ClockThứ Bảy, 16/02/2019 08:39

40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc: Máu đã đổ trên khắp dải biên cương

Mùa xuân năm 1979, quân và dân 6 tỉnh biên giới phía Bắc, trong đó có các tỉnh Lào Cai, Yên Bái ngày nay, đã anh dũng chiến đấu bảo vệ biên giới Tổ quốc thiêng liêng. Cuộc chiến đã lùi xa 40 năm, nhưng ký ức đau thương của những ngày tháng đó vẫn hằn sâu trong tâm trí nhân dân các dân tộc vùng cao Tây Bắc.

Ngày nay, khép lại quá khứ đau thương ấy, trên vùng đất biên cương Lào Cai, cuộc sống của đồng bào đã ổn định và ngày càng phát triển, vùng biên giới hữu nghị đã và đang mở ra cho Lào Cai phát triển kinh tế.

5h45 phút ngày 17/2/1979, quân đội Trung Quốc dùng các loại pháo lớn đồng loạt tấn công 6 tỉnh biên giới phía Bắc nước ta. Ở tỉnh Hoàng Liên Sơn (cũ) nay là tỉnh Lào Cai, Yên Bái, quân Trung Quốc tập trung bắn phá vào các đồn biên phòng, các mục tiêu phòng thủ từ Pha Long đến A Mú Sung. Bộ binh Trung Quốc vượt sông Hồng đánh chiếm các khu vực làng Hang, Quang Kim, Bát Xát.

Chiến sĩ Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Đoàn H54 bộ đội địa phương tỉnh Hoàng Liên Sơn dũng cảm giữ chốt, tiêu diệt hàng trăm tên địch trong ngày 17/2/1979. Ảnh: Nguyễn Trân - TTXVN

Chúng tôi lên Pha Long sau những ngày Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Cách cổng đồn biên phòng Pha Long chừng 500m là nghĩa trang liệt sĩ, nơi yên nghỉ của những người lính biên phòng đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc.

Trong số những ngôi mộ có ghi danh và ngày hy sinh thì vẫn còn những phần mộ trên bia đá khắc rõ “Liệt sĩ chưa biết tên”.

Chính nơi này 40 năm về trước là điểm đóng quân của Đồn 133, Công an vũ trang Hoàng Liên Sơn (nay là đồn biên phòng Pha Long - Bộ đội Biên phòng Lào Cai).

Trong buổi sáng ngày 17/2/1979, cả Sư đoàn bộ binh Trung Quốc có xe tăng và pháo binh yểm trợ đã bất ngờ tấn công vào Mường Khương, bao vây Đồn 133. Tuy nhiên, chúng đã vấp phải sự chống trả quyết liệt của những chiến sĩ biên phòng Pha Long.

Trong 4 ngày kiên cường chiến đấu cán bộ chiến sĩ đồn biên phòng Pha Long đã tiêu diệt 740 tên địch, thu 30 khẩu súng, 120 quả lựu đạn cùng 3.023 viên đạn các loại. 

Ông Mai Khánh Thát (nguyên Đồn trưởng Đồn biên phòng Pha Long) kể lại: Trên hướng Mường Khương, Pha Long, Đồn công an vũ trang (CAVT) Pha Long đã phối hợp với Đại đội 3 cơ động chiến đấu mưu trí kiên cường, dũng cảm. Quân Trung Quốc cùng xe cơ giới tiến công vào Trạm biên phòng Lồ Cô Chin, 7 chiến sĩ biên phòng dưới sự chỉ huy của Thiếu úy chuyên nghiệp Hà Văn Sặn đã đợi địch tiến gần mới nổ súng. 

Ngay từ loạt đạn đầu, các chiến sĩ biên phòng đã quật ngã hàng chục tên địch, nhiều lần địch xung phong vào Trạm biên phòng đều bị chặn đứng. Địch tập trung các loại hỏa lực mạnh tiến công dồn dập vào trận địa của ta. Trạm trưởng Hà Văn Sặn và 3 chiến sỹ hy sinh, số anh em còn lại phải rút về đồn cùng đơn vị chiến đấu.

