ClockThứ Hai, 14/03/2016 09:01

“Thủy tặc” hoành hành ở Vinh Hưng

TTH - Từ khi thành lập Khu bảo vệ thủy sản Đình Đôi - Cửa Cạn (xã Vinh Hưng, huyện Phú Lộc) đến nay, cùng với chính sách bảo vệ, thả cá tôm tái tạo đã làm nguồn lợi thủy sản sinh sôi trở lại. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng “thủy tặc” xuất hiện khá nhiều trên vùng đầm phá, đe dọa khu bảo vệ thủy sản cũng như nguồn sinh kế hàng trăm hộ dân…

Liều lĩnh

Thôn Trung Hưng, Diên Trường có 350 hộ dân sống dựa vào khai thác, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản (NTTS). Cứ đến vụ thả nuôi tôm cá trên vuông lưới thấp triều của đầm phá Tam Giang, không chỉ người dân lo sợ mà những cán bộ trong Ban chấp hành Chi hội nghề cá Trung Hưng phải “căng mắt” đề phòng các đối tượng thủy tặc.

Thiếu kinh phí, phương tiện là nguyên nhân Chi hội nghề cá Trung Hưng hoạt động không hiệu quả

Ông Huỳnh Diện, Chủ tịch Chi hội nghề cá Trung Hưng cho biết: “Địa phương được phân cấp quản lý 340 ha mặt nước đầm phá, trong đó, khu bảo vệ thủy sản Đình Đôi- Cửa Cạn chiếm 14,5 ha. Dù khu bảo vệ thủy sản nằm gần khu dân cư, nhưng thời gian gần đây, các đối tượng đánh bắt trái phép thường xuyên xâm phạm, đánh bắt bằng các hình thức hủy diệt”.

Theo ông Diện, ngoài một số đối tượng hành nghề rà điện ở địa phương, ngư dân một số vùng như Vinh Hà, Vinh Thái (huyện Phú Vang), Lộc An (huyện Phú Lộc), thường dùng thuyền máy đi từng tốp 15-20 thuyền, xông vào khu bảo vệ, NTTS của bà con ngang nhiên đánh bắt, rà điện, thậm chí cắt lưới, xúc cá mang lên thuyền bỏ chạy. Thuyền của các đối tượng này thường dùng máy có công suất 9-12D nên chạy rất nhanh, rất khó đuổi kịp. Các đối tượng này khá manh động, thường “đầu tư” bộ máy kích điện lên 220V với bình ắc quy lớn, nên tôm cá lớn nhỏ đều bị đánh bắt, hủy diệt.

Ngư dân Phạm Th. (thôn Trung Hưng) cho biết: “Chưa bao giờ thấy các đối tượng “thủy tặc” liều lĩnh như hiện nay. Thủy sản nuôi thấp triều của bà con từ 4-5 vuông lưới. Chúng ngang nhiên xông vào rà điện, cắt lưới. Bà con biết, gọi điện báo tin thì chúng đã chạy thoát”.

Không chỉ hoành hành trên đầm phá, nhiều lần “thủy tặc” còn ngang nhiên xông vào khu vực nuôi cá lồng của bà con ngư dân ở khu vực Cồn Cột phá lưới, bắt cá. Khu vực này có hơn 250 lồng cá có giá trị như cá hồng, cá trặc của bà con ngư dân nên nhiều hộ dân sợ “thủy tặc” tấn công, phải canh phòng nghiêm ngặt.

Thiếu kinh phí, phương tiện

Ông Huỳnh Diện, Chủ tịch Chi hội nghề cá Trung Hưng cho biết: “Quản lý trên vùng đầm phá khá rộng, đặc biệt là khu bảo vệ thủy sản, nhưng 9 thành viên trong chi hội nghề cá không có phương tiện, công cụ hỗ trợ; kinh phí thì nhỏ giọt khiến công tác tuần tra thường xuyên gặp khó khăn. Nhiều lúc bà con ngư dân báo có đối tượng xâm phạm, đánh bắt trái phép đó mà đành chịu”.

