Chủ tịch UBND tỉnh vừa ban hành quyết định thành lập 4 tổ xúc tiến và hỗ trợ đầu tư. Đây là điều chưa từng có ở Thừa Thiên Huế. Có lẽ chính vì vậy mà quyết định nói trên trở nên “đặc biệt" như tên gọi của quyết định. Nó đặc biệt còn một yếu tố khác là liên ngành.
Việc xúc tiến đầu tư không phải bây giờ Thừa Thiên Huế mới làm, mà đã làm từ lâu. Chúng ta đã chuẩn bị ngày càng tốt hơn cơ sở hạ tầng để mời gọi nhà đầu tư, bằng nhiều hình thức quảng bá các thế mạnh và tiềm năng của Thừa Thiên Huế. Cho nên, chúng ta thấy nhà đầu tư trong và ngoài nước vào Thừa Thiên Huế ngày càng nhiều và đã thu hút được nhà đầu tư lớn. Riêng khu du lịch Laguna Lăng Cô đã gần 2 tỷ USD đăng ký và thực hiện đầu tư. Tính đến năm 2021, Thừa Thiên Huế đã thu hút 112 dự án FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài) với số vốn gần 4 tỷ USD. Vốn đầu tư trong nước và trong tỉnh mỗi năm cũng cả hàng chục ngàn tỷ đồng…
Thế thì tại sao đến bây giờ mới thành lập tổ công tác xúc tiến và hỗ trợ đầu tư và gọi đó là tổ công tác đặc biệt? Qua tìm hiểu nội dung của quyết định, người viết thấy nó đặc biệt ở mấy điểm như sau: thứ nhất là liên ngành. Ngành nào cũng phải có trách nhiệm và chịu trách nhiệm trong công tác thu hút đầu tư của tỉnh. Chúng ta có thể hình dung, trước đây muốn giải quyết một dự án đầu tư nào đó phải tổ chức rất nhiều cuộc họp bởi nó liên quan đến nhiều ngành. Giờ tập hợp lại thành những đầu mối, rõ ràng, chỉ riêng về mặt thời gian đã rút ngắn được rất nhiều. Chúng ta thấy, ví dụ như tổ số 1 do Chủ tịch UBND tỉnh là tổ trưởng đã tập hợp các ngành quan trọng như Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh làm tổ phó; thành viên tổ công tác gồm Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Văn hóa và Thể thao, Kho bạc Nhà nước tỉnh... Tùy theo yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của tổ công tác, tổ trưởng quyết định mời thêm đại diện các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan tham gia. Ba tổ còn lại đều do các Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng. Các đầu mối này “chạy tốt” nó sẽ tạo ra một môi trường thu hút đầu tư thông thoáng, thủ tục được giải quyết nhanh chóng, thuận lợi… điều đó cũng có nghĩa là đã giúp nhà đầu tư tiết kiệm chi phí.
Hoàn cảnh thu hút đầu tư bây giờ cũng trở nên đặc biệt hơn trước. Đặc biệt nhất là cạnh tranh. Không phải chỉ có chúng ta thu hút đầu tư, mà nhiều nơi khác cũng có mong muốn như chúng ta. Để cạnh tranh, ngoài những lợi thế về điều kiện tự nhiên, chúng ta phải đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, cái mà trước đây chúng ta gọi là “ngoài hàng rào”. Cơ sở hạ tầng tốt cũng là đã tạo ra môi trường tốt. Nhưng đó chỉ mới một phần; một phần khác cũng không kém phần quan trọng là giải quyết các thủ tục hành chính. Lãnh đạo tỉnh và mọi ngành liên quan phải xem nhà đầu tư là đối tác, là khách hàng để phục vụ cho tốt. Trong các cuộc đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) có nhiều chỉ số thành phần, trong đó có nhiều chỉ số thành phần các doanh nghiệp tham gia khảo sát chưa hẳn hoàn toàn hài lòng về thái độ phục vụ (đây là nói chung của cả nước) ở các chỉ số như điều kiện tiếp cận đất đai, chi phí phi chính thức... Rất đáng mừng là vị trí trong bảng xếp hạng CPI của tỉnh liên tục được nâng bậc và nằm trong tốp đầu. Giải quyết tốt các thủ tục hành chính cũng là góp phần quan trọng tạo ra môi trường đầu tư tốt.
Chỉ chừng đó thôi cũng đủ thấy nó đặc biệt so với trước. Giờ là lúc mong đợi kết quả hoạt động của các tổ ra sao.
Nguyên Lê