Cơ sở làm bún của chị Loan được trang bị máy móc
Lúc đó đã gần trưa, người khách cuối cùng của ngày đến xay lúa cũng vừa ra khỏi xưởng. Vừa đóng cầu dao điện, chị Loan đã quay vội vào khu vực sản xuất bún để kiểm tra bột, làm vệ sinh máy móc và sắp đặt lại dụng cụ. Chị giải thích: “Sản xuất đồ ăn tươi bán cho mọi người là phải bảo đảm vệ sinh, có rứa mình mới yên tâm với lợi nhuận”.
Tiếp tục giới thiệu về “tổ hợp” sản xuất của mình, chị Loan cho hay, năm 2019, Phong Điền chịu thiệt hại khá lớn do dịch tả lợn châu Phi, nhưng đàn lợn rừng nhà chị vẫn an toàn.
Hơn 10 năm về trước, vợ chồng chị Loan đều là công nhân, thu nhập may lắm chỉ đủ để lo cái ăn, cái mặc và việc học hành cho 3 người con. Năm 2007, các con đã qua tuổi thiếu niên. Không thể sống chung mãi với cha mẹ, anh chị vay mượn khắp nơi mới làm được căn nhà riêng trên mảnh đất của cha mẹ, dù ngôi nhà lụp xụp.
Cũng năm đó, chị Loan được Hội LHPN xã đứng ra tín chấp cho vay 5 triệu đồng từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội dành cho hộ nghèo. Chị đã mở lò làm bánh mì, thu nhập bước đầu đã giúp gia đình ổn định cuộc sống.
Với mong muốn không dừng lại ở việc thoát nghèo mà phải vươn lên làm giàu, tận dụng mảnh đất nhỏ của gia đình, chị Loan trồng thêm rau sạch, nuôi gà..., vừa giảm được tiền chợ vừa có thêm thu nhập hơn 4 triệu đồng/tháng. Sau 5 năm dành dụm được số vốn kha khá, tìm hiểu nhu cầu của người dân địa phương, chị Loan bàn với chồng sang lại lò bánh mì để mở lò bún tươi và mua máy xay xát; mở rộng chăn nuôi gà, cá, trồng rau sạch…
Anh Trần Sắc, chồng chị Loan là thợ mộc nên mọi việc một tay chị Loan quán xuyến. Nhờ sắp xếp công việc khoa học, hợp lý, chị Loan đã mở rộng được chăn nuôi.
Năm 2016, thấy thị trường đang có nhu cầu thịt lợn rừng, chị tiếp tục đầu tư xây dựng trang trại nuôn lợn rừng. Năm đầu, chị nuôi thử 2 con lợn nái, 1 con lợn đực; một năm sau, lợn nái đẻ 2 lứa được 18 con, chị để lại nuôi toàn bộ. Năm tiếp theo xuất chuồng cả lợn giống và lợn thịt, lãi khoảng 30 triệu đồng. Từ đó đến nay, bình quân chị lãi từ 50 đến 70 triệu đồng/năm từ chăn nuôi lợn rừng.
Chị Loan cho biết, trong chuồng lúc nào cũng có khoảng 50 lợn thịt và 4 lợn nái. Đàn lợn rừng của chị tháng nào cũng có người đặt mua nên không lo đầu ra mà chỉ tập trung chăn nuôi, quan trọng nhất là không để "dính" dịch. Ngoài xay lúa, làm bún, nấu rượu, nuôi lợn, chị còn mang những sản phẩm tự làm ra chợ bán để giới thiệu.
Anh Trần Sắc, chồng chị Loan tự hào: “Chính sự tháo vát của vợ tôi đã giúp các con có công ăn việc làm ổn định, gia đình êm ấm hạnh phúc”.
Đưa chúng tôi tham quan căn nhà khang trang và cũng là “tổ hợp” sản xuất của hai vợ chồng, anh Sắc cho biết, đến năm 2017, anh chị đã xây được căn nhà này và mở nhà xưởng hơn 1 tỷ đồng; mua được 2 ha đất trồng rừng; mua cho con trai trưởng 1 xe ô tô tải 500 triệu đồng để vận chuyển hàng hóa; con trai thứ hai làm nghề, lương tháng hơn 10 triệu đồng, con gái út thì đang học đại học.
Chị Võ Thị Kim Cúc, Chủ tịch Hội LHPN xã Phong Mỹ nhận xét: “Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị Loan còn là hội viên tích cực tham gia các phong trào do Hội LHPN xã và chính quyền địa phương phát động. Chị là tấm gương điển hình để chị em phụ nữ trong xã noi theo”.
Bài, ảnh: HƯƠNG LAN