Cuộc chiến ở đồn Pha Long rất quyết liệt. Trong ba ngày từ 17 - 20/2/1979, địch tổ chức tiến công hơn 20 lần với hy vọng đè bẹp sức kháng cự của các chiến sỹ biên phòng. Mặc dù thông tin liên lạc bị cắt đứt, vũ khí đạn dược thiếu thốn, lương thực thực phẩm cạn dần, nhưng cán bộ chiến sĩ đồn Pha Long vẫn động viên nhau lấy súng của địch đánh địch.

Có ngày bộ đội biên phòng Pha Long và địch giành giật nhau từng mô đất, từng đoạn giao thông hào, dũng cảm chiến đấu để giữ vững trận địa.

Tối 19/2/1979, đơn vị tổ chức chôn cất liệt sĩ rồi rút về cố thủ tại pháo đài. Tại đây các chiến sĩ biên phòng tổ chức chiến đấu chống lại quân Trung Quốc. Trong lúc khó khăn bốn bề bị địch vây chặt, Thượng sĩ Lê Khắc Xuân, đồn biên phòng Pha Long vừa tổ chức đánh địch vừa động viên cán bộ chiến sĩ dù còn một người cũng phải chiến đấu, nhất định không chịu đầu hàng địch.

Đến 20/2/1979 được sự nhất trí của Ban Chỉ huy CAVT tỉnh, đơn vị lợi dụng địch canh gác sơ hở đã đưa toàn bộ thương binh rút ra an toàn. 

Cựu chiến binh Lê Văn Định, thị trấn Mường Khương, huyện Mường Khương kể lại: Trong ngày 17/2/1979, cả 8 đồn biên phòng và hai đại đội cơ động của CAVT Hoàng Liên Sơn đều nổ súng đánh địch, một số đơn vị mất liên lạc ngay từ phút đầu. Trong điều kiện Ban Chỉ huy tỉnh ở xa, các đơn vị đều phải độc lập chiến đấu theo phương án đã định trước. Ở các đồn CAVT, địch đều dùng trên dưới 1 tiểu đoàn để tấn công vào mỗi đồn. Ngay từ phút đầu địch đã bao vây tiến công chiếm giữ các điểm cao, chia cắt không cho các chốt biên phòng chi viện cho nhau. 

Đồn Na Lốc, Mường Khương chiến đấu đánh địch ngay từ chiều 16/2/1979. Đến trưa ngày 17/2/1979, địch ồ ạt tấn công vào các đồn, cán bộ, chiến sĩ cả hai đơn vị đều chiến đấu dũng cảm, tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Mặc dù lực lượng của địch đông gấp nhiều lần, lại được xe tăng, pháo binh chi viện, nhưng cả hai đơn vị vẫn bình tĩnh kiên quyết chống trả, bảo vệ địa bàn.

Đồn biên phòng Nậm Chảy cũng là đơn vị chiến đấu kiên cường; vừa tổ chức vũ trang chiến đấu đẩy lùi các đợt tiến công của địch vừa bám sát địa bàn, bám dân, bám cơ sở. Thượng úy, đồn trưởng Hoàng Minh Ất vừa họp xong ở tỉnh, nghe tin địch tấn công biên giới đã nhanh chóng cắt rừng về chỉ huy đơn vị chiến đấu.

Cán bộ chiến sĩ đồn Nậm Chảy đã lợi dụng địa hình thiên nhiên để chiến đấu làm cho kẻ địch phải khiếp sợ. Vừa chiến đấu với địch, đồn Nậm Chảy vừa củng cố chính quyền nhân dân, cùng trung đội dân quân địa phương đánh địch bảo vệ làng bản đến cùng.

