ClockThứ Tư, 04/01/2023 16:41

Công bố 10 sự kiện nổi bật của tỉnh trong năm 2022

TTH.VN - Dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng năm 2022 tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh tiếp tục chuyển biến tích cực. Để đạt được điều này nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ủng hộ của Trung ương, sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Năm 2023 phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP của Thừa Thiên Huế đạt 9-10%Ngành Công thương có nhiều đóng góp trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnhNâng chất lượng dân số để tăng trưởng kinh tế bền vững

Năm 2022 lần đầu tiên Festival Huế bốn mùa được tổ chức

Có 10 sự kiện nổi bật nhất được bình chọn trong số rất nhiều sự kiện diễn ra trên địa bàn tỉnh trong năm 2022.

1. Năm 2022 là năm thứ 3 triển khai Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị với các cơ chế, chính sách mới được ban hành góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.  

Ngày 21/9/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 02 Nghị quyết quan trọng: Số 26/2022/UBTVQH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210 về phân loại đô thị và số 27/2022/UBTVQH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1211 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính. Là cơ sở cho việc hoàn thiện hồ sơ đề án Thành phố trực thuộc Trung ương với các yếu tố đặc thù là đô thị để bảo tồn, phát huy đặc sắc giá trị cố đô và di sản văn hóa vật thể đã được UNESCO công nhận.

Ngày 19/10/2022, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1261/QĐ-Ttg Phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Mục tiêu đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành đô thị trực thuộc trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hoá Huế với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh. Đến năm 2030, Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu;... Đến năm 2045, Thừa Thiên Huế là thành phố Festival, trung tâm văn hoá, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của châu Á.

Ngày 3/11/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Nội dung Nghị quyết nêu rõ phát triển các đô thị trung tâm, đô thị hạt nhân cấp vùng và tiểu vùng như xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng hoạt động một số trường đại học lớn ở Thừa Thiên Huế trở thành những trung tâm đào tạo uy tín trong khu vực và thế giới, trong đó Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia. Phát triển thành phố Huế trở thành trung tâm văn hóa, nghệ thuật, nghiên cứu khoa học và đào tạo nhân lực văn hóa, nghệ thuật của vùng.

2. 14/14 chỉ tiêu Kinh tế-Xã hội đều đạt và vượt kế hoạch. Mặc dù phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, tuy nhiên, với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền các cấp cùng sự đồng lòng ủng hộ của Nhân dân toàn tỉnh, nền kinh tế của tỉnh nhà đã phục hồi tích cực và đạt kết quả nổi bật trên nhiều lĩnh vực. Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8,56%, là một kết quả rất cao trong những năm gần đây; thu ngân sách nhà nước cũng đạt mức cao với hơn 12.700 tỷ đồng, tăng 12,7% so với cùng kỳ; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 28.000 tỷ đồng; Kim ngạch xuất khẩu đạt 1.230 triệu USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ.

Ngày 25/12, tỉnh đã tổ chức khai trương tuyến tàu container tại Cảng Chân Mây. Qua đó, đánh dấu việc mở ra dịch vụ vận tải mới, góp phần thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics, kết nối cảng biển Chân Mây với các bến cảng nội địa và quốc tế.

3. Thừa Thiên Huế thuộc nhóm đứng đầu cả nước trong hàng loạt các chỉ số xếp hạng cấp tỉnh công bố năm 2022

Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh PAPI xếp vị trí số 1 toàn quốc. Chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin ICT xếp thứ 2 toàn quốc. Chỉ số chuyển đổi số DTI xếp thứ 2 toàn quốc. Chỉ số cải cách hành chính PAR Index xếp thứ 4 toàn quốc. Trong các trụ cột chỉ số chuyển đổi số DTI (chính quyền số, kinh tế số và xã hội số) thì tỉnh Thừa Thiên Huế xếp thứ nhất cả nước về hoạt động chính quyền số.

