ClockThứ Năm, 27/06/2024 07:22

Học làm cha mẹ

TTH - Được triển khai từ đầu năm 2024, lớp tập huấn “Làm cha mẹ tích cực” do Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh triển khai đón nhận nhiều sự ủng hộ và tín hiệu tích cực từ người lao động cấp cơ sở.

Nơi chốn ngọt ngào

 Chị em nữ công tham gia lớp học "Làm cha mẹ tích cực"

Lớp học của chương trình “Làm cha mẹ tích cực” được tổ chức dành cho cán bộ nữ công LĐLĐ huyện Phong Điền vào đầu tháng 6 mang đến nhiều cảm xúc dành cho các cán bộ nữ công. Trong lần đầu được tiếp xúc với những bài học về làm cha mẹ tích cực, nhiều chị có con nhỏ, thậm chí có chị đã lên chức “bà” cũng không kìm được nước mắt bởi “bấy lâu nay cứ nghĩ làm bố mẹ thì việc chi phải học, cứ đẻ con ra là thành bố mẹ thôi, nhưng không ngờ mình vẫn chưa là một người mẹ tốt, hay chưa dành cho con, cho cháu mình sự quan tâm cần thiết”.

Là chương trình do Tổng LĐLĐ Việt Nam phối hợp với Unicef tổ chức, lớp tập huấn “Làm cha mẹ tích cực” là một phần trong chương trình “Không ai hoàn hảo” hướng đến những người làm cha mẹ, chăm sóc trẻ từ 0 đến 8 tuổi, với mục đích thúc đẩy việc nuôi dạy con tích cực, giúp cha mẹ xây dựng sợi dây liên kết với con cái, cũng như sự hỗ trợ lẫn nhau giữa bố và mẹ trong việc nuôi dạy con an toàn.

Theo nghiên cứu vào năm 2020 của Tổng LĐLĐ Việt Nam, có trên 50% người lao động chưa được đào tạo, hướng dẫn cụ thể về kỹ năng làm cha mẹ để có thể chăm sóc và dạy dỗ trẻ, đảm bảo sự phát triển toàn diện cho trẻ. Vẫn còn gần 50% người lao động có con chưa dành nhiều thời gian cho việc nuôi dạy và chăm sóc con, cá biệt có 5,3% do quá bận nên ít quan tâm đến các cháu và 1,5% không có thời gian hỏi xem cháu nghĩ gì. Đó là những con số đáng báo động, cho thấy nhiều trẻ em thiếu sự quan tâm, tương tác với cha mẹ, nhiều bậc phụ huynh chưa biết nuôi dạy con đúng cách. Lớp học “Làm cha mẹ tích cực” từ đó được triển khai để các phụ huynh nâng cao kỹ năng và kiến thức để nuôi dạy, giáo dục và dành thời gian ý nghĩa cho trẻ em.

LĐLĐ tỉnh đã triển khai 7 lớp học dành cho cán bộ nữ công ở các LĐLĐ cơ sở như các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang, Công đoàn ngành giáo dục, Công đoàn khu công nghiệp và LĐLĐ tỉnh. Sau khi tham dự lớp tập huấn, các cán bộ nữ công sẽ tiếp tục triển khai lại cho cán bộ, viên chức và công nhân lao động ở địa phương. Lớp tập huấn bao gồm 8 module: Làm cha mẹ tích cực, chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ, chăm sóc sức khỏe cho trẻ, phát triển trí tuệ, vui chơi cùng trẻ, can thiệp hành vi của trẻ, phòng chống xâm hại trẻ, an toàn cho trẻ.

“Những module bài học trên lấy tình thương của cha mẹ làm cơ sở để thúc đẩy họ thấu hiểu con cái. Cha mẹ luôn yêu thương con cái của mình và mong muốn trở thành những người cha mẹ tốt. Họ mong muốn con mình khỏe mạnh và hạnh phúc. Tuy nhiên, không ai sinh ra đã biết làm cha mẹ, mà tất cả cha mẹ đều cần thông tin và sự hỗ trợ từ nhiều phía để nuôi dạy con được tốt nhất”, đại diện LĐLĐ tỉnh phân tích.

