ClockThứ Sáu, 24/03/2017 13:06

Giữ lửa cho hôn nhân

TTH - Dù “bên này” một mực “nhờ tòa”, nhưng “bên kia” đã không còn tình cảm, không “giải pháp” nào hứa hẹn có thể hàn gắn cuộc hôn nhân, thì tòa cũng chịu...

Vợ 29, chồng 30 tuổi. Vợ chồng cưới nhau vào tháng 10/2013. Thế nhưng, cuộc  hôn nhân chỉ mới 2 năm, thì vào tháng 10/2015, người vợ đã phải đứng nguyên đơn yêu cầu TAND thị xã Hương Trà cho ly hôn. Lúc đó, đứa con chung mới 6 tháng tuổi. Người phụ nữ trẻ cho rằng, chồng luôn nghi ngờ chị trong việc chi tiêu tiền bạc nên xảy ra xung đột mâu thuẫn về kinh tế. Tháng 7/2014, ra tỉnh Quảng Ninh làm ăn, vợ chồng tiếp tục cãi cọ không dứt về vấn đề này khiến tình cảm của chị ngày một cạn. Sau thời gian sống ly thân, hoàn toàn không còn tình cảm với chồng nên mặc dù con gái nhỏ mới 8 tháng tuổi, chị cũng đành phải nhờ pháp luật “giải thoát”.

Căn cứ các quy định của pháp luật hôn nhân & gia đình, TAND thị xã Hương Trà quyết định chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, xử cho vợ chồng ly hôn, giao con gái nhỏ cho người mẹ trực tiếp chăm sóc nuôi dưỡng, đồng thời giải quyết tài sản chung của vợ chồng. (Theo nguyên đơn, chị được xử trực tiếp nuôi con, nhưng người chồng đã lợi dụng lúc chị “sơ hở”, bắt con từ Quảng Ninh đem về Huế). Bị đơn muốn níu kéo, nên kháng cáo lên TAND tỉnh. Tại phiên tòa phúc thẩm, cả nguyên đơn và bị đơn đều có luật sư bảo vệ quyền lợi.

Trong nhiều vấn đề trình bày trước hội đồng xét xử phúc thẩm, bị đơn và luật sư của mình cho rằng mâu thuẫn vợ chồng chưa trầm trọng đến mức phải ly hôn, một mực “nhờ tòa” cho đoàn tụ. Thế nhưng nguyên đơn và luật sư của mình phản bác. Người vợ kiên quyết đòi ly hôn. “Bị đơn nói mâu thuẫn chưa trầm trọng, thế nhưng trước tòa vợ anh lại khẳng định không còn chút tình cảm nào, không thể sống chung được nữa. Thực tế, vợ chồng sống ly thân đã lâu. Mục đích hôn nhân không đạt được...”. Luật sư của nguyên đơn nêu.

Tòa hỏi bị đơn: “Anh đề nghị tòa cho đoàn tụ, vậy nếu tòa xử cho vợ chồng đoàn tụ, anh có biện pháp nào để hàn gắn tình cảm vợ chồng”? Bị đơn chỉ ngắc ngứ “tôi sẽ có biện pháp”. Tòa tiếp tục hỏi, từ lúc TAND thị xã Hương Trà “ra” bản án sơ thẩm, bị đơn có biện pháp nào để hàn gắn cuộc hôn nhân? Câu trả lời là “chưa”. Tòa: “Về mặt khách quan, anh tự đánh giá tình cảm của vợ anh dành cho anh như thế nào. Nếu tòa hòa giải, anh có cách nào hàn gắn, để tòa án nghiên cứu, xem xét kháng cáo của anh? Bị đơn không trả lời được.