Tỉnh Thừa Thiên Huế đã nhận giải thưởng ASOCIO hạng mục Chính phủ số. Bên cạnh đó nền tảng số hóa dùng chung tỉnh Thừa Thiên Huế đạt Giải thưởng Sao Khuê năm 2022, Nền tảng Hue-S đạt Giải thưởng Sản phẩm Công nghệ số Make in Viet Nam năm 2022 cho hạng mục Sản phẩm số xuất sắc cho Xã hội số.

Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh và Trung tâm CNTT tỉnh Thừa Thiên Huế (HueCIT) đã xuất sắc giành giải tại Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam (VietNam Digital Awards – VDA) 2022.

4. Hoạt động Du lịch phục hồi sau đại dịch COVID-19. Nhờ thực hiện tốt các giải pháp kích cầu du lịch, nhiều sản phẩm, chương trình tour tuyến mới được triển khai, năm 2022, ngành du lịch Thừa Thiên Huế duy trì với đà phục hồi rất tốt, tổng lượt khách du lịch ước đạt 2,05 triệu lượt khách, tăng gần 3 lần so với cùng kỳ; tổng thu từ du lịch ước đạt khoảng 4.500 tỷ đồng, vượt 12,5% kế hoạch.

5. Lần đầu tiên Festival Huế bốn mùa được tổ chức. Các chuỗi hoạt động lễ hội được trải dài trong năm 2022 nhằm tôn vinh, quảng bá những nét văn hóa đặc thù, khai thác thế mạnh về danh thắng, du lịch tâm linh, thu hút du khách, phát triển kinh tế - xã hội, từng bước đưa Huế trở thành Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam.

Điểm nhấn Tuần lễ Festival Huế 2022 được tổ chức từ 25/6 – 30/6 với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển - Huế”. Các đoàn nghệ thuật lớn trong và ngoài nước đã tham gia chuỗi 8 chương trình chính, 34 buổi biểu diễn nghệ thuật tiêu biểu đầy màu sắc và hơn 30 hoạt động hưởng ứng, đồng hành, trưng bày, triển lãm liên tục trong 6 ngày đêm tại 11 sân khấu và điểm diễn trên địa bàn. Tuần lễ Festival Huế 2022 thu hút hơn 180.000 du khách đến Huế; đồng thời các chương trình cũng đã tạo hiệu ứng và sức lan tỏa lớn trên các nền tảng mạng xã hội với hơn 7.770.000 lượt xem.

6. Khởi công hàng loạt dự án trọng điểm, mang tầm chiến lược. Trong năm, các dự án được triển khai như tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế và cầu qua cửa Thuận An, dự án đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương, dự án “Đê chắn sóng cảng Chân Mây – giai đoạn 2”, dự án Khu công nghiệp Gilimex; Trung tâm Thương mại AEON Mart.

Ngoài ra, nhiều dự án trọng điểm khác được tập trung, đẩy nhanh tiến độ như Nhà ga T2 Cảng HKQT Phú Bài, Cao tốc Cam lộ - La Sơn, các dự án chỉnh trang đô thị, kết nối hạ tầng giao thông cũng đã và đang hoàn thành tạo diện mạo và sức bật mới cho đô thị Huế.

Phối cảnh cầu Nguyễn Hoàng sau khi hoàn thành. Đây là 1 trong những dự án trọng điểm được khởi công trong năm 2022

7. Thừa Thiên Huế trở thành Thành phố hấp dẫn về Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Với nỗ lực phát triển nhanh nền kinh tế tri thức, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong thời gian qua, năm 2022, Thừa Thiên Huế vinh dự đạt danh hiệu Thành phố hấp dẫn Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thuộc giải thưởng “Thành phố thông minh Việt Nam” do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức.

Năm 2022 cũng ghi dấu thành công của cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” lần thứ 7 do UBND tỉnh tổ chức. Ban Tổ chức đã chọn 11/59 ý tưởng, dự án xuất sắc để trao giải. Dự án “Giáo dục trẻ theo triết lý Thuận tự nhiên” đạt giải Nhất. 

