ClockChủ Nhật, 16/04/2017 10:24

Cần triển khai hoạt động nghiên cứu nguy cơ bùng phát tảo nở hoa

TTH - Để làm rõ nguyên nhân, cảnh báo hiện tượng xuất hiện các vệt nước màu đỏ, vàng với tần suất tương đối lớn tại một số vùng biển ở Phú Lộc trong thời gian gần đây, Thừa Thiên Huế Cuối tuần có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Việt Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh và TS. Lương Quang Đốc - Trưởng bộ môn Tài nguyên sinh vật và Môi trường - Khoa Sinh học (Trường ĐHKH Huế).

Sự phát triển của tảo Giáp Gonyaulax polygramma gây nên vệt nước vàng ở vùng biển Cảnh Dương (Phú Lộc)Xác định nguyên nhân xuất hiện vệt nước đỏ ven biển 3 tỉnh miền TrungDo sự xuất hiện của tảo dị dưỡng Noctiluca scintillans

* Nguyên nhân ban đầu của hiện tượng vệt nước đỏ, vàng ở một số vùng biển Lăng Cô, Cảnh Dương, Chân Mây (Phú Lộc) được xác định lần lượt do loài tảo Noctiluca scintillans và tảo Giáp Gonyaulax polygramma phát triển mạnh. Vì sao gần đây các loài tảo này lại xuất hiện với số lượng lớn như vậy?

TS. Lương Quang Đốc​

T.S Lương Quang Đốc: Những yếu tố dẫn đến sự bùng phát mật độ tảo thường liên quan đến nồng độ các chất dinh dưỡng hòa tan trong môi trường nước và các yếu tố môi trường khác phù hợp với sự phát triển của loài như nhiệt độ, ánh sáng, độ muối, sự vận động của cột nước… Để tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến hiện tượng tảo nở hoa, trước hết phải bắt đầu từ việc đánh giá các điều kiện dinh dưỡng và môi trường nêu trên. Hơn nữa, hai loài tảo trên, một là tảo dị dưỡng (Noctiluca scintillans ăn tảo và các sinh vật nhỏ khác) và một là loài tạp dưỡng (Gonyaulax polygramma vừa có khả năng quang hợp, vừa dị dưỡng), nên bên cạnh việc đánh giá các điều kiện dinh dưỡng, môi trường cần phải đánh giá thêm thành phần thức ăn của chúng. Nói cách khác, cần phải biết có hay không sự thay đổi điều kiện dinh dưỡng hòa tan, các yếu tố môi trường nước có liên quan và sự biến động thành phần sinh vật phù du trong nước thì mới có thể làm rõ nguyên nhân dẫn đến hiện tượng tảo nở hoa này.

Ông Nguyễn Việt Hùng: Đây là hiện tượng bình thường, vì theo kinh nghiệm của người dân, hiện tượng này trước đây từng xuất hiện. Tuy nhiên, điểm đặc trưng là tần suất xuất hiện và số lượng dày đặc hơn. Nguyên nhân chính vẫn do nguồn nước giàu amoni, ni-tơ, hay nói nôm na là do tảo phát triển trong điều kiện đặc thù nhất định có những nguồn thải giàu chất dinh dưỡng.

* Theo phân tích, ô nhiễm hữu cơ dư thừa là nguyên nhân gây xuất hiện tảo. Vậy tác nhân từ hoạt động vận tải, sản xuất, dịch vụ ở Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô (KKT) hay từ nuôi trồng thủy hải sản (NTTS)...?

Ông Nguyễn Việt Hùng: Thực ra, để xác định chính xác do nguồn thải nào là rất khó. Nếu nói xuất phát từ KKT chưa hẳn đúng. Vì tỷ lệ sản xuất ở KKT không nhiều và rất ít các loại hình sản xuất phát sinh chất thải có lưu lượng lớn, hàm lượng amoni cao. Tuy nhiên, có khả năng nguồn thải theo các dòng hải lưu từ những vùng lân cận có NTTS với mật độ dày, tạo ra môi trường ni-tơ cao trôi về. Do đó, NTTS là đối tượng cần lưu ý số một, kể cả chăn nuôi gia súc gia cầm, nuôi tôm công nghiệp tập trung ven biển.

