ClockThứ Tư, 30/11/2022 18:43

Âm ỉ nạn cho vay lãi nặng

TTH - Lợi dụng nhu cầu của người dân, các đối tượng đã cho vay với lãi suất cao gấp nhiều lần quy định. Khi người vay không có khả năng trả nợ, các đối tượng tìm mọi cách để đe dọa, gây mất an ninh trật tự tại địa phương. Nhiều đối tượng đã bị công an trên địa bàn tỉnh phát hiện, bắt giữ thời gian qua.

Đội Cảnh sát hình sự Công an TP. Huế đã bắt, làm rõ đối tượng Nguyễn Ngọc Chuẩn vì cho vay lãi nặng

Qua các vụ việc cho vay với lãi suất cao mà lực lượng công an trong tỉnh phát hiện, bắt giữ, xử lý gần đây cho thấy, các đối tượng đều là người ở ngoài tỉnh, chủ yếu ở miền Trung và các tỉnh phía Bắc vào địa bàn Thừa Thiên Huế thuê chung cư, nhà nghỉ cao cấp để thực hiện hành vi của mình.

Đơn cử, mới đây, Đội Cảnh sát hình sự Công an TP. Huế đã bắt, làm rõ đối tượng Nguyễn Ngọc Chuẩn (SN 1990), trú tại thôn Dục Tú, thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) vì cho vay lãi nặng (CVLN) trong giao dịch dân sự. Điều tra của lực lượng nghiệp vụ Công an TP. Huế cho thấy, từ giữa năm 2022, Nguyễn Ngọc Chuẩn mang theo 80 triệu đồng từ Thanh Hóa vào địa bàn TP. Huế sinh sống và hoạt động CVLN, nhằm mục đích thu lợi bất chính.

Tại thời điểm bị bắt, Chuẩn đã cho 7 người trên địa bàn TP. Huế vay tiền, với 19 lượt vay, lãi suất vay lên tới 365%/năm, thu lợi bất chính số tiền gần 44 triệu đồng.

Trước đó, 3 đối tượng từ Vĩnh Bảo, Hải Phòng vào TP. Huế cho vay lãi nặng cũng đã bị Công an TP. Huế tạm giữ hình sự. Đó là, Dương Văn Khang (SN 1997), Đỗ Anh Quyết (SN 2001), Nguyễn Văn Chinh (SN 1992).

Tháng 4/2022, các đối tượng này vào địa bàn TP. Huế và tạm trú tại kiệt 200 đường Lý Thái Tổ, phường Hương An (TP. Huế) với mục đích CVLN.

Để thực hiện hành vi của mình, các đối tượng đã phân chia nhau đi khắp các nẻo đường, nơi công cộng trên địa bàn TP. Huế, TX. Hương Trà và huyện Quảng Điền để dán, thả các tờ rơi với nhiều thông tin cho vay nhanh, thuận tiện, không cần thế chấp.

Từ tháng 4/2022 đến ngày bị tạm giữ, 3 đối tượng đã cho 88 người vay, với tổng số tiền hơn 1,3 tỷ đồng. Lãi suất mà các đối tượng này cho vay từ 121% đến 243%/năm. Các đối tượng đã thu lợi bất chính hơn 77 triệu đồng…

Theo cơ quan chức năng, tuy hình thức CVLN trên địa bàn TP. Huế nói riêng và cả tỉnh nói chung đã giảm so với trước, nhưng vì nhu cầu và đánh vào tâm lý cần vay tiền nhanh, cần gấp tiền của nhiều người, nên các đối tượng vẫn lén lút hoạt động. Không chỉ ngoại tỉnh, một số đối tượng trong tỉnh cũng lợi dụng nhu cầu vay, cũng đã cho vay với lãi suất cắt cổ, bị lượng lượng công an phát hiện, bắt giữ. Vẫn biết, “tôi có tiền, tôi cho vay. Anh cần thì vay, không vay thì thôi, tôi không bắt buộc. Nghĩa là 2 bên đều có sự thỏa thuận”. Tuy nhiên, nhiều hình thức trá hình xảy ra trong quá trình giao dịch dân sự giữa bên cho vay và bên vay.

