Một thẩm phán đang công tác tại TAND TP. Huế chia sẻ, anh vừa giải quyết một vụ án hôn nhân và gia đình. Các đương sự đều ở tuổi 30. Qua lời khai của hai bên nguyên đơn (vợ), bị đơn (chồng) và những tài liệu thu thập, xác minh được, thẩm phán nhận định, mâu thuẫn của đôi vợ chồng này khá “nặng”. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật, đồng thời với mong muốn có thể phân tích, hàn gắn để vợ chồng quay về đoàn tụ, cùng nuôi dạy con cái, tòa vẫn thực hiện hòa giải. Thế nhưng các đương sự không “lay chuyển”. Vợ một mực “tố” bị chồng thường xuyên "thượng cẳng chân hạ cẳng tay". Không chịu đựng nổi nên chị mới “trốn” ra nhà ba mẹ ở tỉnh Quảng Trị, buôn bán làm ăn. Chị trình bày, bây giờ đối với chồng, chị chỉ có cảm giác sợ hãi, lấy đâu ra tình cảm mà quay về chung sống. Còn chồng chỉ vào vết sẹo dài trên mặt, “tố” bị nhà vợ vây đánh, gây thương tích bằng hung khí. Hiện công an tỉnh Quảng Trị đang trong quá trình giải quyết vụ án hình sự.
Trong lúc hai bên đưa ra thảo luận giải quyết về vấn đề nợ chung, chồng bảo lẽ ra yêu cầu vợ phải trả lại cho mẹ ruột mình khoản tiền 5 triệu đồng mà bà đã cho vợ chồng mượn để mua xe máy. Nhưng nghĩ cũng không đáng gì nên không yêu cầu nữa, “cho luôn” cũng được. Vợ gườm chồng “trả treo”, bảo khoản tiền đó, nếu mẹ chồng đòi thì chị mới trả, chứ chồng tư cách gì mà đòi (có nghĩa chồng không phải là người cho mượn tiền). Thấy thái độ của vợ như vậy, chồng đổi ý, tại tòa yêu cầu chị này phải trả lại số tiền nêu trên. Chỉ riêng chuyện đó mà trước mặt thẩm phán, vợ chồng cứ cãi cọ nhau không dứt.
Khi buổi làm việc sắp kết thúc, nhân lúc người chồng ra ngoài hành lang nghe điện thoại, người vợ khẩn khoản nhờ thẩm phán “giữ” bị đơn lại một lúc để chị về trước. Chị bảo nếu ra về cùng một lúc, sợ rằng sẽ bị anh ta đánh. Tuy nhiên, các thủ tục đã xong, không có “cớ” gì “giữ chân” bị đơn nên thẩm phán buộc lòng phải yêu cầu nguyên đơn ngồi lại, để đảm bảo an toàn cho chị này. Vị thẩm phán trải lòng, hòa giải thành công một vụ án hôn nhân gia đình, tranh chấp dân sự…, là niềm vui của những người làm công tác xét xử. Bởi đó không còn là vấn đề của riêng một gia đình hoặc giữa cá nhân với cá nhân mà còn là vấn đề của xã hội. Gia đình “lành lặn”, mâu thuẫn, xung đột trong các vụ tranh chấp dân sự được “cởi bỏ”, thì đời sống xã hội sẽ ổn định, tốt đẹp hơn. Thế nhưng, đối với những vụ án như nói trên, những người làm công tác xét xử, theo quy định của pháp luật, phải “hạ bút” chấp nhận “cho” các đương sự “đường ai nấy đi” để tránh những hậu quả, hệ lụy khó lường.
Một nữ thẩm phán TAND TP. Huế cũng chia sẻ, chị từng giải quyết vụ án hôn nhân & gia đình mà nguyên đơn yêu cầu ly hôn cũng là người vợ. Đơn gửi đến tòa, người vợ chỉ trình bày do tính tình vợ chồng không hợp. Trong lúc đó, bị đơn ra sức níu kéo, nguyện vọng được đoàn tụ vợ chồng. Với trách nhiệm của mình, thẩm phán đã tổ chức nhiều phiên hòa giải mong muốn người phụ nữ kia suy nghĩ lại, cho chồng một cơ hội, để tránh đổ vỡ gia đình, con nhỏ khỏi chịu thiệt thòi. Thế nhưng, khi người vợ đau đớn “trưng” ra những bằng chứng về hành động vũ phu kéo dài của chồng, khiến chị nhiều lần bầm tím mặt mày, mình mẩy. Qua công tác điều tra, xác minh, biết điều đó là sự thật, nên tòa đã quyết định “cho” người vợ được ly hôn.
Thực tế xét xử cho thấy, rất nhiều mâu thuẫn trầm trọng trong cuộc sống hôn nhân khiến tòa án phải “ra” một phán quyết mà đôi khi một bên vợ hoặc chồng không mong muốn. Thế nên, để điều không mong muốn đó không có “cơ hội” xảy ra, trong cuộc sống, vợ chồng phải thật lòng yêu thương, tôn trọng “đối phương”, có trách nhiệm với gia đình, đặc biệt đừng “sa chân” vào bạo hành khiến “người kia” trở thành nạn nhân. Để đến lúc “đối phương” không chịu đựng nổi, cạn kiệt tình cảm, phải nhờ tòa “khai tử” hôn nhân, lúc này “bên kia” có ra sức níu kéo thì cũng đã muộn.
Quỳnh Anh