TS. Lương Quang Đốc: Đây là những loài thường gặp ở các vùng ven biển Việt Nam, chỉ khi điều kiện dinh dưỡng và môi trường phù hợp thì chúng mới bùng phát. Thông thường, các điều kiện vật lý, các yếu tố sinh thái ổn định theo chu kỳ hàng năm và điều kiện về dinh dưỡng được cho là yếu tố quan trọng dẫn đến tảo bùng phát. Đây cũng được xem như là sự điều chỉnh của thiên nhiên đối với tác động từ các hoạt động của con người hay tự nhiên. Do đó, muốn trả lời nguyên nhân do đâu, cần phải có sự đánh giá đầy đủ diễn biến, tải lượng của nguồn thải và vị trí, môi trường tiếp nhận nguồn thải, nhất là nguồn cung cấp các chất dinh dưỡng.

* Nhưng tại sao hiện tượng vệt nước màu đỏ, vàng chỉ xuất hiện tập trung ở một số vùng biển Phú Lộc mà không có ở những vùng biển khác của tỉnh?

TS. Lương Quang Đốc: Hiện tượng này hiện mới chỉ ghi nhận ở vịnh Chân Mây và vịnh Lăng Cô. Các vịnh này được các mỏm núi che chắn nên khá êm lặng, dòng chảy hạn chế hơn so với các khu vực bãi ngang. Tảo phát triển bùng phát là hiện tượng tự nhiên, nhưng tới mức nở hoa, thay đổi màu nước thường diễn ra trong các vũng, vịnh vì không bị tác động mạnh của dòng hải lưu khiến chúng trôi đi nhanh chóng. Do đặc điểm địa hình nên khả năng tích tụ dinh dưỡng trong các vũng, vịnh thường cao hơn so với biển khơi hoặc các khu vực trống trải khác, chưa kể các khu vực này thường là những nơi tiếp nhận chất thải từ các hoạt động ven bờ và trong lục địa.

Ông Nguyễn Việt Hùng

Ông Nguyễn Việt Hùng: Những nguồn thải có thể từ các vùng biển phía bắc như Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, thậm chí ở tỉnh lân cận theo các dòng hải lưu, kết hợp tác động địa lý, cấu tạo địa hình, địa chất hoặc những yếu tố thủy hải văn khác trôi về và đọng lại ở vùng biển Cảnh Dương, Lăng Cô. Hiện tượng nước biển màu đỏ vừa qua xuất hiện kể cả ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Đà Nẵng. Tuy nhiên, ở Thừa Thiên Huế xuất hiện mật độ cao hơn, có nhiều màu đặc trưng hơn (đỏ, vàng), nên về mặt khoa học chắc chắn có tính phức tạp, đặc thù riêng.

* Có một số nghi vấn do "dư âm" của sự cố Formosa?

TS. Lương Quang Đốc: Khi xảy ra sự cố môi trường biển, đã có nhiều ý kiến cho rằng hệ lụy của nó sẽ còn kéo dài, không chỉ đơn thuần là sự tích tụ rồi pha loãng độc chất trong môi trường biển mà tác động của nó có thể dẫn đến những diễn biến bất thường khác, chẳng hạn tảo nở hoa. Sau gần một năm, hiện tượng tảo nở hoa cũng đã diễn ra đồng loạt tại các tỉnh miền Trung, nên nghi vấn về “dư âm” này được nhiều người đặt ra là điều bình thường. Tuy nhiên, để có câu trả lời đúng cần có cơ sở khoa học dựa trên những số liệu quan trắc diễn biến môi trường và điều kiện dinh dưỡng trong nước biển ở các khu vực bị tác động, có gì khác hay không so với trước khi sự cố môi trường biển xảy ra hay xu hướng biến động như thế nào. Có thể số liệu từ chương trình quan trắc môi trường thường niên và kết quả quan trắc tăng cường ở các tỉnh sẽ giúp làm sáng tỏ phần nào nghi vấn này nếu được phân tích đầy đủ. Cũng cần xem xét thêm, liệu có sự khác biệt nào nữa về nguồn thải hay nguồn bổ sung dinh dưỡng tại các khu vực xuất hiện tảo nở hoa.

Ông Nguyễn Việt Hùng: Nếu nói sự cố Formosa là “dư âm” gây ra hiện tượng tảo nở hoa về mặt khoa học không logic. Vì các chất thải của Formosa phần lớn là chất thải hóa học. Sự cố Formosa làm thiệt hại môi trường quá lớn, nên cũng có thể nói đây là “dư âm” khiến người dân chú ý, cảnh giác, lo sợ khi thấy hiện tượng nước biển đổi màu bất thường.

* Liệu chúng ta có thể tiên lượng được chất lượng nước biển cũng như sự xuất hiện các loài tảo nào khác để có dự báo, cảnh báo sớm?