8. Thừa Thiên Huế có thêm huyện Quảng Điền hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Sau hơn 10 năm triển khai xây dựng Nông thôn mới, đến năm 2020, toàn huyện Quảng Điền có 10/10 xã đạt chuẩn Nông thôn mới; huyện đạt 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,5%; 100% xã bãi ngang thoát khỏi danh sách xã đặc biệt khó khăn vùng ven biển và hải đảo; cơ cấu giá trị sản xuất chuyển dịch đúng hướng. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 38 triệu đồng/năm.

Từ kết quả nêu trên, huyện Quảng Điền đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM 2020 tại Quyết định ngày 9/5/2022. Qua đó, góp phần tích cực sớm đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.

9. Nhiều cá nhân, tập thể đạt các giải thưởng danh giá trong nước và quốc tế, góp phần khẳng định thế mạnh về giáo dục- đào tạo, khoa học- công nghệ. Tiêu biểu như học sinh Trương Văn Quốc Đạt (Trường THPT chuyên Quốc Học) đã mang về tấm HCB Olympic Sinh học Quốc tế năm 2022 danh giá cho ngành GD-ĐT tỉnh nhà và Việt Nam.

Cụm Công trình “tối ưu hóa công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ ở vùng có nguồn lực hạn chế: Từ nghiên cứu đến triển khai ứng dụng” của Trường ĐH Y Dược, ĐH Huế được trao giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ. Đây cũng là công trình đầu tiên tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên được vinh danh giải thưởng quan trọng này.

10. Thể thao Thừa Thiên Huế đạt thành tích cao tại SEA Games 31 và giải vô địch bắn cung châu Á ASIA Cup - SHARJAH; Tổ chức thành công Đại hội Thể dục Thể thao toàn tỉnh lần thứ IX – 2022.

Góp phần vào thành tích chung của Đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 31, Thừa Thiên Huế vinh dự có 5 VĐV trong thành phần các đội tuyển quốc gia tham dự SEA Games 31 và đã đạt những thành công rực rỡ với 3 HCV, 1 HCB và 1 HCĐ.

Đặc biệt, VĐV Nguyễn Thị Thanh Nhi của Thừa Thiên Huế đã xuất sắc giành Huy chương Vàng nội dung cá nhân tại giải vô địch bắn cung châu Á ASIA Cup - SHARJAH được tổ chức tại Qatar từ 20 đến 25/12.

Năm 2022 cũng là năm Thừa Thiên Huế tổ chức Đại hội TDTT tỉnh lần thứ IX với sự tham gia của hơn 2.500 cán bộ, huấn luyện viên, vận động viên đến từ các huyện, thị xã, TP. Huế và các ngành trong tỉnh.

N. MINH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xã hội hóa nguồn lực xúc tiến thương mại

Ngày 24/12, Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh (Trung tâm) tổ chức đánh giá hoạt động xúc tiến thương mại năm 2024 và phương hướng nhiệm vụ, giải pháp năm 2025.

Xã hội hóa nguồn lực xúc tiến thương mại
Xúc tiến thương mại cho sản phẩm địa phương

Theo lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh (Trung tâm), đơn vị sẽ tổ chức kết nối giao thương, quảng bá sản phẩm nông sản, đặc sản, OCOP tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024 tại Trung tâm Thương mại Aeon Mall Huế trong 2 ngày 28 và 29/12.

Xúc tiến thương mại cho sản phẩm địa phương
Công bố 10 sự kiện nổi bật ngành tài nguyên và môi trường năm 2024

Ngày 21/12, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố các sự kiện ngành tài nguyên và môi trường năm 2024. Các sự kiện của ngành tài nguyên và môi trường năm 2024 đã phản ánh, đề cập đến những vấn đề nóng, nổi bật, những thành tựu trong công tác hoàn thiện thể chế, chính sách, quản lý tài nguyên, môi trường, đa dạng sinh học..., để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước bền vững. Dưới đây là 10 sự kiện nổi bật ngành tài nguyên và môi trường năm 2024:

Công bố 10 sự kiện nổi bật ngành tài nguyên và môi trường năm 2024

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top