ClockThứ Sáu, 03/06/2022 13:52

Điều khiển xe máy điện không đội mũ bảo hiểm: Xử lý nghiêm

TTH - Dù đã được tuyên truyền, nhắc nhở, nhưng nhiều học sinh trên địa bàn tỉnh, nhất là ở TP. Huế vẫn cố tình điều khiển xe máy điện, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, dàn hàng ngang gây mất an toàn giao thông.

Xử lý nghiêm lỗi trực tiếp gây ra tai nạn giao thôngCẩn thận khi đi xe đạp điện

Học sinh điều khiển xe máy điện không đội mũ bảo hiểm

Dạo quanh trước cổng một số trường học trên địa bàn TP. Huế, chúng tôi không khó bắt gặp các em học sinh khi tan trường đã điều khiển xe máy điện, xe đạp điện, tuy có mũ bảo hiểm, nhưng cố tình không đội. Để đối phó, các em chỉ đội mũ bảo hiểm khi điều khiển từ cổng trường ra đường. Sau khi đã ra khỏi khuôn viên của trường, các em không đội mũ bảo hiểm, mà để trước giỏ xe hoặc treo bên hông xe.

Trên một số trục đường lớn của TP. Huế, nhiều học sinh điều khiển xe máy điện, xe đạp điện chạy hàng ngang, hàng ba, không đội mũ bảo hiểm rất nguy hiểm. Có em điều khiển xe máy điện, xe đạp điện chở quá số người quy định, phóng nhanh, vượt đèn đỏ rất phản cảm và nguy cơ tai nạn giao thông rất cao.

Khi đang điều khiển xe máy điện, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm, các em còn đùa giỡn, rất nguy hiểm cho bản thân và người, phương tiện tham gia giao thông. “Xe máy điện, xe đạp điện chạy trên đường rất nhẹ, nhưng tốc độ khá cao, chỉ một phút bất cẩn là dễ xảy ra va chạm, gây tai nạn giao thông”, ông Nguyễn Chạy, trú tại phường Xuân Phú (TP. Huế) chia sẻ.

Chúng tôi đã hỏi một số em học sinh, tại sao khi điều khiển xe máy điện, xe đạp điện lại không đội mũ bảo hiểm? Các em viện lý do, nhà gần trường, nên khi điều khiển xe máy điện không đội mũ bảo hiểm.

Một học sinh khác khi bị lực lượng CSGT xử lý vì không đội mũ bảo hiểm trao đổi, do em không biết quy định điều khiển xe máy điện là phải đội mũ bảo hiểm. Lại có em viện lý do: Hôm qua, anh của em đã lấy mũ bảo hiểm của em, nên không có mũ để đội.

Thực tế cho thấy, ban giám hiệu, thầy cô các trường học đều biết tình trạng học sinh điều khiển phương tiện xe máy điện, xe đạp điện không chấp hành nghiêm quy định Luật Giao thông đường bộ. Tuy nhiên, giải pháp để ngăn ngừa tình trạng này vẫn là công tác tuyên truyền là chính.

Thời gian qua, Phòng CSGT Công an tỉnh và công an các địa phương đã tích cực tổ chức các buổi nói chuyện, tuyên truyền trong trường học với các em học sinh về nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông do điều khiển xe máy điện, xe đạp điện nhưng không đội mũ bảo hiểm.

Những bản cam kết điều khiển xe máy điện, xe đạp điện phải đội mũ bảo hiểm và tuân thủ nghiêm Luật Giao thông đường bộ giữa các em học sinh với lực lượng CSGT cũng đã được ký kết với nhiều điều, khoản ràng buộc.

Nhiều đợt ra quân tuần tra, kiểm soát xử lý nghiêm tình trạng học sinh điều khiển xe máy điện, xe đạp điện vi phạm Luật Giao thông đường bộ cũng đã được lực lượng CSGT trong toàn tỉnh triển khai.

Đại úy Lê Tự Hiếu, Đội phó Đội CSGT – Trật tự Công an TP. Huế cho biết: Chúng tôi đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tình trạng học sinh, sinh viên điều khiển xe máy điện, xe đạp điện, mô tô, xe máy phải bắt buộc đội mũ bảo hiểm. Không những thế, chúng tôi còn xử lý nghiêm những trường hợp các em học sinh, sinh viên cố tình vi phạm Luật Giao thông đường bộ, nhất là lạng lách, đánh võng. Với những trường hợp này, chúng tôi cương quyết thông báo đến nhà trường để có sự răn đe, giáo dục phù hợp; xếp loại hạnh kiểm từng học kỳ và cuối năm học.

Tuy đã có những biện pháp mạnh từ lực lượng CSGT, nhà trường, nhưng tình trạng vi phạm Luật Giao thông đường bộ khi điều khiển xe máy điện, xe đạp điện, mô tô, xe máy vẫn xảy ra. Nhà trường chỉ quản lý các em học sinh xung quanh khu vực trường học, còn khi các em từ trường về nhà là trách nhiệm của lực lượng chức năng, mà trực tiếp là CSGT.

Thiết nghĩ, ý thức của các em học sinh là một chuyện, nhưng việc răn đe, xử lý nghiêm tận gốc và thường xuyên, liên tục của lực lượng chức năng và nhà trường thì mới mong dần thay đổi ý thức của các em. Đừng để xe máy điện, xe đạp điện vào giờ tan trường của các em học sinh là nỗi ám ảnh của người và phương tiện tham gia giao thông.

Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, lỗi đi xe máy điện không đội mũ bảo hiểm sẽ chịu mức phạt từ 200 – 300 ngàn đồng. Người lái và người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (bao gồm xe máy điện) bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.

Bên cạnh phạt lỗi đi xe máy điện không đội mũ bảo hiểm, cá nhân đi xe máy điện đội mũ bảo hiểm nhưng không cài quai cũng sẽ bị xử phạt theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP là từ 200 – 300 ngàn đồng. Trường hợp, người điều khiển xe và người ngồi sau đều không đội mũ bảo hiểm hoặc không cài quai đúng cách khi tham gia giao thông thì cả hai người đều bị xử phạt. 

Bài, ảnh: Anh Phong

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bước chân không mỏi

Ngoài công việc của một cán bộ hội, hơn 10 năm qua chị Võ Cẩm Thành, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Phú Xuân (Phú Vang) là một trong những nhân viên thu tiêu biểu trong phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện, bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình.

Bước chân không mỏi
Phát huy thế mạnh nhân viên thu

Được mệnh danh là “cánh tay nối dài” của cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH), đội ngũ nhân viên thu là những người góp phần quan trọng trong việc đưa các chính sách bảo hiểm đến gần hơn với người dân, góp sức đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Phát huy thế mạnh nhân viên thu
Nỗi lo khi điện tăng giá

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có Quyết định số 1046-QĐ/EVN, ngày 11/10/2024 về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân (giá điện). Theo đó, giá bán lẻ điện là 2.103,1159 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế VAT), tương đương mức tăng 4,8% bắt đầu từ 11/10/2024.

Nỗi lo khi điện tăng giá

TIN MỚI

Return to top