Trên đường rút lui, từ ngày 7 - 10/3/1979, địch tập trung lực lượng đánh ác liệt hòng tiêu diệt lực lượng của ta nhưng các đợt tiến công đều bị các mũi súng chính xác của đồn Nậm Chảy vô hiệu hóa. Trước cửa hang “ông Ất” (người dân lấy tên đồng chí Hoàng Minh Ất để đặt tên cho một cái hang ở địa phương) phơi đầy xác địch. Tiến công nhiều lần không được, địch cho bộc phá đánh sập cửa hang nhưng toàn bộ lực lượng của ta đã kịp thời rút ra cửa khác an toàn.

Trải qua hơn 20 ngày đêm chiến đấu đồn CAVT Nậm Chảy đã tiêu diệt 260 tên địch, bắn cháy 1 xe vận tải của địch, giữ vững địa bàn. Khi địch rút đi, đồn Nậm Chảy lại tiếp tục vận động nhân dân ổn định sản xuất, vệ sinh môi trường.

Song, sau những ngày diễn ra trận chiến hầu hết các cơ sở công nghiệp, nông lâm trường, xí nghiệp bệnh viện, trường học, kho tàng và các công trình thủy lợi đều bị phá hủy. Hậu quả của chiến tranh rất nặng nề, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân các dân tộc huyện Sa Pa, Bát Xát, Mường Khương, Bảo Thắng, và thị xã Lào Cai (cũ), Cam Đường. 

Tất cả các cơ sở kinh tế đều bị phá hủy, nhà cửa bị san phẳng, không có khả năng phục hồi. 67 xã, khu phố trên tổng số 90 xã, khu phố bị tàn phá ở Lào Cai bị tàn phá, trong đó huyện Mường Khương có 21/24 xã bị quân Trung Quốc tràn qua chiếm đóng, có những thôn như Lồ Sử Thành, Tả Chu Phùng hầu như bị hủy diệt hoàn toàn. 

Theo TTXVN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lan tỏa mạnh mẽ tình yêu biên cương Tổ quốc

Được các địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh sôi nổi, hưởng ứng, tham gia; là hoạt động có sức lan tỏa mạnh mẽ, tạo đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân về truyền thống đoàn kết quân - dân, truyền thống anh hùng của Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh qua 60 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và phát triển, là thành công của các cuộc thi.

Lan tỏa mạnh mẽ tình yêu biên cương Tổ quốc
Tháng Tám tròn trăng ở biên cương

Không gian lắng đọng lại, thời gian như ngừng trôi để lưu giữ những khoảnh khắc xúc động, đong đầy yêu thương tại đêm hội trăng rằm trên mảnh đất biên cương.

Tháng Tám tròn trăng ở biên cương
Biên cương rộn rã đêm hội trăng rằm

Tối 10/9, tại nhà sinh hoạt cộng đồng thôn A5, xã Hồng Vân (A Lưới), Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy tổ chức chương trình “Biên cương đêm hội trăng rằm” lần thứ hai năm 2024, mang đến một mùa Trung thu đáng nhớ cho trẻ em vùng cao. Chương trình có sự đồng hành của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và nhà hảo tâm.

Biên cương rộn rã đêm hội trăng rằm
Xây dựng biên cương vững chắc

Thực hiện phong trào Thi đua Quyết thắng giai đoạn 2019 – 2024, Đồn Biên phòng Hương Nguyên liên tục đạt danh hiệu đơn vị “Quyết thắng”; đơn vị “Vững mạnh, mẫu mực, tiêu biểu”, chung sức cùng lực lượng bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh xây dựng “thành trì” biên cương vững chắc, vinh dự được Bộ Tư lệnh BĐBP và UBND tỉnh tặng Bằng khen.

Xây dựng biên cương vững chắc
Những nẻo đường biên cương hoa nở

Để những con đường biên cương hoa nở, đã có rất nhiều trách nhiệm, tình cảm, tâm huyết, mồ hôi của Bộ đội Biên phòng (BĐBP) nói chung, đặc biệt là tuổi trẻ BĐBP.

Những nẻo đường biên cương hoa nở
Return to top