Năm 2020, đơn vị đã hòa giải để các cặp vợ chồng thỏa thuận được với nhau, tòa án ra quyết định thuận tình ly hôn và đình chỉ gần 83% số lượng án hôn nhân và gia đình đã thụ lý (trong đó, số lượng rút đơn, quay về xây dựng lại tổ ấm chiếm gần 21%).
Đối với địa bàn huyện miền núi, có hơn 70% đồng bào dân tộc thiểu số (chủ yếu là dân tộc Cơ Tu, và một số ít dân tộc khác sinh sống), thì đây là nỗ lực và thành công của những người làm công tác xét xử. Bởi lẽ, hạn chế về nhận thức pháp luật, hạn chế về sử dụng tiếng Kinh của các đương sự khiến công tác hòa giải gặp rất nhiều khó khăn. Một số thẩm phán, thư ký tòa án là người Kinh, không biết tiếng mẹ đẻ của các đương sự. Trong lúc đó, theo quy định, chỉ khi tại phiên tòa mới có phiên dịch.
Những cặp vợ chồng đưa nhau ra tòa phần lớn còn trẻ, từ 30- 40 tuổi. Tỷ lệ phụ nữ “đứng” đơn xin ly hôn nhiều hơn nam giới. “Tính tình không hợp” là nguyên nhân hầu hết các đương sự trình bày. Chánh án TAND huyện Nam Đông nói rằng, trước một “lý do” chung chung như vậy, những người làm công tác xét xử phải tìm hiểu “đến tận cùng” để biết thực sự cặp vợ chồng đó mâu thuẫn vì điều gì, đánh giá mức độ mâu thuẫn. Chỉ cần vợ chồng còn tình cảm, cán bộ tòa án sẽ kiên nhẫn tìm mọi cách hòa giải, để các bên rút đơn quay về xây dựng lại tổ ấm. Nếu vẫn phải “đường ai nấy đi” thì cũng phân tích thấu đáo, hòa giải để các bên “hạ nhiệt” mâu thuẫn, thỏa thuận được trong cả 3 mối quan hệ: tình cảm, tài sản, con cái, hạn chế đến mức thấp nhất sự tổn thương, đồng thời cải thiện mối quan hệ các bên sau ly hôn, góp phần ổn định trật tự trong cộng đồng.
Bản thân Chánh án TAND huyện Nam Đông, ông Hồ Minh Thược là người dân tộc Cơ Tu, nên ông đã trực tiếp hòa giải rất nhiều vụ án hôn nhân và gia đình, mà các đương sự là người Cơ Tu. “Các đương sự có thể hiểu, nhưng họ lại hạn chế trong việc diễn đạt suy nghĩ bằng tiếng Kinh. Trong khi hơn lúc nào hết, họ cần nói ra toàn bộ những khúc mắc giữa vợ chồng, những yêu cầu đối với đối phương. Khi họ đã trình bày tất cả mọi điều, chúng tôi bắt đầu phân tích, hòa giải” - ông Hồ Minh Thược nói.
Phần lớn các vụ án do người vợ đứng đơn xin ly hôn, nguyên nhân là do người chồng không tu chí làm ăn, rượu chè bê tha, thậm chí đánh đập vợ con trong lúc say xỉn. Những người làm công tác xét xử TAND huyện Nam Đông phải kiên nhẫn trong quá trình hòa giải. Hầu hết các vụ án hôn nhân & gia đình, tòa phải triệu tập đương sự đến 3 phiên hòa giải. Phân tích để người “có lỗi” nhận ra những hành xử sai trái, thiếu trách nhiệm của mình đối với gia đình, vợ con, đồng thời có thiện ý khắc phục, sửa chữa và để người “bị hại” mở lòng tha thứ, đồng ý rút đơn quay về hàn gắn tình cảm.
Chánh án TAND huyện Nam Đông Hồ Minh Thược kể, có trường hợp người vợ - nguyên đơn trong một vụ án hôn nhân và gia đình, sau khi nghe cán bộ tòa án phân tích, hòa giải, đã “hồi tâm”, đồng thời yêu cầu người chồng - bị đơn - tại tòa án phải viết bản cam kết thay đổi, dứt khoát không “dính” vào rượu chè nữa. Người chồng này thực sự biết sợ khi đứng trước “bờ vực” gia đình tan vỡ, nên sau khi được vợ tha thứ, rút đơn ly hôn, đã tu chí cùng vợ làm ăn. Từ đó gia đình họ êm ấm, kinh tế ngày càng phát triển. “Mỗi cặp vợ chồng sau quá trình hòa giải của tòa án đã rút đơn, quay trở về xây dựng tổ ấm gia đình, là thành công và hạnh phúc của chúng tôi”- những người làm công tác xét xử TAND huyện Nam Đông bày tỏ.
Quỳnh Anh