Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu và Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ theo dõi tình hình cháy rừng thông ở Hương Hồ (Hương Trà) chiều tối 28/6
Lo gió, sợ đạn
Trước đó, lúc 10h40, ngọn lửa đã thiêu rụi một diện tích rừng trồng của người dân phường Thủy Châu.
Khi điểm lửa đầu tiên xuất hiện ở rừng thông thuộc khoảnh 5 và 6, tiểu khu 151 cũng là thời điểm gió Nam thổi mạnh. Trời nắng, khô hạn kéo dài cộng thêm thảm thực bì dày của rừng thông đã vượt qua đường ranh ngăn lửa.
Đến 11h30, hơn 200 cán bộ, chiến sĩ thuộc Trung đoàn 6 và Ban CHQS thị xã Hương Thủy cùng các phương tiện chữa cháy đã xuất hiện, nâng tổng số người tham gia dập lửa gần 500 người. Sau gần 30 phút khẩn trương, cấp tốc chữa cháy, thế lửa giảm dần rồi tắt. “Gió Nam ngày càng mạnh, khả năng lửa lại bùng phát nên phải theo dõi cẩn thận” – Thiếu tá Nguyễn Mạnh Tuấn – Phó Tham mưu trưởng Trung đoàn 6, Bộ CHQS tỉnh nói.
Đúng như lo lắng, đến 15h, sau một vài đám cháy nhỏ, rải rác, một đám cháy lớn tiếp bùng phát dữ dội. Lúc này, chính quyền phường Phú Bài đã cấp tốc di dời 4 hộ dân ở tổ 8 sinh sống gần đó đến nơi an toàn. Một giờ sau, “giặc lửa” đã làm cháy trụi một khoảnh rừng thông rộng lớn và chưa có dấu hiệu dừng lại, trong khi 2 xe cứu hỏa vẫn không thể tiếp cận sát hiện trường do đường hẹp, dốc và không có nơi quay đầu.
Trước tình hình này, lực lượng PCCC cùng cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh khẩn trương đấu nối vòi cứu hỏa và cùng các lực lượng điều khiển vòi phun với chiều dài gần 500m chống đỡ với “bà hỏa”.
“Lo cháy lớn đã đành, sợ nhất là bom đạn ẩn dưới lòng đất gặp lửa phát nổ”, ông Lê Ngọc Sơn – Chủ tịch UBND TX. Hương Thủy lo âu.
Phải đấu nối gần 500m, vòi cứu hỏa mới tới nơi lửa cháy
An toàn là trên hết
Ở ngọn núi cách đó gần 1km thuộc khoảnh 4, tiểu khu 152, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bùi Thanh Hà đã có mặt từ lâu để cùng với lực lượng chữa cháy bàn phương án khống chế ngọn lửa đang như một vành đai giữa lưng chừng núi.
“Chia quân, lên phương án cụ thể và tích cực, khẩn trương chống giặc lửa nhưng đồng thời phải đảm bảo an toàn cho anh em. Người nào quá sức phải nhanh chóng nhờ đồng đội ứng cứu… Nước uống, lương thực tiếp tế ngay để anh em có sức…”, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bùi Thanh Hà khẩn trương dặn dò.
Đám cháy lưng chừng núi khiến xe chữa cháy và vòi cứu hỏa không thể phát huy tác dụng. Trước tình hình này, lực lượng của Bộ CHQS tỉnh tiếp tục trở thành chủ công, phối hợp với các lực lượng có mặt vượt núi dập lửa.
Đến 16h chiều cùng ngày, ông Hoàng Phước Toàn – Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Hương Thủy thông tin, vụ cháy rừng diễn ra từ trưa 28/6 đến sáng 29/6 đã gây thiệt hại sơ bộ từ 30-35 ha rừng thông nhựa thuộc đơn vị quản lý có tuổi 40 năm đổ lại (trồng từ giai đoạn 1979-1983). “Đến thời điểm hiện tại lửa đã được khống chế. Hiện các lực lượng kiểm lâm, bảo vệ rừng vẫn tiếp tục trực chiến ở những địa điểm có nguy cơ dễ cháy, đồng thời đo đạc, kiểm tra thiệt hại".
Như vậy, trong 3 ngày 26, 27 và 28/6, liên tiếp xảy ra cháy rừng ở Thủy Dương, Thủy Châu, Thủy Phương và Phú Bài. “Chưa năm nào Hương Thủy lại xảy ra cháy rừng liên tục và ở nhiều địa điểm như năm nay”, ông Lê Ngọc Sơn – Chủ tịch UBND TX. Hương Thủy cảm thán.
