Hội viên CLB gạt bỏ tự ti, tự tin hơn khi tham gia các hoạt động. Ảnh: Nhân vật cung cấp (Ảnh chụp trước khi bùng phát đợt dịch lần thứ 4)
Gần 1 năm hoạt động, CLB đã giúp nhiều phụ nữ khuyết tật vượt qua tự ti, hòa nhập cộng đồng. Từ 25 thành viên ban đầu, đến nay, CLB đã có 37 thành viên, trở thành “ngôi nhà thứ hai”, giúp các chị chia sẻ tâm tư, nguyện vọng và học hỏi kiến thức, kỹ năng mới.
Chị Lê Thị Sau, Chủ nhiệm CLB cho biết, CLB hiện đang duy trì các chương trình sinh hoạt thích ứng tình hình dịch bệnh. “Chúng tôi kết hợp tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa cho chị em nhân Ngày phụ nữ Việt Nam, ngày Người khuyết tật Việt Nam. Ngoài giao lưu văn nghệ, tại buổi sinh hoạt, các chị được chia sẻ thông tin về bạo lực gia đình, quyền và lợi ích hợp pháp của người khuyết tật”.
Ban đầu, việc vận động và thuyết phục các chị em tham gia sinh hoạt rất khó khăn. Nhưng với những chương trình bổ ích, các chị đã gạt bỏ tâm lý tự ti để hòa nhập với những người đồng cảnh ngộ. “Nhiều chị vì hoàn cảnh ngặt nghèo nên chỉ ở nhà, ít tham gia các hoạt động xã hội. Bởi thế khi các chị cho mình cơ hội thay đổi, chúng tôi rất vui mừng. Có chị từ một người ít nói, an phận đã trở thành thành viên nòng cốt của CLB, từ đó động viên, thuyết phục những chị em khác tìm đến ngôi nhà thứ hai này”, đại diện CLB thông tin.
Từ khi tham gia CLB, ngôi nhà của chị Phan Thị Lương (xã Quảng Phước) rộn ràng hơn. Chị kể: “Ba mẹ lớn tuổi, ba tôi lại là người khiếm thị nên cuộc sống rất vất vả. Tôi lại không may bị khuyết tật chân, di chuyển khó khăn. Từ khi tham gia CLB, tôi nhận ra tuy kém may mắn nhưng nhiều chị em khuyết tật đều sống rất tích cực và yêu đời. Chính sự gần gũi, hòa đồng và tự tin của các chị đã truyền động lực để tôi thay đổi”.
Không chỉ chia sẻ, bày tỏ với nhau về những khó khăn, vui buồn trong cuộc sống, các chị còn động viên để cùng vươn lên. Dù nguồn quỹ hoạt động eo hẹp, chủ yếu nhờ các thành viên đóng góp 100.000 đồng/người/năm và mạnh thường quân hỗ trợ, nhưng CLB vẫn duy trì các chương trình ý nghĩa. Hơn nữa còn huy động nguồn vốn vay xoay vòng để các chị kinh doanh, buôn bán nhỏ.
Chị Lê Thị Sau cho biết, hiện CLB đang cho 2 chị vay vốn, mỗi chị 2,5 triệu đồng. Tuy số tiền không lớn nhưng nguồn vốn vừa đủ để các chị mua thêm mặt hàng bán, buôn, cải thiện thu nhập. Chị Hồ Thị Hoa, vừa bị khuyết tật chân, vừa là hộ neo đơn được tạo điều kiện để vay vốn đợt này. Nhờ nguồn vốn vay của CLB, chị sắm sửa thêm dụng cụ, mua thêm rau củ để bán ở chợ. “Sau bao năm vất vả, nhờ CLB mà tôi đã tự tin hơn để làm kinh tế, ổn định cuộc sống”, chị Hoa xúc động nói.
Không chỉ hỗ trợ về vật chất và tinh thần, các thành viên CLB còn giúp nhau học nghề như làm hoa giấy, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Thời gian tới, ngoài phát triển nguồn vốn vay, CLB sẽ tập trung vào hoạt động dạy nghề để mỗi chị em phụ nữ khuyết tật tìm hướng phát triển sinh kế phù hợp.
Cùng nhau vượt nghịch cảnh, học tập các kỹ năng, tự tin hòa nhập cộng đồng, CLB phụ nữ khuyết tật huyện Quảng Điền đã trở thành mái nhà ấm áp của nhiều chị em phụ nữ kém may mắn. Lan tỏa các hoạt động ý nghĩa, CLB từng bước giúp phụ nữ khuyết tật cải thiện cuộc sống.
Mai Huế