Là người từng công tác nhiều năm trong ngành bảo tàng ở Huế, tôi cho rằng còn một nguyên nhân khác khiến hệ thống bảo tàng ở Huế chưa đáp ứng nhu cầu và kỳ vọng của công chúng và du khách chính là sự nghèo nàn về loại hình bảo tàng ở đây. Tư duy làm bảo tàng ở Việt Nam nói chung và ở Huế nói riêng dường như vẫn đi theo lối mòn xưa cũ. Đó là tập trung thái quá vào các loại hình bảo tàng tổng hợp, bảo tàng địa phương mà không chú trọng đến việc thiết lập và hình thành những bảo tàng mang bản sắc riêng. Theo tôi, ngoài những dự án bảo tàng được UBND tỉnh quy hoạch xây dựng trong thời gian tới như: Bảo tàng Mỹ thuật Thừa Thiên Huế, Bảo tàng Văn hóa Dân gian, Bảo tàng Sinh thái… Huế nên có thêm những “bảo tàng chuyên ngành” như: Bảo tàng Ẩm thực, Bảo tàng Nghi lễ, Bảo tàng Âm nhạc Cung đình… Những bảo tàng này sẽ là nơi lưu giữ những nét riêng độc đáo của lịch sử và văn hóa Huế, làm cho Huế khác với những nơi khác. Và quan trọng là, chỉ riêng Huế mới có thể xây dựng được những bảo tàng như thế nhờ vốn văn hóa phong phú và đặc sắc của mình. Đây là một lợi thế so sánh không địa phương nào ở Việt Nam có được.
Ẩm thực Huế xứng đáng được tôn vinh
Huế là nơi có nền văn hóa ẩm thực phong phú bậc nhất Việt Nam. Giữa thế kỷ XX, bà Hoàng Thị Kim Cúc, giáo sư môn gia chánh của Trường Đồng Khánh, đã giới thiệu 600 món ăn Huế, trong đó có 125 món chay, 34 loại canh, 50 món tráng miệng, 47 loại bánh, 70 loại mứt, 30 loại gia vị…; với 60 thực đơn hoàn chỉnh của bốn mùa xuân - hạ - thu - đông. Theo thống kê của các chuyên gia về ẩm thực, có khoảng 1.700 món ăn được biết đến ở Việt Nam, thì riêng xứ Huế đã đóng góp tới 1.300 món, gồm các món ăn dân gian, món ăn cung đình và món chay. Khoảng 700 món ăn trong số 1.300 món ăn do người Huế “phát minh” hiện vẫn còn lưu truyền ở Huế.
Người Huế luận bàn về trà. Ảnh: Anh Sơn
Huế là nơi có nhiều làng nghề chuyên về ẩm thực như làng Kim Long chuyên làm các loại bánh in, bánh gấc, bánh phu thê, bánh ít đen...; vùng chợ Thông chuyên làm bánh ướt; vùng chợ Cầu chuyên làm bánh gói; làng Nam Phổ chuyên nấu bánh canh; làng Vân Cù chuyên nghề làm bún… Đặc biệt, có làng Phước Yên chuyên đào tạo người để tuyển vào cung nấu ăn cho vua chúa triều Nguyễn. Ngày nay, chế độ quân chủ triều Nguyễn đã chấm dứt, nhưng nhiều món ăn có nguồn gốc cung đình vẫn được tái hiện ở Huế để phục vụ cho nhu cầu ẩm thực của du khách. Chỉ có Huế mới có một dòng ẩm thực cung đình, tồn tại song hành với dòng ẩm thực dân gian suốt hàng trăm năm qua. Hai dòng ẩm thực đó vẫn được người Huế bảo tồn và phát huy, khiến xứ Huế trở thành “xứ sở của ẩm thực”. Cũng chỉ có ở Huế sách dạy nấu ăn được biên soạn thành thơ - cuốn Thực phổ bách thiên của bà Trương Đăng Thị Bích - để truyền dạy cho con cháu và người đời. Cũng chỉ có ở Huế, ẩm thực mới được nâng thành nghệ thuật, thành một thứ triết lý, điển hình như thú ăn cá sanh cầm hay thú uống trà Huế. Và cũng chỉ ở Huế, việc nấu nướng được nâng thành một chuẩn giá trị, một phẩm hạnh cần thiết của người phụ nữ. Có thể nói, ẩm thực Huế là một di sản văn hóa xứng đáng được tôn vinh, bảo tồn và phát huy.
