|
Trao sinh kế cho hội viên nghèo |
40 con gà giống và thức ăn chăn nuôi đối với gia đình chị Đỗ Thị Kim Linh, TDP Địa Linh (Hương Vinh, TP. Huế) là một tài sản không hề nhỏ. Từ những “cần câu” được Hội LHPN phường Hương Vinh trao tặng, chị Linh đã không ngừng cố gắng, nỗ lực để chăn nuôi, từng bước cải thiện kinh tế gia đình.
“Nhìn đàn gà lớn lên từng ngày, tôi cứ khấp khởi vui mừng. Mong sao lứa gà đầu tay cho thu nhập tốt để tôi có thêm đồng vốn gầy dựng dần dần. Không những được trao gà giống, thức ăn chăn nuôi, Hội LHPN phường còn hướng dẫn tôi kiến thức về chăn nuôi gà thả vườn, an toàn sinh học, cách phòng, chống bệnh cho gà...”, chị Linh chia sẻ.
Nhờ có 2 triệu tiền vốn vay không lãi của Hội LHPN xã Phú Dương mà chị Cao Thị Bòn, thôn Phò An có thêm vốn để buôn bán nhỏ lẻ. Những đồng tiền tưởng chừng ít ỏi đó đã giúp các mặt hàng buôn bán của chị Bòn thêm đa dạng, phong phú. Đồng lời cũng nhờ đó được tăng thêm hàng ngày. “Quý lắm, đối với những người “buôn thúng bán bưng” làm ngày nào ăn ngày đó như tôi thì có thêm được đồng vốn nào tốt đồng đó. Vay của Hội không có lãi nên tôi cũng bớt áp lực. Hy vọng buôn bán suôn sẻ để sớm trả vốn cho các hội viên khác vay”, chị Bòn bộc bạch.
Cũng như chị Bòn, nhờ số tiền vốn không lãi của Hội, chị Trần Thị Kim Oanh, thôn Phú Khê, xã Phú Dương đã có thêm đồng ra đồng vào khi mở rộng buôn bán, kinh doanh.
Chính sự đa dạng trong cách hỗ trợ vốn, trao các mô hình sinh kế phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của hội viên khó khăn đã giúp các hội viên có động lực, nguồn lực để vươn lên. Trong đó, đa dạng hóa sinh kế cho hộ nghèo, nhận đỡ đầu hộ nghèo và đã giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo bền vững là một trong những cách làm hiệu quả. Hằng năm, mỗi cơ sở hội phường, xã hỗ trợ giúp 2-3 phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Toàn thành phố đã giúp được 106 phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh với nhiều hình thức khác nhau. Mỗi cơ sở hội đăng ký và đã giúp đỡ ít nhất 1-2 hộ thoát nghèo mỗi năm và tham gia thực hiện chương trình giảm nghèo, tại địa phương đạt kết quả. Toàn thành phố đã hỗ trợ giúp đỡ 139 hộ nghèo, cận nghèo, 4 hộ khó khăn thoát nghèo có địa chỉ.
Để tạo nguồn lực phát triển sinh kế cho chị em phụ nữ nghèo, Hội LHPN TP. Huế và các cơ sở hội đã tích cực liên kết, kết nối với các công ty, doanh nghiệp để giới thiệu, giải quyết việc làm cho hội viên.
Hội LHPN TP. Huế cũng triển khai và nhân rộng nhiều phong trào thi đua giúp nhau giảm nghèo thiết thực như: Xây dựng các mô hình sinh kế/phát triển kinh tế theo chuỗi giá trị, chế biến sản phẩm truyền thống, hữu cơ, an toàn; đặc sản Huế; thành lập các tổ liên kết, tổ hợp tác...
Với cách làm “hội viên tự vươn lên thoát nghèo, có sự hỗ trợ của hội”, Hội LHPN TP. Huế đã nhân rộng các mô hình sinh kế, tạo mối liên kết giữa cá nhân và tập thể để thuận lợi trong việc quảng bá sản phẩm, nhất là các sản phẩm của làng nghề, tổ liên kết cho các hội viên. Với sự nỗ lực, linh hoạt trong sản xuất, kinh doanh, mỗi hội viên để biến sinh kế, nguồn vốn được trao thành “chìa khóa” để vươn lên, từng bước thoát nghèo.
Bà Đặng Thị Ngọc Lan, Chủ tịch Hội LHPN TP. Huế cho biết: Các cấp hội đã phát huy tính chủ động, sáng tạo, nỗ lực, đề ra các chỉ tiêu, mục tiêu giúp đỡ hội viên phát triển kinh phù hợp với điều kiện thực tế của hội. Chính sự quan tâm, sâu sát cơ sở, nắm, hiểu rõ từng hoàn cảnh hội viên mà qua đó các cấp hội đã có sự giúp đỡ, hỗ trợ thiết thực, đúng người, đúng hoàn cảnh. Việc chú trọng chất lượng, tính hiệu quả của mỗi mô hình sinh kế, hỗ trợ cũng đã tạo được sự lan tỏa. Từ đó, có thêm sự chung tay của các hội viên và mạnh thường quân để có thêm nhiều hoàn cảnh hội viên được “trợ lực”. Điều đáng mừng là mỗi hội viên được giúp đỡ luôn có ý thức thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng và khai thác hiệu quả những sinh kế, những đồng vốn được hỗ trợ.