất nghiệp, không có việc làm ổn định, thu nhập thấp dẫn đến mâu thuẫn trong gia đình; sự gia tăng các tệ nạn xã hội như mại dâm, cờ bạc, ma túy, sử dụng rượu, bia, ngoại tình… là những nguyên nhân gây BLGĐ.

Một trong những nguyên nhân làm tình trạng BLGĐ khó chuyển biến là do sự phản kháng của chính người bị bạo lực, xã hội, cơ quan, tổ chức chính trị xã hội vẫn còn thiếu quyết liệt, vẫn nặng tư tưởng “mỗi nhà mỗi cảnh”, “đèn nhà ai nấy rạng” nên không kịp thời tố giác các hành vi vi phạm, can thiệp để bảo vệ quyền, lợi ích của người bị bạo lực.

Theo bà Lê Thị Thêm, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện A Lưới, dù BLGĐ có chiều hướng giảm ở A Lưới, không có các vụ việc nổi cộm nhưng vẫn đang âm ỉ trong nhiều gia đình. Khó nhất trong công tác phòng chống BLGĐ là người phụ nữ không lên tiếng nên các CLB phòng chống BLGĐ, các tổ hòa giải khó tư vấn, can thiệp.

Bà Thêm cho rằng, để ngăn chặn BLGĐ, công tác tuyên truyền cần được chuyên sâu để thay đổi nhận thức về bình đẳng giới, để mọi người hiểu và tự điều chỉnh hành vi, tránh vi phạm pháp luật. Việc công nhận gia đình văn hóa cần được siết chặt hơn, nếu gia đình nào còn xảy ra BLGĐ thì không được công nhận để tạo nên áp lực từ phía cộng đồng đối với người gây ra bạo lực.

Theo ông Bình, cùng với việc xử lý nghiêm để răn đe các hành vi vi phạm, ngăn chặn các tệ nạn rượu chè, cờ bạc, việc triển khai có hiệu quả bộ quy tắc ứng xử gia đình mà Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương làm thí điểm là một giải pháp khả thi để ngăn chặn BLGĐ. Công tác tuyên truyền, vận động cần được đổi mới, không chỉ dựa vào các CLB, các buổi sinh hoạt truyền thống như hiện nay mà phối hợp với ngành giáo dục tổ chức các hoạt động trong trường học để qua học sinh, giáo viên đưa công tác phòng chống BLGĐ đến từng hộ dân. Ngoài ra, có thể xây dựng các video clip phòng, chống BLGĐ phát trên hệ thống các màn hình led quảng cáo nơi công cộng…

Bài, ảnh: Minh Hiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Niềm vui đời thường

Nhà có ba anh em thì anh trai cả và tôi đều sinh sống và làm việc ở tỉnh xa. May mà có vợ chồng cô em út làm nhà ngay trong vườn, sát cạnh nhà cha mẹ đã già yếu, đỡ đần sớm hôm lúc các cụ trái gió trở trời. Để phần nào “bù đắp” về việc mình không thể thường xuyên chăm sóc được cha mẹ, thời gian qua, lần nào về quê tôi thường đến siêu thị gần nhà, tranh thủ mua những loại thức ăn tốt cho sức khỏe của người già, cất vào tủ lạnh để cha mẹ dùng dần. Đồng thời, xin số điện thoại của nhân viên siêu thị, kết bạn zalo. Siêu thị có dịch vụ ship hàng tận nhà cho khách. Các bạn nhân viên cũng nhiệt tình tư vấn (gửi kèm hình ảnh qua zalo) nên dù ở xa, tôi vẫn có thể dễ dàng chọn lựa những loại trái cây tươi ngon cho cha mẹ.

Niềm vui đời thường
Xe không chỉ để đi

Nghe chồng bảo sắm ô tô, chị ngơ ngác, mồm mắt tròn xoe, giọng như hụt hơi: “Đi đâu mà mua xe?”. Anh cười, cái đầu húi cua lắc nhẹ, vẻ khó hiểu cùng lời nghi vấn cao ngạo: “Sao hỏi ngớ ngẩn thế?”. Nói rồi, anh đưa mắt nhìn con đường trước nhà, với dãy ô tô nối dài, tít đến đằng xa.

Xe không chỉ để đi
Ngăn ngừa bạo lực

14 trường hợp phụ nữ và trẻ em bị xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp ở TX. Hương Thủy đã được các đội phản ứng nhanh tiếp nhận và giải quyết kịp thời.

Ngăn ngừa bạo lực
Náo nức ra đồng thu hoạch lúa đêm

Trên những cánh đồng lộng gió mùa hè, một số nơi nông dân tranh thủ gặt lúa, gom lúa, trực canh lúa. Không khí mùa màng khi đêm về náo nức, rộn ràng không kém ban ngày.

Náo nức ra đồng thu hoạch lúa đêm
Return to top