Bảo tàng ẩm thực cho Huế - Tại sao không?
|
Bánh trái cây xứ Huế. Ảnh: Đào Hoa Nữ |
Ngày nay, ẩm thực đang trở thành một lợi thế cạnh tranh và là một nhân tố có tính quyết định trong quá trình xây dựng thương hiệu cho một quốc gia hoặc một điểm đến du lịch. Bản sắc riêng của ẩm thực được khai thác triệt để trong quá trình, tạo nên sự khác biệt và làm mới hình ảnh của một điểm đến. Tại một số nước trên thế giới, ẩm thực đóng vai trò quan trọng trong quá trình thiết kế các chương trình phát triển và quảng bá du lịch. Điều này xuất phát từ một nguyên nhân rất cơ bản, du khách dù đến từ vùng miền nào cũng đều có chung sở thích và nguồn cảm hứng mạnh mẽ với ẩm thực, đặc biệt là ẩm thực địa phương.
Du khách ngày càng mong muốn có cơ hội tìm hiểu và trải nghiệm nhiều hơn với những nét văn hóa của những vùng đất mình đi qua, đặc biệt là tìm hiểu văn hóa thông qua ẩm thực. Ngoài việc trực tiếp thưởng thức các món ăn, thức uống, du khách còn có nhu cầu tìm hiểu về lịch sử của món ăn, về các nguồn nguyên liệu và những tinh hoa trong nghệ thuật chế biến, bày biện và thưởng thức món ăn đó. Do vậy, một bảo tàng ẩm thực là nơi thích hợp nhất để du khách tìm đến nhằm thoả mãn nhu cầu tìm hiểu và khám phá nền văn hóa ẩm thực của điểm đến.
Bảo tàng ẩm thực Huế sẽ là nơi trưng bày và giới thiệu tất cả những gì liên quan đến di sản văn hóa ẩm thực Huế. Từ di sản các món ăn, đến những tinh hoa trong tuyển chọn nguyên liệu, tẩm ướp gia vị, kỹ thuật nấu nướng, cho đến những triết lý khi bày biện đồ ăn thức uống và nét văn hóa khi thưởng thức. Đó sẽ là nơi giới thiệu các đặc sản cung đình lẫn những món ăn dân gian, mà có nhà nghiên cứu đã khẳng định là có mối quan hệ khăng khít với món ăn Mường; giới thiệu cả món mặn lẫn món chay; cả các thứ thưởng thức tại chỗ lẫn hàng quà mua về. Bảo tàng Huế sẽ là một “bảo tàng mở”, nơi du khách không chỉ được chiêm ngưỡng các món ăn, thức uống được giới thiệu qua các hiện vật, hình ảnh, tư liệu thành văn, phim ảnh, băng từ…, mà còn là nơi họ được tham gia trực tiếp vào quá trình tuyển chọn nguyên liệu, ướp tẩm gia vị, nấu nướng các món ăn dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân ẩm thực. Và sau cùng, đó là nơi họ có thể thưởng thức những món ăn do chính họ làm ra theo phong cách Huế và thấm đẫm phong vị Huế.
Bảo tàng ấy nên tồn tại trong một không gian nhà vườn Huế, với những cấu trúc liên hoàn được hình thành từ những ngôi nhà rường kiểu Huế. Và nếu được, nên có một khoảnh vườn để trồng các thứ cây gia vị Huế. Sau cùng bảo tàng ẩm thực Huế không nên tồn tại một cách riêng biệt như những bảo tàng khác từng thấy ở Huế mà chỉ là một điểm dừng trong tour “du lịch ẩm thực” khép kín. Sau khi ghé thăm bảo tàng để tham quan, chiêm ngưỡng di sản ẩm thực Huế được trưng bày nơi đây, du khách sẽ tiếp tục tour “du lịch ẩm thực” của mình bằng việc cắp giỏ đi chợ với “một bà nội trợ xứ Huế” để học cách lựa chọn nguyên liệu, hay ghé qua một điền viên để lựa mua những con gà, con cá, mớ rau… được chăm sóc và nuôi trồng theo công nghệ “sạch”. Sau cùng mới trở về bảo tàng học cách nấu nướng và thưởng thức những “món ăn Huế” mà tự tay họ làm ra.
Có thể, bài báo nhỏ này là một ước mơ lớn của tôi. Nhưng nếu ai đó không coi nó là viễn vông mà sẵn sàng đầu tư công sức, tâm trí và tiền của để Huế có được một bảo tàng ẩm thực xứng tầm, thì du khách đến Huế sẽ có thêm một điểm đến hấp dẫn và ngành bảo tàng Huế sẽ có một điểm son trong đánh giá của mọi người.
Trần Đức Anh Sơn