Chậm thu kinh phí công đoàn ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động tại doanh nghiệp (Ảnh minh họa)
Kiên quyết xử lý
Đầu tháng 11 vừa qua, LĐLĐ TP. Huế phối hợp với UBND thành phố tổ chức buổi làm việc với các doanh nghiệp nợ kinh phí công đoàn trên địa bàn. Theo đó, có tổng cộng 16 doanh nghiệp nợ kinh phí công đoàn với số tiền hơn 500 triệu đồng. Những đơn vị này được LĐLĐ TP. Huế 3 lần gửi thông báo nhắc nhở về việc trích nộp kinh phí công đoàn nhưng vẫn không có chuyển biến.
Tại buổi làm việc, các doanh nghiệp đã nêu ra những nguyên nhân về việc chậm trễ cũng như một số thắc mắc về việc đóng kinh phí công đoàn như: Kinh phí công đoàn sẽ được sử dụng như thế nào? Doanh nghiệp và người lao động sẽ được hưởng những quyền lợi gì từ việc đóng kinh phí công đoàn? Doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ có phải đóng kinh phí công đoàn không?...
Những ý kiến thắc mắc trên được đại diện LĐLĐ TP. Huế giải đáp cụ thể và khẳng định 16 doanh nghiệp trên đều phải có trách nhiệm đóng kinh phí công đoàn căn cứ theo Khoản 2 Điều 26 Luật Công đoàn. Mức đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Căn cứ theo kết quả của buổi làm việc, UBND TP. Huế đã ra Thông báo số 440/TB-UBND yêu cầu doanh nghiệp thực hiện trích nộp kinh phí công đoàn 2% theo đúng quy định của Luật Công đoàn năm 2012 và Nghị định 191/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tài chính công đoàn.Thời hạn các doanh nghiệp nộp kinh phí công đoàn về LĐLĐ TP. Huế chậm nhất là ngày 5/12/2019. Sau thời hạn này, nếu doanh nghiệp tiếp tục không thực hiện, UBND thành phố sẽ ra quyết định xử phạt hành chính và không cho phép các đơn vị đó tham gia đấu thầu các dự án trên địa bàn; đồng thời, thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng tên, thông tin các đơn vị, doanh nghiệp vi phạm.
Tháo gỡ các rào cản
Bà Nguyễn Khoa Hoài Hương, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết, theo Điều 27 Luật Công đoàn năm 2012, tài chính công đoàn, trong đó có kinh phí công đoàn được sử dụng cho hoạt động thực hiện quyền, trách nhiệm của công đoàn và duy trì hoạt động của hệ thống công đoàn, bao gồm các nhiệm vụ như: Tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động; tổ chức hoạt động đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; phát triển đoàn viên công đoàn, thành lập công đoàn cơ sở, xây dựng công đoàn vững mạnh.
“Đối với 2% kinh phí công đoàn, công đoàn cơ sở của đơn vị trích nộp được giữ lại 70% để chi cho các hoạt động chăm lo người động và 30% chuyển cho các cấp công đoàn còn lại. Việc chậm trễ, chây ỳ trong nộp kinh phí công đoàn gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động cũng như hoạt động của tổ chức công đoàn”, bà Hoài Hương nhấn mạnh.
Hiện nay, việc thu kinh phí công đoàn trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn; tập trung tại các doanh nghiệp ngoài quốc doanh thuộc LĐLĐ thành phố, Công đoàn ngành Xây dựng, Công đoàn ngành Giao thông Vận tải…
Theo bà Hoài Hương, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên như: doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả, thua lỗ; người lao động chuyển việc, số lượng người lao động đóng bảo hiểm xã hội còn thấp, nhiều đơn vị không thành lập công đoàn cơ sở…Tuy nhiên, vẫn có một số đơn vị hoạt động tốt, có công đoàn cơ sở nhưng vẫn cố tình lách luật, chây ỳ việc nộp kinh phí công đoàn. Bên cạnh đó, việc thiếu chế tài xử phạt, đội ngũ cán bộ công đoàn không đủ nhân lực để tiến hành thu, sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng chưa tốt cũng là rào cản lớn.
Để khắc phục tình trạng trên, LĐLĐ tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đối với người sử dụng lao động và tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị nộp kinh phí công đoàn qua hình thức chuyển khoản, tránh thủ tục rắc rối. Đồng thời, tập trung thành lập công đoàn cơ sở tại khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh để việc thu và sử dụng kinh phí công đoàn hợp lý, minh bạch.
“Thời gian tới, LĐLĐ tỉnh tiếp tục chỉ đạo LĐLĐ TP. Huế “mạnh tay” trong việc thu kinh phí công đoàn; tập trung hoàn thiện các hồ sơ liên quan và khởi kiện nhiều doanh nghiệp chây ỳ. Đây là tiền đề giúp đơn vị nhân rộng khắp các cấp công đoàn và có báo cáo cụ thể gửi UBND tỉnh để có chỉ đạo chung trên toàn tỉnh”, bà Hoài Hương cho biết thêm.
Theo thông tin từ LĐLĐ TP. Huế, đến hết ngày 9/12, có 5/16 doanh nghiệp trong đợt làm việc vừa qua đóng kinh phí công đoàn. Đơn vị sẽ tiếp tục thông tin đến UBND thành phố để có hướng xử lý.
Bài, ảnh: Minh Nguyên