|
|
Khách hàng tìm đến sản phẩm mỳ sợi Hồng Toàn của chị Hồng |
Gặp lại chị Đặng Thị Hồng (thôn An Xuân Tây, Quảng An) trong gian hàng của mình tại ngày hội quảng bá sản phẩm khởi nghiệp do Hội LHPN tỉnh tổ chức mới thấy, chị ngày càng ra dáng “bà chủ”. Vừa lưu loát giới thiệu thương hiệu mỳ rau, củ, quả sạch Hồng Toàn của mình vừa không ngại chia sẻ về con đường khởi nghiệp cùng các hội viên, khách hàng.
Là thương hiệu ra đời chưa lâu, cũng không phải quá mới lạ trên thị trường, nhưng với hướng đi riêng, cơ sở sản xuất mỳ sợi khô của chị đã có những thành quả nhất định. Nhờ cách tận dụng nguồn nguyên liệu sạch có sẵn theo mùa tại địa phương như bí đỏ, hoa đậu biếc, gấc, củ dền… nên chị đã tạo nên sự đa dạng về hương vị, màu sắc cho thương hiệu mỳ của mình. Hơn nữa, sử dụng hương liệu theo mùa không những đảm bảo được chất lượng mà giá cả luôn phải chăng.
“Mới bắt đầu tôi cũng lo lắm, nên không dám đầu tư máy móc mà chỉ làm thủ công. Nhưng khi sản phẩm của mình được thị trường đón nhận, lượng tiêu thụ tăng lên, muốn đáp ứng nhu cầu thị trường buộc tôi phải mở rộng quy mô, sản xuất chuyên nghiệp hơn. Để đầu tư máy móc lên đến hơn 200 triệu đồng đối với tôi lúc đó là quá sức. Biết được khó khăn đó, Hội LHPN huyện đã kết nối, giới thiệu, giúp tôi tiếp cận được nguồn vốn khuyến nông và được hỗ trợ 85 triệu đồng để mở rộng quy mô sản xuất. Nay, cơ sở sản xuất của tôi có 5 nhân công, sản xuất và tiêu thụ trên 5 tấn mỳ sợi/tháng”, chị Hồng chia sẻ.
Với sự giúp sức quảng bá sản phẩm, kết nối tiêu thụ sản phẩm của Hội LHPN xã, huyện những sản phẩm như yến, dầu dừa nguyên chất của chị Trần Thị Ngọ (xã Quảng Thái) đã ngày càng được mở rộng thị trường, được người tiêu dùng đón nhận.
Bà Trần Thị Phương Nhung, Chủ tịch Hội LHPN huyện Quảng Điền cho biết: Công tác hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế luôn được các cấp Hội trên địa bàn huyện chú trọng. Không những động viên phụ nữ tự tin, mạnh dạn, giúp nhau phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng mà các cấp Hội còn khuyến khích tinh thần sáng tạo khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập và đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thay đổi nhận thức, hành vi của phụ nữ trong thực hiện “Sản xuất sạch, chế biến sạch, tiêu dùng sạch”. Hội triển khai thực hiện Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” đến các cấp Hội, qua đó tham gia tích cực các hoạt động về khởi nghiệp, như: Ngày Hội Cố đô khởi nghiệp do UBND tỉnh tổ chức; tham gia Cuộc thi ý tưởng phụ nữ khởi sự kinh doanh của Chương trình Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế ; “Phụ nữ kinh doanh tài ba”. Phối hợp với Hội LHPN tỉnh tổ chức các lớp tập huấn về tạo lập quản lý và khai thác quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm trong khuôn khổ Chương trình OCOP và quản lý tài chính hộ gia đình, chuyển đổi số và thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, các hội viên tích cực tham gia các mô hình kinh tế hợp tác theo chuỗi giá trị, thúc đẩy sự liên kết hợp tác giữa các hộ kinh tế cá thể, kinh tế trang trại. Nhờ đó đã có thêm 4 tổ liên kết với 62 thành viên, nâng số tổ liên kết lên 14 với 272 thành viên. Giới thiệu việc làm ổn định tại công ty, cơ sở kinh doanh cho 138 hội viên. Tiếp tục triển khai hỗ trợ sinh kế cho các hội viên khó khăn, như: gà giống và thức ăn, ngư lưới cụ, lợn giống trị giá 29,2 triệu đồng.