Tài sản chung, vợ chồng thống nhất 182 triệu đồng, trong đó vợ giữ số tiền mặt 53 triệu đồng và 1 tài khoản thẻ ATM 60 triệu đồng. Chồng giữ 54 triệu đồng và một số vật dụng trị giá khoảng 15 triệu đồng. Tòa cấp sơ thẩm giải quyết, nguyên đơn “thối” lại cho bị đơn 29 triệu đồng. Thế nhưng, tại phiên tòa phúc thẩm, bị đơn cho rằng, số tiền mặt 54 triệu đồng đã được sử dụng để nuôi con hết, yêu cầu tòa không tính vào tài sản chưa chia, đồng thời yêu cầu nguyên đơn “thối” lại nhiều hơn. Tòa: “Anh trình bày đã chi tiêu hết 54 triệu đồng, anh có chứng cứ không”. Bị đơn cho rằng đã mua bỉm, sữa...cho con hết. Tòa: “Anh nuôi con mà kể? Nếu kể thì đừng nuôi. Cha mẹ nuôi con là vô bờ bến, anh kể như vậy không nên đâu”. Người vợ liếc mắt về phía chồng, lắc đầu ra chiều ngao ngán. Đến phần tranh luận, sau khi trình bày quan điểm, luật sư và bị đơn yêu cầu tòa hòa giải để tạo điều kiện cho vợ chồng đoàn tụ. Ngược lại nguyên đơn và luật sư của mình một mực yêu cầu tòa cho ly hôn, đồng thời “giành” lại con, không “hơn, thua” gì về tài sản.

Trong mấy giờ đồng hồ diễn ra phiên tòa, hội đồng xét xử đã “quay tới, quay lui” câu hỏi nếu tòa giải quyết cho vợ chồng đoàn tụ, bị đơn có biện pháp nào để hàn gắn tình cảm vợ chồng? Thế nhưng, bị đơn không lần nào đưa ra được câu trả lời. Dù “bên này” một mực “nhờ tòa”, nhưng “bên kia” đã không còn tình cảm, không “giải pháp” nào hứa hẹn có thể hàn gắn cuộc hôn nhân, thì tòa cũng không thể nào làm trái quy định của pháp luật để “hạ bút” cho vợ chồng đoàn tụ.

Quỳnh Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xuân như đã về

Như sự thèm thuồng mỗi khi ánh nắng tràn qua khe cửa sau một ngày mưa tầm tã, tôi cũng muốn được nhìn thấy em. Khoảnh khắc khi tôi vừa gọi tên em, ánh mắt em ngước lên nhìn tôi cứ như nụ tầm xuân đang e ấp chờ ngày hé nụ và có một điều gì đó vô cùng thu hút. Cho tới khi nhìn thấy tôi im lặng không nói gì, đôi mắt nâu đậm ấy trở nên dỗi đánh nhẹ tôi một cái rồi tiếp tục chú tâm công việc của mình:

Xuân như đã về
Hoàng hôn chợ làng

Nói đến ông già Chơn bán chiếu ở chợ Bà Sửu, người ta nhắc ngay tới con Cộc. Cộc là con chó bị người ta vứt ở đống rác phía sau chợ làng, ông Chơn nhặt về nuôi lúc nó mới vài ngày tuổi, còn chưa mở mắt. Nghe đâu tình cờ gặp bữa chiếu ế chẳng bán được chiếc nào, ông gánh đi quanh, rao khản cả tiếng cũng chẳng ai mua. Vừa mệt vừa rã hai cái cẳng, ông quảy cái gánh ra về.

Hoàng hôn chợ làng
Bên ngoài ô cửa có mây bay

Cơn đau bất ngờ ập đến khiến cả người Trúc toát hết mồ hôi lạnh. Cô đưa tay giật chiếc khăn trùm vướng víu trên đầu. Từng giọt mồ hôi túa ra như hạt đậu trên chiếc đầu không còn một sợi tóc của Trúc.

Bên ngoài ô cửa có mây bay
Đôi mắt hoa cúc biển

Tôi không thích cái cách hắn bước vào cuộc đời tôi nhẹ tênh đến thế, không thích cả cách hắn cười mỗi khi hắn tỏ ý trêu tôi, thậm chí cả ghét với việc hắn khoe đã làm xong một bài thơ và lấy tôi làm “nàng thơ” của hắn. Tôi ghét việc hắn tỏ ra là lãng tử, nghĩ mình lúc nào cũng được khối con gái theo và cả việc tán tỉnh được tôi chỉ là vấn đề thời gian như cách mà hắn nói với đám bạn của hắn. Thế mà trời xui đất khiến thế nào chúng tôi lại vào chung một tổ hợp văn chương: Hắn làm thơ còn tôi viết văn.

Đôi mắt hoa cúc biển
Làng trong nỗi nhớ

Ba năm sau, Huân mới có dịp về làng Dương Nỗ. Sau khoảng thời gian dài dằng dặc xa làng, những lời hẹn thề sẽ trở về làng trong một ngày không xa tưởng chừng đã đi vào quên lãng.

Làng trong nỗi nhớ

TIN MỚI

Return to top