Thông thường, bên cho vay “buộc” người vay bằng hình thức biên nhận mượn tiền (hoặc giấy vay tiền) nhưng thường để "hai bên tự thỏa thuận lãi suất". Sau đó, bên vay tiền tự thỏa thuận trả tiền lãi theo ngày, theo tuần hoặc theo tháng. Ví dụ, vay 100 triệu đồng, trả lãi ngày 1 triệu đồng, 1 tháng tiền lãi 30% và 1 năm tương đương 360% đã rơi vào khung để xử lý hình sự. Khi người vay tiền trả lãi và tiền gốc, nhưng bên cho vay không để lại giấy tờ gì thể hiện việc cho vay với lãi suất cắt cổ, gây khó cho lực lượng chức năng.

Thực tế cho thấy, một số trường hợp người dân vì lý do nào đó trong cuộc sống cần tiền gấp hoặc chơi bời, thua lô đề, cờ bạc... đã sẵn sàng vay nóng hoặc trả góp theo ngày với lãi suất cao. Nếu không trả đủ lãi, người cho vay nóng sẽ cộng dồn vào tiền gốc. Như vậy, tiền nợ của người vay càng thêm chồng chất.

Khi không còn khả năng trả nợ, người cho vay sẽ hành hung, đe dọa, bôi nhọ nhân phẩm, thậm chí còn đe dọa người thân của người vay nợ để buộc phải bán nhà, tài sản trả nợ, gây mất an ninh trật tự tại địa phương. 

Trái bóng tròn World Cup 2022 đã và đang lăn trên các sân cỏ, cũng là thời điểm “mùa cá độ bóng đá” vào vụ. Liệu rằng, đâu đó, có những người cần “vay nóng” để giải quyết “vấn đề riêng” của mình?

Điều này, không chỉ “tiền mất, tật mang” mà còn rơi vào “bẫy” CVLN của các đối tượng. Mong, cơ quan chức năng, nhất là lực lượng công an cần tăng cường các biện pháp nghiệp vụ kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các đối tượng CVLN theo quy định của pháp luật.

Anh Phong

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Ẩn họa” từ nạn trộm chó

Trong vài năm trở lại đây, trên địa bàn phường Phú Thượng (TP. Huế) xuất hiện các đối tượng bắt trộm chó bằng đánh bả. Thực trạng này không chỉ gây hoang mang lo lắng cho người dân, mà còn tiềm ẩn nguy cơ chết người từ bả thuốc vứt vương vãi trên đường.

“Ẩn họa” từ nạn trộm chó
Mạnh tay hơn với nạn lô đề

Đánh bạc bằng hình thức ghi lô đề vẫn tồn tại dai dẳng trong đời sống xã hội. Biết vi phạm pháp luật, nhưng cả “chủ” lẫn “con đề” vẫn cứ lao vào như những con thiêu thân...

Mạnh tay hơn với nạn lô đề
WB nhận được cam kết hơn 11 tỷ USD để ứng phó với khí hậu và thách thức toàn cầu

Ngân hàng Thế giới (WB) vừa cho biết 11 quốc gia đã cam kết đóng góp hơn 11 tỷ USD cho các công cụ vốn kết hợp và bảo lãnh danh mục đầu tư mới, được thiết kế để mở rộng năng lực cho vay của WB thêm 70 tỷ USD trong một thập kỷ, nhằm giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu, đại dịch và các thách thức toàn cầu khác.

WB nhận được cam kết hơn 11 tỷ USD để ứng phó với khí hậu và thách thức toàn cầu
HƯỚNG DÒNG VỐN VÀO LĨNH VỰC ƯU TIÊN:
Nhiều cơ chế, chính sách cho vay được mở rộng

Vấn đề này đã được ông Phạm Bá Nam, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh chia sẻ cùng Thừa Thiên Huế Cuối tuần khi trao đổi về hoạt động tín dụng năm 2024, trong bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế đang tác động tiêu cực đến tình hình hoạt động của doanh nghiệp.

Nhiều cơ chế, chính sách cho vay được mở rộng

TIN MỚI

Return to top