TS. Lương Quang Đốc: Trong môi trường nước biển luôn tồn tại nhiều loài tảo có khả năng phát triển nở hoa gây hại và sản sinh độc tố sinh học, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của động vật cũng như con người. Các loài phát triển nở hoa gây hại vừa qua không sản sinh độc tố, đây là điều may mắn bởi tác động của nó mới chỉ dừng lại ở mức làm thay đổi cảnh quan, môi trường và khiến cá chết cục bộ quy mô nhỏ. Tuy nhiên, điều không may là sự nở hoa của tảo lại có thể diễn ra chuỗi, khi một loài nở hoa có nghĩa môi trường đã phú dưỡng, và sản phẩm phân hủy của chúng đôi khi lại là nguồn dinh dưỡng cho các loài khác, nên khả năng sẽ tiếp tục xảy ra hiện tượng này.

Ông Nguyễn Việt Hùng: Hiện tượng này là một trong những dạng "chỉ thị" cảnh báo môi trường, báo hiệu nguồn nước dư thừa chất hữu cơ. Để đánh giá nguyên nhân cần có sự phân tích động thái của chúng, nhưng hiện chúng tôi, kể cả đơn vị nghiên cứu khoa học chưa tiếp cận được số liệu quan trắc môi trường theo thời gian nên chưa thể có nhận định chính xác. Chúng tôi đã gửi mẫu ra trung tâm quan trắc trung ương hỗ trợ phân tích đầy đủ nhằm tìm nguyên nhân về mặt khoa học sâu hơn, để có định hướng phù hợp với thực tế địa phương.

* Các ông có khuyến cáo gì để hạn chế cũng như đối phó với sự xuất hiện các loài tảo có thể gây hại đến môi trường, thủy sinh, phát triển kinh tế?

Ông Nguyễn Việt Hùng: Hiện nay, hạ tầng, kỹ thuật nuôi, hệ thống xử lý chất thải hầu như chưa đảm bảo, nhất là của các hộ nuôi cá thể. KKT lại chưa có hạ tầng về thoát nước và xử lý nước thải tập trung mà chỉ có hệ thống xử lý độc lập của từng nhà máy. Việc chưa có hạ tầng xử lý tại đây là điều cần được lưu ý. Cơ quan quản lý KKT cần có kế hoạch đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật về môi trường đảm bảo đúng quy định. Về phía Sở TN&MT sẽ tăng cường kiểm tra các loại hình hoạt động xả thải ra môi trường biển, ven phá; đồng thời yêu cầu các cơ sở hoàn thành hệ thống xử lý và có phương án cải tạo.

TS. Lương Quang Đốc: Đối với chính quyền, cần triển khai hoạt động nghiên cứu về nguy cơ bùng phát tảo nở hoa và tảo độc hại trên địa bàn, làm cơ sở cho việc xây dựng chương trình quan trắc môi trường và tảo độc hại nhằm quản lý tốt hơn môi trường biển và hạn chế tác hại do tảo gây ra, thiết lập hệ thống cảnh báo tảo độc hại ở các vùng ven biển, tập trung vào những nơi tảo đã từng nở hoa và những nơi trọng điểm của hoạt động nuôi trồng, khai thác thủy sản vùng ven bờ để giúp phản ứng nhanh trong việc ứng phó với các sự cố môi trường và tảo độc hại. Người dân cũng cần trao đổi thông tin khi phát hiện những hiện tượng lạ trên biển hoặc có vấn đề sức khỏe sau khi tiêu thụ sản phẩm thủy sản, tiếp xúc với nước biển.

Xin cảm ơn hai ông về cuộc trao đổi!

HOÀI THƯƠNG (Thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tăng hiệu quả chăm sóc và điều trị trong lĩnh vực Nhi khoa

Ngày 1/11, hội nghị Nhi khoa toàn quốc lần thứ 25 khai mạc với chủ đề “Từ khoa học đến chính sách và thực tiễn”. Hội nghị có sự tham dự của UVTV Tỉnh ủy, Phó chủ tịch Thường trực UBND Tỉnh Nguyễn Thanh Bình; ông Đinh Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Bà mẹ Trẻ em, Bộ Y tế; PGS.TS. Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, Chủ tịch hội Nhi khoa Việt Nam; PGS.TS Trần Kiêm Hảo, Giám đốc sở y tế cùng hàng trăm bác sĩ, chuyên gia trong ngoài nước, nhà quản lý, hội viên Hội Nhi khoa Việt Nam…

Tăng hiệu quả chăm sóc và điều trị trong lĩnh vực Nhi khoa
Triển khai các giải pháp góp phần thực hiện Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn

Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1018/QĐ-TTg ngày 21/9/2024. Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, Bộ đã và đang thực hiện 5 giải pháp để góp phần thực hiện thành công Chiến lược này.

Triển khai các giải pháp góp phần thực hiện Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn
Return to top