Hỏa hoạn bùng phát nhiều nơi
Cũng trong thời điểm Hương Thủy xảy ra cháy rừng thì tại phường Hương Hồ (TX.HươngTrà), có hơn 30 ha rừng thông, keo tràm cũng bị cháy, nâng tổng số diện tích thông và keo, tràm bị thiệt hại ở 2 nơi lên khoảng 82ha trong thời gian ngắn.
Nguyên nhân bước đầu được ông Nguyễn Đại Anh Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh khẳng định do nắng nóng khiến đạn lân tinh (sót lại sau chiến tranh) phát nổ.
Trước đó (trưa 26/6), một vụ cháy rừng nghiêm trọng xảy ra tại vùng rú cát xã Quảng Lợi (Quảng Điền) khiến hàng chục ha rừng bị thiêu rụi. Nguyên nhân được xác định là do ngọn lửa lan từ một đám cháy vùng trang trại rú cát của xã Phong Hiền (Phong Điền). Phải đến 16h37 phút cùng ngày, các lực lượng mới khống chế, dập tắt được đám cháy.
Ông Nguyễn Đại Anh Tuấn đánh giá, các lực lượng đã chủ động triển khai biện pháp ngăn chặn, không để ngọn lửa kéo dài. Hạt Kiểm lâm các huyện, thị xã kịp thời thông tin liên lạc, đảm bảo thông suốt trong quá trình chỉ huy và triển khai các biện pháp phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR). Các phương tiện, dụng cụ phục vụ PCCCR của các đơn vị chủ rừng được chuẩn bị sẵn sàng, cơ bản đáp ứng yêu cầu công tác ứng phó.
Tuy nhiên, điều lo ngại là mùa nắng nóng còn dài, khắc nghiệt, trong khi đó sự phối hợp giữa các đơn vị chủ rừng, cơ quan chức năng chưa thật sự chặt chẽ dẫn đến việc triển khai hoạt động nâng cao ý thức, trách nhiệm cho người dân vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Một số nơi thường xuyên xảy ra tình trạng đốt nương làm rẫy, đốt thực bì để trồng rừng, sử dụng lửa ven rừng và trong rừng chưa được kiểm soát chặt chẽ khiến nguy cơ cháy rừng rất cao...
“Các đơn vị chủ rừng, các hộ sản xuất cần thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm tra nhằm sớm phát hiện và xử lý kịp thời các dấu hiệu cháy rừng, hạn chế tối đa nguy cơ lửa bùng cháy diện rộng. Các trang thiết bị, dụng cụ, hóa chất, nhiên liệu, nước... cần được chuẩn bị sẵn sàng, kịp thời ứng phó khi phát hiện cháy rừng. Các lực lượng kiểm lâm phối hợp với các địa phương tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân trong việc bảo vệ rừng, quản lý, giám sát chặt chẽ trong quá trình đốt vàng mã, đốt thực bì, vệ sinh rừng...”, ông Tuấn nói.
Bộ NN&PTNT kiểm tra công tác PCCC rừng
Ngày 30/6, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Công Tuấn cùng đoàn công tác của bộ đã có buổi đi kiểm tra và làm việc với lãnh đạo tỉnh về công tác PCCC rừng trên địa bàn tỉnh.
Thứ trưởng Hà Công Tuấn đánh giá cao sự cố gắng của các cấp, ngành của Thừa Thiên Huế trong công tác PCCC rừng; đặc biệt đã nhanh chóng dập tắt được 3 vụ cháy rừng lớn vào cuối tháng 6/2019 không để cháy lan ra diện rộng.
Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho rằng, thời gian tới vẫn còn cao điểm của mùa khô hạn, nên tỉnh cần bám sát 5 giải pháp chỉ đạo tại Công điện của Thủ tướng Chính phủ để tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhằm đảm bảo và cương quyết không để xảy ra cháy rừng. Ngoài ra, cần phát huy tốt vai trò của Ban chỉ đạo các cấp, nhất là người chỉ huy, bởi nếu chỉ huy không tốt thì sự phối hợp cũng sẽ không tốt. Về lâu dài, Thứ trưởng đề nghị tỉnh cần phải có phương án bài bản, trong đó phải có dự án đầu tư trung hạn cho công tác này.
Trước đó, vào buổi sáng, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cùng đoàn công tác của bộ đã đi kiểm tra hiện trạng các vụ cháy rừng vừa xảy ra trên địa bàn TX. Hương Thủy nơi có tuyến đường điện 500kv đi qua và vụ cháy rừng thông sát khu dân cư và khu du lịch sinh thái tại phường Hương Hồ, TX. Hương Trà.
P. T
|
Bài, ảnh: Nhân - Triều