Tăng lương, giảm giờ làm luôn là điều mong muốn của người lao động. Ảnh minh họa: MQ
Tăng lương, giảm giờ làm là xu hướng tiến bộ trên thế giới và mục tiêu phấn đấu của Đảng và Nhà nước ta. Tuy nhiên, tăng lương, giảm giờ làm thế nào cho phù hợp, hài hòa giữa mong muốn của người lao động, người sử dụng lao động và sự phát triển chung của đất nước lại là điều không phải muốn là được và không thể duy ý chí.
Hiện nay, với quy định ngày làm việc không quá 8 tiếng và 48 tiếng/tuần, chỉ có bộ phận làm việc trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp Nhà nước được hưởng chế độ ngày làm việc 8 tiếng, 40 tiếng/tuần. Tức là tuần làm việc 5 ngày, được nghỉ 2 ngày thứ bảy và chủ nhật. Trong khi đó, với người lao động tại các doanh nghiệp phải làm 48 tiếng/tuần, chỉ được nghỉ ngày chủ nhật.
Với đề xuất tăng giờ làm thêm, khu vực bị tác động chủ yếu là lao động tại các doanh nghiệp. Như vậy, họ vốn có giờ làm chính thức nhiều hơn, giờ lại đề nghị tăng thời gian làm thêm thì càng tạo “độ vênh” giữa lao động hai khu vực. Vì vậy, giảm giờ làm chính thức, không tăng giờ làm thêm để có sự hài hòa, thống nhất giữa các khu vực là điều cần thiết. Lý thuyết là vậy, còn thực tế lại phức tạp hơn nhiều và cần có lộ trình thực hiện.
Đứng trên góc độ người lao động, tăng lương, giảm giờ làm luôn là điều mong muốn. Tuy nhiên, vẫn có một bộ phận lao động có nhu cầu làm thêm để tăng thu nhập. Nhu cầu này là chính đáng và ngược lại doanh nghiệp cũng cần trong những trường hợp cần thiết. Nhưng với đa số lao động, việc tăng ca, kéo dài giờ làm thêm là điều không mong muốn nhưng vẫn phải thực hiện bởi những quy định ràng buộc trong hợp đồng lao động. Ngoài ra, một số doanh nghiệp cũng lách luật bằng cách chỉ áp dụng bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu một chút để không phạm luật, còn lại đưa vào thưởng chuyên cần để khuyến khích người lao động làm thêm.
Với doanh nghiệp, việc tăng giờ làm thêm không phải là phương án tối ưu cho việc tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh vì phải chi trả tiền công giờ làm thêm cao hơn khiến giá thành sản phẩm cao hơn. Thực tế, với những ngành sản xuất có tính ổn định, chỉ phát sinh nhu cầu làm tăng giờ trong một số trường hợp nhất định, như đơn hàng đột xuất, sự cố… Riêng với những ngành thâm dụng lao động, phụ thuộc vào mùa vụ như dệt may, chế biến thủy sản thì nhu cầu tăng giờ làm thêm là rất lớn.
Tại diễn đàn Quốc hội, trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội có nhiều phân tích, đánh giá, thậm chí là trái chiều, tùy theo góc độ và quan điểm của mỗi người. Tuy nhiên, cái gốc của vấn đề là năng suất lao động và thu nhập người lao động…
Hiện nay quy mô, năng lực của doanh nghiệp nước ta còn hạn chế; năng suất lao động của nước ta đang ở mức thấp so với các nước ngay trong khu vực thì phải lấy việc tăng giờ làm để bù đắp. Trong khi đó, để tăng năng suất lao động không chỉ có người lao động mà cần sự đầu tư của doanh nghiệp. Đồng thời, cần sự vào cuộc của Nhà nước bằng các chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp áp dụng khoa học công nghệ, đầu tư đổi mới trang thiết bị, nâng cao trình độ quản lý và hỗ trợ đào tạo lao động chất lượng cao…
Nếu năng suất lao động tăng, người lao động có thu nhập đảm bảo cuộc sống thì chắc chắn không ai muốn làm thêm. Với doanh nghiệp, khi đã chủ động trong sản xuất cũng sẽ không cần đến việc tăng ca, tăng giờ làm thêm. Qua đó, góp phần tăng năng lực cạnh tranh quốc gia.
Hoàng Minh