Theo kết quả kiểm soát tải trọng xe (KSTTX) tháng 9/2016 (từ ngày 21/8 đến ngày 20/9/2016), lực lượng chức năng tại các Trạm KTTTX lưu động, cố định và Thanh tra các Sở GTVT các địa phương sử dụng cân xách tay tiến hành kiểm tra 58.833 xe, phát hiện 2.947 xe vi phạm về tải trọng, 193 xe vi phạm về kích thước thùng hàng, tước 1.133 giấy phép lái xe, xử phạt nộp kho bạc nhà nước 26,6 tỷ đồng.
Thanh tra các Cục QLĐB đã tiến hành kiểm tra 62 xe, phát hiện 39 xe vi phạm về tải trọng, 19 xe vi phạm về kích thước thùng hàng, tước 32 giấy phép lái xe, xử phạt nộp kho bạc nhà nước 1,2 tỷ đồng.
Kiểm tra tải trọng xe Trên QL4 qua Lai Châu
Thời gian qua, công tác KSTTX đã nhận được sự đồng thuận của toàn xã hội, nhận thức của chủ xe, lái xe, doanh nghiệp vận tải, các cơ sở đầu nguồn hàng (kho bãi, bến cảng, mỏ, công trường thi công...) đã được nâng lên, nên lượng xe quá tải tiếp tục giảm, đặc biệt là các xe chở hàng đường dài, nhất là trên tuyến QL1, góp phần tạo sự cạnh tranh lành mạnh trong lĩnh vực vận tải hàng hóa và cân bằng thị phần vận tải đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải...
Nhiều địa phương đã làm tốt công tác KSTTX, duy trì hoạt động các Trạm KTTTX lưu động như Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Gia Lai, Kon Tum, Bình Phước, Lâm Đồng, TP. Hồ Chí Minh…
“Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một bộ phận chủ xe, lái xe vẫn cố tình cơi nới kích thước thùng xe, chở hàng quá tải; các xe vi phạm chủ yếu là các xe chở vật tư, vật liệu xây dựng, nông, lâm sản lưu thông đường ngắn, chủ yếu là các xe ben chở đất, đá, vật tư, vật liệu xây dựng cung cấp cho các Dự án xây dựng dân dụng, giao thông…”, văn bản nêu rõ.
Đặc biệt, sau khi liên Bộ GTVT, Bộ Công an tổ chức Hội nghị tổng kết Kế hoạch liên ngành, lực lượng Cảnh sát giao thông và Cảnh sát trật tự, cảnh sát cơ động một số địa phương đã rút không phối hợp tại các Trạm KTTTX lưu động, công tác KSTTX tại địa phương gặp khó khăn.
Tiếp tục “siết” lại kiểm soát tải trọng xe
Trước diễn biến phức tạp của vi phạm tải trọng xe, Bộ GTVT cho biết, sẽ tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về KSTTX. Trước mắt yêu cầu các Sở GTVT, các Cục QLĐB thực hiện nghiêm chỉ đạo của liên Bộ GTVT, Bộ Công an tại về công tác kiểm soát tải trọng phương tiện; tập trung thực hiện một số nội dung trọng điểm. Các địa phương tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện và nâng cao tình thần trách nhiệm của người thực thi công vụ trong việc kiểm soát tải trọng phương tiện trên địa bàn địa phương.
Tổ chức lại và duy trì hoạt động của Trạm KTTTX lưu động phù hợp với điều kiện về lực lượng và tình hình xe quá tải trên địa bàn. “Trong trường hợp không có lực lượng Cảnh sát giao thông và lực lượng Cảnh sát khác thì lực lượng Thanh tra giao thông chủ động thực hiện toàn bộ các nhiệm vụ tại Trạm KTTTX; chịu trách nhiệm KSTTX trên các đường bộ đi qua địa bàn của địa phương (các quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường xã...); Tăng cường kiểm tra tại các cơ sở đầu nguồn hàng (kho bãi, bến cảng, nhà máy, xí nghiệp…), kiểm tra đột xuất những điểm có tình trạng nhiều xe quá tải lưu thông, nâng cao hiệu quả kiểm tra tải trọng xe tại các địa phương…”.
Đặc biệt, tiếp tục vận động các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, cơ sở đầu nguồn hàng, mỏ vật liệu, khoáng sản, kho, cảng, nhà thầu, chủ dự án xây dựng phải có trách nhiệm trong việc quản lý và kiểm soát không để xảy ra việc xếp hàng quá tải lên xe ô tô...Tại các cảng hàng hóa lớn như Hải Phòng, Đà Nẵng, TP. HCM, yêu cầu các lực lượng làm công tác xuất, xếp hàng hóa kiểm tra và xử lý các phương tiện sử dụng Giấy phép giả hoặc không có Giấy phép lưu hành chở hàng quá khổ, quá tải, hàng siêu trường, siêu trọng ra khỏi cảng...
Tiếp tục kiểm tra, đôn đốc các Nhà Đầu tư Dự án BOT trong công tác KSTTX, trong việc lắp đặt Trạm KTTTX ghép với các Trạm thu phí đường bộ.
Nhiều địa phương để xe quá tải tái diễn
Qua theo dõi và phản ánh của người dân cho thấy, lực lượng chức năng một số địa phương có dấu hiệu buông lỏng, thậm chí tiêu cực, các xe có kích thước thùng hàng vượt quá quy định, chở hàng quá tải vẫn lưu thông trên địa bàn, gây hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông, mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường:
Cụ thể tình trạng vi phạm tải trọng vẫn xảy ra trên tuyến QL3, xe chở đá, cát quá tải từ cảng Đa Phúc lưu thông trên QL3, tỉnh Thái Nguyên; xe chở gạch quá tải từ các nhà máy trên địa bàn huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, lưu thông trên QL1 về hướng thành phố Hà Nội; xe chở than, clinker quá tải lưu thông trên tuyến đường Nghi Sơn – Bãi Trành, tỉnh Thanh Hóa.
Đặc biệt, nhiều xe chở vật liệu xây dựng cung cấp cho Dự án sửa chữa QL1D, đoạn qua TP. Quy Nhơn, xe có kích thước thùng hàng vượt quá quy định, chở cát quá tải lưu thông trên QL19, đoạn qua thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, Bình Định; xe chở đất lưu thông trên QL14B và TP. Đà Nẵng, xe chở đá từ các mỏ đá khu vực Tân Cang, TP. Biên Hòa, vẫn đang tung hoành trên các tuyến đường, nhất là đoạn tránh TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Vẫn còn tình trạng các chủ xe, lái xe, lợi dụng sơ hở của các lực lượng làm công tác xuất, xếp hàng hóa tại các Cảng, không có Giấy phép lưu hành xe hoặc sử dụng Giấy phép lưu hành xe giả, sử dụng sà lan để đưa hàng quá khổ, quá tải trọng ra khỏi Cảng, lưu thông trên đường bộ.
|
Theo VOV