|
|
Phóng viên Báo Thừa Thiên Huế (ngoài cùng, bên phải) làm việc với các hộ dân ở xã Lộc Điền (Phú Lộc) liên quan đến vấn đề đất đai. Ảnh: H.H |
Vừa hồng, lại vừa chuyên
Con số những người làm việc ở tất cả các cơ quan báo chí tại Thừa Thiên Huế tăng nhanh, từ 147 người (năm 2017) lên 250 người (năm 2023) là tín hiệu vui. Chưa kể, còn có hàng trăm người hoạt động truyền thông ở các đài cấp huyện, xã hay các sở, ban, ngành. Cũng 5 năm qua, đã có thêm 50 hội viên mới, đưa tổng số hội viên Hội Nhà báo toàn tỉnh lên đến con số hơn 200 người.
Chính nhu cầu công tác và loại hình tòa soạn đa phương tiện phát triển nên số người lao động báo chí tăng lên "đột biến". Vị trí trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội và báo chí của Thừa Thiên Huế ngày càng được khẳng định đã là yếu tố quan trọng thu hút các cơ quan báo chí Trung ương và của các địa phương khác. Thực tế, chính đội ngũ phóng viên thường trú là những tác nhân tích cực góp phần phản ánh, phản biện và cổ vũ công cuộc đổi mới của Thừa Thiên Huế.
Đội ngũ đang ngày càng trẻ hóa, 90% có trình độ đại học trở lên, nhiều phóng viên sử dụng thành thạo 2 ngoại ngữ là một thực tế đáng mừng. Theo ông Dương Phước Thu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh, sự phát triển của công nghệ kỹ thuật số truyền thông, các loại hình báo chí, các tòa soạn đa phương tiện… là cơ hội và cũng là thách thức đặt ra. Trong 5 năm qua, mặc dù ảnh hưởng khá nặng do dịch COVID-19 gây ra, Hội Nhà báo tỉnh vẫn tổ chức được 7 lớp trực tiếp và 2 lớp trực tuyến bồi dưỡng kiến thức và nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho 143 lượt hội viên nhà báo.
Những đóng góp thầm lặng
Đã 3 năm rồi, sự hy sinh của hội viên, nhà báo - liệt sĩ Phạm Văn Hướng, Trưởng phòng Thông tin tuyên truyền, Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn được nhắc tới với niềm tự hào sâu sắc. Tham gia đoàn công tác cứu hộ tại thủy điện Rào Trăng 3, nhà báo Phạm Văn Hướng bất chấp hiểm nguy, luôn bám sát đoàn để chuyển tải những thông tin mới nhất tới người dân cũng như tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn tại địa phương.
Cũng như Phạm Văn Hướng, nhiều nhà báo có trách nhiệm đã năng nổ đi đến vùng sâu, vùng xa để phản ánh, tìm đề tài mới. Vào mùa bão lũ, một bộ phận nhà báo không quản ngại nguy hiểm, đến những vùng tâm bão, rốn lũ, vùng sạt lở để tác nghiệp. Nhiều nhà báo dũng cảm phản ánh những vấn đề mà cán bộ, Nhân dân quan tâm. Họ có mặt ở những điểm "nóng", như: ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, đất đai, đấu tranh quyết liệt với những hành vi tiêu cực, tham nhũng, tham ô, lãng phí... và có những tác phẩm có chất lượng.
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2023 kết hợp với Lễ trao Giải báo chí Xây dựng Đảng cấp tỉnh lần thứ I, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương khẳng định: “Những thông tin tuyên truyền các hoạt động, lĩnh vực trên trang báo, kênh phát thanh - truyền hình phong phú, sinh động đã thu hút đông đảo bạn đọc và khán, thính giả. Báo chí không chỉ cổ vũ, động viên kịp thời những nhân tố mới, tập thể cá nhân điển hình mà còn đề cập đến tồn tại, hạn chế trong đời sống xã hội, từ đó đóng góp nhiều ý kiến, gợi mở ý tưởng và biện pháp khắc phục”.
Đó là nhận xét xác thực dành cho đội ngũ và những đóng góp của người làm báo Thừa Thiên Huế hiện nay. Công việc của các nhà báo không tính bằng giờ hành chính, mà ở đâu xảy ra sự việc là ở đó phải có mặt của người phóng viên.