Tiếp cận với lớp tập huấn, nhiều chị bộc bạch từng xúc phạm, bêu rếu con không chỉ ở đời thực mà còn trên mạng xã hội, bởi “muốn tốt cho con, muốn con biết xấu hổ mà phấn đấu nỗ lực hơn”, nhưng lại quên đi cảm nhận của con trẻ. Các con có khi còn không thể nêu lên ý kiến của bản thân, bởi “cãi cha mẹ là trăm đường con hư”. Cũng có những người khóc khi được hỏi “đã lâu chưa chị không nói lời yêu thương với con?”. Vì cuộc sống mưu sinh vất vả, công việc tất bật, có lúc những lời quan tâm, những lời công nhận đối với con cái lại bị nhiều người bỏ quên. “Cứ nghĩ là cho con ăn ngon, mua áo quần đẹp, đưa đón con đi học... là yêu thương con, nhưng không nghĩ là con cũng cần những lời động viên, yêu thương”, một chị nữ công thổ lộ.

Cũng có những phụ huynh bấy lâu nay mỗi lúc đón con từ trường học về liền đưa điện thoại, máy tính bảng để con tự xem, còn mình làm việc khác, không quan tâm, tương tác với con. Dần dà đứa trẻ lớn lên thiếu vắng sự chia sẻ với các thành viên trong gia đình. Hay có người không thể từ chối con cái, mỗi lần từ chối thì con van xin, quỳ lạy, khiến họ mủi lòng. Đến khi cháu lớn lên trở nên hư hỏng, đòi gì được nấy, làm phụ huynh rất khổ tâm. Vậy mới thấy, việc làm cha mẹ không hề dễ dàng, cần mềm mỏng lắng nghe con cái nhưng cũng cần cứng rắn lúc cần thiết để dạy con nên người.

Bên cạnh việc được chia sẻ, lắng nghe những câu chuyện về con cái, các chị cũng được tham gia chơi các trò chơi, hát múa, đóng kịch,... Những nụ cười thông qua những hoạt động vui chơi cũng giúp nhiều qua đó hiểu về cảm nhận, niềm vui của các con khi được tương tác, chơi đùa cùng cha mẹ, để từ đó cải thiện khả năng chăm sóc và giáo dục sớm cho con cái của họ.

Bài, ảnh: ĐĂNG TRÌNH
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Mẹ đừng lo lắng!”

Có lần, khi tôi bế mẹ từ giường ra nhà tắm, đặt mẹ lên tấm xốp mềm để chuẩn bị tắm rửa cho mẹ, thấy mẹ có vẻ rất hoang mang.

“Mẹ đừng lo lắng ”
Chưa kịp giàu, cha mẹ đã già

Tháng năm vùn vụt trôi, "tên siêu trộm thời gian" đang dần lấy đi tuổi xuân của cha mẹ, rồi có một ngày, cha mẹ sẽ già đi và không còn trên đời theo quy luật sinh lão bệnh tử.

Chưa kịp giàu, cha mẹ đã già
Giáo dục con cái từ tấm gương bố mẹ

Qua thực tế giáo dục con trẻ mới thấm lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh rằng: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Dạy con bằng chính tấm gương của bố mẹ là một trong những phương pháp tối ưu và hiệu quả nhất.

Giáo dục con cái từ tấm gương bố mẹ
Cho con

Xem chương trình thời sự lúc 19 giờ trên VTV1 vừa qua, hình ảnh các cháu nhỏ vùng cao ngày đầu vào lớp 1 trường nội trú, bịn rịn rồi òa khóc nức nở khi mẹ ra về, tôi không cầm được nước mắt. Mới 6 tuổi, các cháu phải rời xa tổ ấm, không có cha mẹ bên mình hàng ngày với bao lạ lẫm của cuộc sống tự lập, thật thương cảm. Bước đường đến với con chữ của các cháu quá đỗi gian nan!

Cho con

TIN MỚI

Return to top