Thông báo tuyển 4 nhân sự, với các vị trí rõ ràng, cụ thể là kế toán, kế hoạch-đầu tư mà Công ty Điện lực (PC) Thừa Thiên Huế phát đi ngày 11/6 có lẽ cũng là điều bình thường, như tất cả các thông báo khác. Câu chuyện chỉ trở thành vấn đề ở cuối tuần qua, trên các kênh thông tin khi đối tượng tuyển dụng trong thông báo này ghi rõ, nguồn phải từ Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh và Đại học Đà Nẵng.
Thế còn Đại học Huế - địa bàn mà Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế cùng đứng chân? Tại sao những người đã tốt nghiệp các chuyên ngành này ở Đại học Huế lại không thuộc thành phần dự tuyển? Do thiếu sót, hay có vấn đề gì trong chất lượng đào tạo? Do những vấn đề nội tại dẫn đến cách đánh giá, nhìn nhận con người hay chỉ đơn thuần là do thiếu thông tin?
Trả lời truyền thông, đại diện PC Thừa Thiên Huế cho hay, đây là yêu cầu đến từ Tổng Công ty Điện lực miền Trung. Riêng thông báo trên trang web của mình, đơn vị vẫn đưa và thực tế cũng đã nhận không ít hồ sơ dự tuyển của những người đã tốt nghiệp từ Đại học Huế và cả những nơi khác trên quan điểm và tiêu chí là “không từ chối người tài giỏi với lý do vùng miền đào tạo” (baothuathienhue.vn ngày 4/7).
Có vẻ như với sự cầu thị và sẵn sàng tương tác với báo chí, PC Thừa Thiên Huế đã cơ bản xử lý được khủng hoảng thông tin, tạo được sự thông cảm và chia sẻ từ dư luận. Những việc còn lại phụ thuộc vào cách thức và sự minh bạch trong thi tuyển, cũng như năng lực thực chất của những người ứng tuyển…
Tuy nhiên, trong góc nhìn sâu hơn, chúng ta vẫn có thể thấy rằng, dù doanh nghiệp (ở đây là Tổng Công ty Điện lực miền Trung) có thể chưa có cách xử lý khéo léo, hài hòa… nhưng người tuyển dụng hoàn toàn có quyền đặt ra những yêu cầu để phục vụ cho lợi ích và sự phát triển của mình. Thế nên dẫu có tâm tư, dẫu có băn khoăn thì người dự tuyển và đơn vị cung cấp nguồn nhân lực cũng phải có sự tự đánh giá, nhìn nhận lại chính mình. Nhìn nhận lại năng lực và chất lượng nguồn lực được đào tạo đang đứng ở đâu, có phù hợp và đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động hay không. Sẽ tìm hiểu kỹ và nắm nhu cầu, điều kiện tuyển dụng trên tinh thần hợp tác cởi mở để có hướng điều chỉnh phù hợp… là tinh thần đã được lãnh đạo Trường đại học Kinh tế Huế (thuộc Đại học Huế) xác định sau câu chuyện này. Theo chúng tôi, đó cũng là sự cầu thị tiếp theo của đơn vị có chức năng cung cấp nguồn nhân lực được đào tạo cho thị trường lao động.
Không muốn làm một phép mở rộng và đối chiếu, vì mọi so sánh đều khập khiễng, nhưng từ những thông tin có được từ chính Đại học Huế, chúng tôi nhận thấy có vẻ như việc truyền thông, tự giới thiệu và quảng bá mình của Đại học Huế chưa tốt, và chưa có sự lan tỏa rộng rãi. Nghĩa là vẫn còn một khoảng trống trong việc nhận diện thương hiệu, dẫn đến sự bỏ sót/bỏ qua như đã có. Điều này có thể tham khảo thêm từ kết quả đào tạo hơn 100 ngành trình độ đại học nhưng ít ngành nghề có tỷ lệ sinh viên có việc làm dưới 70% - một kết quả khảo sát từ năm 2016 của chính Đại học Huế và theo TS.Hoàng Kim Toản, Trưởng Ban công tác học sinh, sinh viên của Đại học Huế, điều này đã “chứng tỏ, sinh viên ĐH Huế ra trường có sức hút đối với các doanh nghiệp và đáp ứng được nhu cầu xã hội.”
Lựa chọn tuyển dụng từ Tổng Công ty Điện lực miền Trung có thể không hoặc chưa mang tính đại diện, nhưng cũng cần nghĩ đến một sự vấp trên đường chạy dài lâu. Biết đâu chúng ta bỏ qua một hòn đá nhỏ nhưng lại dẫn đến những cú trượt từ hiệu ứng đô-mi-nô đến từ học sinh, phụ huynh khi chọn ngành, chọn trường để học tiếp sau tốt nghiệp phổ thông trung học. Hơn nữa, việc “hữu xạ tự nhiên hương” nếu có, cũng đã không còn giữ vị thế cạnh tranh tốt trong bối cảnh đa diện thông tin hiện nay.
Minh Hà