DDCI được xem như một công cụ để chính quyền lắng nghe, hiểu, tiếp thu và tiến tới thực hiện những bước cải cách để cải thiện môi trường, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển với những bước cải cách mạnh mẽ. Những điều này không chỉ đến từ việc thay đổi lề lối, tác phong, phong cách làm việc cũng như những nguyên tắc cơ bản trong giao tiếp hàng ngày mà sâu hơn, còn để tạo ra một sự cạnh tranh thật sự giữa các cơ quan cấp sở, ban, ngành trên mọi bình diện vận hành. Nếu làm được điều này, hệ thống công quyền sẽ thực sự có sự thay đổi về chất trên cơ sở thay đổi tư duy và đối tượng phục vụ; đồng thời lấy hiệu quả làm thước đo sẽ là một tiêu chí cơ bản và quan trọng mà mỗi đơn vị dựa vào đó mà vận hành.
Không phải là đơn vị đi đầu trong việc đưa DDCI vào vận hành như Quảng Ninh, nhưng thực tiễn hoạt động của bộ chỉ số này ở Quảng Ninh trong ba năm qua sẽ là kinh nghiệm tốt cho Thừa Thiên Huế và nhiều địa phương khác trong một nỗ lực chung: Thay đổi cảm quan và chiều sâu của các đơn vị cấp sở, ban, ngành, địa phương. Từ đó tạo một lực đẩy chung trong sự vận hành của các bộ tiêu chí đánh giá khác như chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) của các bộ ngành và địa phương; chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) và chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
Trong khi các chỉ số PAR INDEX, PAPI và PCI hoạt động trên bình diện cấp tỉnh, từ đó đánh giá hiệu quả hoạt động chung trên bình diện quốc gia và tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các địa phương trong cả nước, chỉ số DDCI được xem như là tiền đề để vận hành bộ máy ở cấp nhỏ hơn thuộc một địa phương, từ đó tạo chuyển động chung ở cấp tỉnh. Dựa trên tính chất, đặc thù cũng như những vấn đề nội tại, DDCI ở mỗi địa phương sẽ có những điểm khác biệt, tiêu chí khác biệt phù hợp với địa phương đó.
Trên cơ sở này, bộ chỉ số DDCI của Thừa Thiên Huế đã được tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến ở các chỉ số thành phần về tính minh bạch và tiếp cận thông tin, tính năng động của lãnh đạo; chi phí thời gian, chi phí không chính thức; cạnh tranh bình đẳng, hỗ trợ doanh nghiệp, thiết chế pháp lý; tiếp cận đất đai, tính ứng dụng công nghệ thông tin và đào tạo lao động và sẽ tiếp tục tham khảo, lấy ý kiến của các doanh nghiệp qua nhiều kênh để sớm đưa vào thực hiện.
Không chỉ là nhiệm vụ thường quy, áp lực về cải thiện DDCI chắc chắn là một yêu cầu quan trọng để làm thay đổi vị thứ xếp hạng của của PAPI và nhiều hơn, là PCI của năm 2018 và những năm tiếp theo, khi mà chỉ số PCI trong năm 2017 của Thừa Thiên Huế đã giảm 6 bậc so với năm 2016 và đứng ở vị trí 29/63 tỉnh, thành.
Minh Hà