Thừa Thiên Huế có nhiều lợi thế về nguồn lao động để kêu gọi đầu tư (Ảnh minh họa)
Có một điều mà các nhà phân tích kinh tế nhìn thấy rất rõ và đề cập đến nhiều trong thời điểm hiện nay là, sau những đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu do đại dịch, có thể, thế giới sẽ nhìn nhận và định hình lại chuỗi cung ứng theo hướng phân tán và bền vững hơn. Tức là tránh phụ thuộc vào một thị trường lâu đời nào đó. Những nơi an toàn hơn sẽ được xem là địa chỉ có nhiều lợi thế đón nhận sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư.
Có lẽ, Việt Nam chúng ta cũng không nằm ngoài những tính toán như vậy. Trước đây, xuất – nhập khẩu chúng ta phụ thuộc vào thị trường lớn nào? Sự đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa đã có những ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế? Làm sao để phá thế phụ thuộc vào một vài thị trường…
Đánh giá lại các chỉ số xuất nhập khẩu, nền kinh tế Việt Nam có chỉ số nhập siêu lớn từ thị trường Trung Quốc và một vài thị trường nhỏ khác ở châu Á, nhưng lại xuất siêu khá lớn sang những thị trường lớn ở phương tây. Điều này cho thấy, về cơ bản, Việt Nam vẫn là một thị trường “trung gian” – nhập hàng hóa – gia công – xuất đi.
Không phải đợi đến bây giờ mà từ trước đây, khi "cuộc chiến tranh thương mại" giữa Mỹ và Trung Quốc diễn ra cũng đã có nhiều nhận định, sẽ có nhiều nhà máy đầu tư của các nước đã đầu tư vào Trung Quốc có thể dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc. Họ dịch chuyển đi đâu? Về nước và có thể một phần trong ấy là đến các nước ASEAN có lợi thế, trong đó có Việt Nam.
Mới hôm cuối tháng 4, Nhật Bản công bố đã dành 2,2 tỷ USD để hỗ trợ các công ty Nhật chuyển nhà máy đến Đông Nam Á hoặc về nước. Riêng Mỹ thì đã có những động thái mạnh mẽ cho việc này. Đã có một dự luật yêu cầu Mỹ giảm phụ thuộc vào chuỗi cung ứng từ Trung Quốc.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chúng ta đang đứng trước một cơ hội rất lớn sau đại dịch. Là một trong số ít nước kiềm chế thành công đại dịch và “tái khởi động lại” nền kinh tế sớm. Chuỗi cung ứng toàn cầu có thể được sắp xếp lại. Vì vậy, các địa phương cũng nên chuẩn bị một tinh thần đón nhận các dự án đầu tư nước ngoài có chất lượng…
Có chăng, một dòng chảy dịch chuyển FDI vào Việt Nam? Theo thống kê, bất chấp trong tình hình dịch bệnh lan rộng, vẫn có đến 12 tỷ USD đăng ký đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2020. Đánh giá của WB (Ngân hàng Thế giới), con số này là không giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước và Việt Nam là một nền kinh tế sẽ sớm phục hồi sau đại dịch.
Có sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư FDI sau đại dịch hay không chưa biết, song Thừa Thiên Huế từ trước đến nay vẫn là một vùng đất mà các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng quan tâm. Ở Thừa Thiên Huế, năm ngoái, theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, trên địa bàn tỉnh đã có 107 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký hơn 3,6 tỷ USD. Khu vực này đã tạo ra doanh thu gần 900 triệu USD và đóng góp cho ngân sách của tỉnh hơn 2.000 tỷ đồng. Hiện nay, tỉnh đang chuẩn bị một danh sách lên đến 70 dự án kêu gọi thu hút đầu tư. Với môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện tốt; điều kiện địa lý thuận tiện; các điều kiện xã hội, cung ứng lao động ngày càng có chất lượng tốt… chúng ta hoàn toàn có quyền hy vọng, Thừa Thiên Huế là một địa chỉ thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài trong tình hình – định hình lại chuỗi cung ứng.
Bài: NGUYÊN LÊ - Ảnh: CTV