Bác Hồ với Tết trồng cây. Ảnh: TL
Cách đây 1 năm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (lúc đó là Thủ tướng Chính phủ) đã phát động trồng 1 tỷ cây xanh trên cả nước. Đến nay, chưa biết số cây trồng thêm được bao nhiêu nhưng lượng rừng bị đốt cháy, bị lâm tặc tàn phá cho thấy một lượng lớn cây bị phá hủy. Người chăm lo cho trồng cây, kẻ đi chặt cây, phá rừng là vô cùng tai hại cho an ninh trật tự, bảo vệ sinh thái và phát triển kinh tế.
Cùng với trồng cây, “sự nghiệp trồng người” được Đảng ta quan tâm và chăm lo từ trước đến nay. Thế nhưng vẫn còn đó nhiều biểu hiện xuống cấp về nhân cách, đạo đức của một bộ phận dân chúng và cán bộ, đảng viên.
Chúng ta đã có những bước tiến vượt bậc, những thành tựu to lớn hết sức tự hào trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những kết quả không thể phủ nhận đó không phải từ trên trời rơi xuống mà chính từ bàn tay, khối óc, nỗ lực của toàn dân. Trong khi hàng triệu người đang hăng hái chung sức cho xây dựng đất nước thì vẫn còn những “bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên biến chất đang làm cản bước xu thế chung.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: “Sông có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn, cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng, không có đạo đức cách mạng thì tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được Nhân dân”.
Kế thừa, phát huy truyền thống của cha ông, tiếp thu tinh hoa của nhân loại, Bác Hồ xác định, người cán bộ cần có đủ 2 yếu tố: đức và tài (hồng và chuyên). Trong đó, đức là “gốc”, là “nền tảng”. Theo Bác, người có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó. Người có tài mà không có đức thì vô dụng. Có tài mà không có đức thì tài giỏi mấy cũng không quy tụ, lãnh đạo được Nhân dân.
Quan niệm về đạo đức ngày nay được nâng tầm lên cao hơn, không phải là đạo đức thủ cựu mà là nếp sống làm việc vì lợi ích của Đảng, dân tộc, Nhân dân và của chính bản thân mình. Những đức tính cần có: “cần, kiệm, liêm, chính; chí công, vô tư”, “trung với nước, hiếu với dân”, “yêu thương con người”, “sống vì mọi người”… là những đức tính cần thiết. Đạo đức mới phải gắn với mạnh dạn đột phá, sáng tạo, không thể là như ông bụt ngồi trong chùa đã là mô phạm. Tu dưỡng phẩm chất đạo đức nhưng cũng cần rèn luyện năng lực chuyên môn vững vàng, tiếp thu khoa học đòi hỏi chất xám cao. Đại hội Đảng lần thứ XIII xác định, xây dựng đội ngũ cán bộ “6 dám”: “Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám nói, dám đột phá sáng tạo và dám đương đầu với khó khăn, thử thách”. Đây được cho là xây dựng nền đạo đức công vụ mới, trong đó đạo đức đan xen với tài năng thực chất của người cán bộ mới có thể hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Một trong những vấn đề toàn Đảng và toàn dân hiện nay quan tâm đó là chống tham nhũng, tiêu cực trong bộ máy công vụ. Một bộ phận đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo nói không đi đôi với làm, vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước, hành xử theo chủ nghĩa cá nhân.
Có người quen thuyết giáo mọi người chấp hành pháp luật, còn mình thì “đứng ngoài pháp luật, đứng trên pháp luật”. Những con người đó đã đi ngược lại bổn phận, trách nhiệm nêu gương mà Đảng ta đã xác định. Trong nhiệm kỳ khóa XII đã có 25.104 đảng viên bị kỷ luật Đảng và xử lý hình sự. Trong đó có hơn 100 cán bộ cấp cao thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, cho thấy một bộ phận cán bộ đảng viên thiếu rèn luyện đạo đức, dính vào những đại án tham nhũng.
Trồng cây gây rừng là nhiệm vụ cần thiết, nhưng sự nghiệp “trồng người” còn quan trọng và cấp thiết hơn. Cây trồng có bị sâu bệnh, cây chết có thể trồng lại, trồng thay thế, nhưng với “trồng người” - nhất là cán bộ được quy hoạch, đào tạo, giữ cương vị cao biến chất, không chỉ tai hại trước mắt mà còn nguy hiểm lâu dài.
Đại hội Đảng lần thứ XII đã đưa phạm trù “đạo đức” làm 1 trong 4 thành tố để xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đã được thực hiện trong suốt thời gian qua. Vấn đề quan trọng là phải được thực thi hiệu quả trên thực tế ở mọi cấp, với mỗi người cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược.
NGUYỄN AN HÒA