“Gặp gỡ Huế” là một trong những sự kiện hàng năm của Chủ tịch UBND tỉnh nhằm xây dựng “Giấc mơ Huế trên nền tảng tri thức và văn hóa”.
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ trò chuyện thân mật với các đại biểu tham dự buổi gặp mặt
Tự hào về những người con Huế
Mở đầu buổi nói chuyện, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ khẳng định, chúng tôi rất tự hào về kết quả của những người Huế xa quê đạt được, đem lại vinh quang cho quê hương và mong muốn tiếp tục nhận được nhiều sự đóng góp, hiến kế để tỉnh phát triển bền vững theo Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Trong đó, mục tiêu xuyên suốt Thừa Thiên Huế hướng đến thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025. Đến năm 2030 sẽ là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch, y tế chuyên sâu, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo. Tầm nhìn đến năm 2045, Thừa Thiên Huế là thành phố Festival, trung tâm văn hóa, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của châu Á.
Chủ tịch UBND tỉnh chia sẻ, qua những hoạt động thiết thực, ý nghĩa của những người con xa Huế cho thấy tinh thần hướng về cội nguồn, trách nhiệm và tình nghĩa quê hương bền chặt trong mỗi người con xứ Huế xa quê. Cùng với đó, ý chí, nghị lực to lớn và tinh thần đoàn kết, ham học hỏi, vượt khó vươn lên đã hình thành nên những cốt cách đáng quý trong mỗi người con xứ Huế dù ở nơi đâu. Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, ý tưởng về việc gặp mặt để trao đổi, gửi gắm những tâm tư về quê hương mình và đặc biệt là tham gia đóng góp ý kiến, hiến kế cho tỉnh trong quá trình xây dựng và phát triển toàn diện là một điều hết sức quan trọng.
“Xứ Huế không có điều kiện để phát triển công nghiệp như các địa phương ở 2 đầu đất nước, vì vậy phải định hướng phát triển theo kinh tế tri thức, văn hóa, du lịch, y tế, giáo dục, công nghệ kỹ thuật cao… Huế đang phấn đấu trong vài năm tới có khoảng 10.000 người làm việc trong lĩnh vực IT, để có tên trong “bản đồ” công viên phần mềm quốc gia. Du lịch với Huế là ngành kinh tế mũi nhọn, lại cũng phải có nền nông nghiệp kỹ thuật cao, nền nông nghiệp sạch… Huế sẽ xây dựng kinh đô ẩm thực và kinh đô của áo dài”- Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
Một số sản phẩm thủ công mỹ nghệ lưu niệm được trưng bày tại buổi gặp mặt
Mong Huế có nhiều thương hiệu nổi tiếng
Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ thông báo một số nét khái quát về tình hình thực hiện kinh tế- xã hội năm 2019 của tỉnh. Khẳng định năm 2020, tỉnh sẽ tiếp tục phát triển theo chủ đề: “Phát huy giá trị đô thị di sản trên nền tảng văn hóa, xanh và thông minh”, tiếp tục đẩy mạnh mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu trên cơ sở khai thác thế mạnh, đặc thù của địa phương, ưu tiên phát triển các ngành du lịch dựa trên nền tảng phát huy giá trị di sản, văn hóa; phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, nông nghiệp sạch, công nghệ cao; phát triển đô thị thông minh và bền vững.
Tại buổi gặp mặt, nhiều ý kiến của những người con Huế xa quê đã được đưa ra với mong muốn Huế phát triển nhưng vẫn đảm bảo các tiêu chí theo định hướng đã chọn. PGS. TS. Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không Trường đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh cho rằng, cần nuôi dưỡng và thu hút nguồn chất xám trong nền kinh tế tri thức. Cần có một chiến lược đào tạo người giỏi từ bậc trung học, đào tạo nâng cao ở nước ngoài và đưa về cống hiến cho quê hương trên từng lĩnh vực ưu tiên. Đối với Huế, cần phối hợp nhịp nhàng giữa du lịch và hàng không để phát triển. Ngoài những hãng hàng không lớn, trung chuyển khách du lịch đến Huế, cần mạnh dạn phát triển dịch vụ hàng không chuyên chở khách như trực thăng, thủy phi cơ tầm dưới 20 người, đáp ứng nhu cầu bay đường ngắn, bay tham quan một số điểm đến của Huế.
Bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho rằng, đã đến lúc người ta nên suy nghĩ không nên “thương hại” Huế, mà Huế phải tự khẳng định mình. Để làm được điều này, chính quyền tỉnh cần xác định “tham vọng” của tỉnh là gì để có kế hoạch cái gì làm trước, cái gì làm sau. Nếu di sản chỉ dừng lại ở bảo tồn thì sẽ khó phát triển, cần phải đưa định hướng sáng tạo vào di sản, chính là sáng tạo trên cơ sở bảo tồn di sản văn hóa, kiến trúc, lịch sử, con người Huế. Phải phát huy tối đa những gì lịch sử để lại để phát triển. Nên chăng xây dựng Huế thành một đô thị thông minh, sáng tạo và giáo dục; xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn với những sản phẩm đẳng cấp, mang thương hiệu Huế.
TS. Nguyễn Huy Hoàng, chuyên ngành công nghệ thông tin (CNTT) và tâm lý phát triển con người- cựu học sinh Quốc Học Huế cho rằng, cần có chiến lược giáo dục đào tạo và phát triển dịch vụ CNTT. Nâng cao chất lượng đào tạo để đào tạo một đội ngũ sinh viên sau khi ra trường tinh thông về CNTT, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực CNTT cho tỉnh khi đang xây dựng CNTT thành một ngành kinh tế trọng điểm.
Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng cần phát huy thế mạnh về thương hiệu ẩm thực Huế và nâng cao giá trị “cảm xúc” của riêng Huế để phát triển du lịch; trả lại đường Lê Lợi đúng giá trị “huyền thoại” vốn có của nó; cần thay đổi tư duy về cách nghĩ, cách làm để Huế sang trọng hơn. Đại diện gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cam kết mang tất cả di sản của ông về Huế để trưng bày, phục vụ công chúng.
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ khẳng định, các hiến kế tâm huyết của những người con xứ Huế chia sẻ tại buổi gặp mặt hôm nay cũng chính là trăn trở, tâm tư của lãnh đạo tỉnh trong thời gian qua. Từ những ý kiến này, chúng tôi ghi nhận để xây dựng tỉnh với chính quyền ngày càng thân thiện hơn, nâng cao vị thế Huế, phấn đấu vì cuộc sống hạnh phúc sung túc hơn của người dân. Để “Gặp gỡ Huế” ngày càng đi vào chiều sâu, nhận được nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết hơn, để Huế ngày càng phát triển bền vững, thân thiện với môi trường.
Bài, ảnh: THÁI BÌNH