Một vuông lưới bị cắt trộm, thất thoát hải sản ra bên ngoài

Thống kê, từ năm 2013 đến nay, đã có 5 vụ đánh bắt thủy sản trái phép bị bắt giữ, lập biên bản xử phạt và tịch thu phương tiện. Ngoài ra, con số các đối tượng hoành hành, đánh bắt trên đầm phá trái phép không bị lực lượng chức năng bắt giữ cũng khá nhiều.

Theo ông Diện, mỗi chuyến tuần tra, mật phục suốt ngày đêm chi phí lên cả triệu đồng. Kinh phí khó khăn, phần vì cuộc sống mưu sinh nên nhiều anh em trong chi hội không tham gia, phải thuê người bên ngoài, chi trả 100 nghìn đồng/đêm tuần tra. Không có phương tiện, các thành viên trong chi hội nghề cá phải thuê thuyền của ngư dân với giá 4-5 trăm nghìn đồng/đêm (gồm cả chi phí tiền dầu). Nhưng thuyền máy của các đối tượng công suất lớn nên thường không đuổi kịp.

Ông Diện cho biết thêm, thời gian đầu bà con còn cho thuê thuyền, sau này nhiều người sợ các đối tượng này trả thù nên cũng “làm ngơ” không cho lực lượng chức năng thuê nữa. Ông Nguyễn T. (thôn Trung Hưng) cho biết: “Ngư dân ở đây đều biết, ai cho thuê thuyền, các đối tượng “thủy tặc” biết được thì y như rằng, những ngày sau, nhiều vuông lưới, lều bạt của họ bị cắt phá, đốt cháy hết. Bà con sợ quá nên không cho thuê thuyền nữa”.

Một nguyên nhân khiến các đối tượng đánh bắt trái phép “nhờn thuốc”, theo ông Diện là chế tài, công tác xử phạt chưa thật nghiêm. “Bắt được đối tượng phải tịch thu hết công cụ, chứ xử phạt rồi thu bộ máy kích điện, bình ắc quy thì tài sản bị thu không bằng một đêm các đối tượng này đi đánh bắt trái phép. Họ mua sắm lại. Hôm ni bị phạt, mai lại đi làm tiếp thôi”, ông Diện nói.

Do thiếu phương tiện, kinh phí hoạt động  nên trong thời gian qua, Chi hội nghề cá hoạt động chưa mạnh, công tác kiểm tra, quản lý các đối tượng trong việc đánh bắt hủy diệt môi sinh, cơi nới nò sáo thiếu hiệu quả”, ông Lê Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Vinh Hưng cho biết. 

Bài, ảnh: Hà Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cô Thủy ở Vinh Hưng

Luôn đặt mình vào vị trí của giáo viên, phụ huynh và học sinh, cô Lê Thị Thanh Thủy, Hiệu trưởng Trường tiểu học Vinh Hưng 2 (xã Vinh Hưng, huyện Phú Lộc) đã tạo được sự tin yêu, xây dựng môi trường giáo dục chất lượng.

Cô Thủy ở Vinh Hưng
Bến xe liên tỉnh Vinh Hưng hoạt động chưa hiệu quả

Xây dựng từ năm 2009 tại xã Vinh Hưng (Phú Lộc), lâu nay không ai nghĩ là bến xe vì ít khi thấy xe cộ ra vào, nhà cửa văn phòng điều hành thì cửa chốt then cài, sân bãi trống vắng, bên ngoài sân cỏ mọc nhếch nhác.

Bến xe liên tỉnh Vinh Hưng hoạt động chưa hiệu quả
Vinh Hưng hướng đến “xã thông minh”

Cùng với xã Quảng Thọ của huyện Quảng Điền, xã Vinh Hưng (Phú Lộc) được UBND tỉnh chọn xây dựng triển khai thí điểm mô hình “ Xã thông minh”.

Vinh Hưng hướng đến “xã thông minh”
Vinh Hưng cần huy động nguồn lực để thực hiện các nghị quyết

Ngày 23/2, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ có buổi làm việc với Thường trực, Ban Thường vụ Huyện ủy Phú Lộc; các phòng, ban của huyện và Đảng ủy xã, UBND xã Vinh Hưng về thực hiện các Nghị quyết chuyên đề quan trọng của tỉnh ủy liên quan đến giảm nghèo bền vững; chuyển đổi số; xây dựng chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Vinh Hưng cần huy động nguồn lực để thực hiện các nghị quyết
Return to top