1. Giảm số lượng của cán bộ, công chức cấp xã
Từ ngày 25/6/2019, Nghị định 34/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố sẽ chính thức có hiệu lực.
Ảnh minh họa
Theo Nghị định mới này, số lượng cán bộ, công chức cấp xã được giảm xuống chỉ còn:
- Loại 1: Tối đa 23 người (trước đây là 25 người)
- Loại 2: Tối đa 21 người (trước đây là 23 người)
- Loại 3: Tối đa 19 người (trước đây là 21 người).
Đối với xã, thị trấn bố trí Trưởng công an xã là công an chính quy thì số lượng cán bộ, công chức nêu trên giảm 1 người.
Số lượng cán bộ, công chức cấp xã bao gồm cả cán bộ, công chức được luân chuyển, điều động, biệt phái về cấp xã…
2. Say rượu có thể không được lên máy bay
Tại Thông tư 13/2019/TT-BGTVT, Bộ Giao thông Vận tải cho phép các hãng hàng không có thể từ chối chở hành khách mất khả năng làm chủ hành vi do sử dụng rượu, bia hoặc các chất kích thích khác.
Với các trường hợp hành khách bị bệnh tâm thần, việc chấp nhận chở hay không do đại diện hãng hàng không đánh giá và quyết định.
Nếu chấp nhận chở hành khách bị bệnh tâm thần, phải đáp ứng các yêu cầu như có bác sĩ hoặc thân nhân đi kèm có khả năng kiềm chế được hành vi bất thường của khách…
Thông tư có hiệu lực từ ngày 1/6/2019.
3. Thay đổi thời gian tập sự của giáo viên
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 09/2019/TT-BGDĐT bãi bỏ Thông tư 31/2018/TT-BGDĐT quy định thời gian tập sự theo chức danh nghề nghiệp giáo viên, giảng viên trong các cơ sở giáo dục công lập.
Thay vào đó, thời gian tập sự trong trường hợp này được thực hiện theo quy định tại khoản 11 Điều 2 Nghị định 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ.
Ảnh minh họa
Cụ thể:
- 12 tháng với chức danh yêu cầu tiêu chuẩn trình độ đào tạo đại học
- 9 tháng với chức danh có yêu cầu tiêu chuẩn trình độ đào tạo cao đẳng
- 6 tháng với chức danh yêu cầu tiêu chuẩn trình độ đào tạo trung cấp
Thông tư 09/2019/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 29/6/2019.
4. Phá hủy công trình bảo vệ rừng bị xử phạt đến 25 triệu đồng
Đây là nội dung đáng chú ý được quy định tại Nghị định 35/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Lâm nghiệp.
Nghị định 35 nêu rõ phạt tiền từ 10.000.000 - 25.000.000 đồng đối với một trong các hành vi đập phá bảng tuyên truyền bảo vệ rừng, chòi canh lửa rừng, nhà làm việc, tài sản, phương tiện dùng trong việc tuần tra bảo vệ rừng; làm hư hỏng các công trình khác phục vụ công tác bảo vệ và phát triển rừng.
Ngoài ra văn bản còn quy định mức xử phạt đối với một số hành vi đáng chú ý khác như:
Phạt tiền từ 500.000 - 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Viết, vẽ, xóa các thông tin, hình ảnh trên các biển báo, biển cảnh báo, bảng tuyên truyền bảo vệ rừng;
Phạt tiền từ 1.000.000 - 5.000.000 đồng đối với hành vi tháo dỡ biển báo, biển cấm, biển chỉ dẫn bảo vệ rừng;
Phạt tiền từ 5.000.000 - 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau: Đào phá đường lâm nghiệp, đường tuần tra bảo vệ rừng; phá đường ranh cản lửa, kênh, mương, cống, đập ngăn nước, bể, hồ chứa nước phòng cháy và chữa cháy rừng; phá hàng rào, cọc mốc ranh giới khu rừng, tiểu khu, khoảnh và lô rừng.
Nghị định 35/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/6/2019.
5. Vận động viên giải nghệ được hỗ trợ học nghề, tạo việc làm
Từ ngày 14/6/2019, những vận động viên giải nghệ sẽ được hỗ trợ học nghề, tạo việc làm theo quy định tại Nghị định 36/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao.
Cụ thể, vận động viên đội tuyển thể thao quốc gia, đội tuyển thể thao ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khi thôi làm vận động viên nếu có nhu cầu đào tạo nghề và đủ điều kiện thì được hỗ trợ đào tạo nghề.
Riêng vận động viên đạt huy chương tại Olympic Games, ASIAD, SEA Games được ưu tiên xét tuyển đặc cách vào làm việc tại các cơ sở thể thao công lập phù hợp với vị trí việc làm cần tuyển dụng; được cộng điểm ưu tiên trong tuyển dụng tại các cơ sở thể thao; được hưởng 100% lương trong thời gian tập sự…
Theo Dân việt