Chỉ số PCI do VCCI và USAID hợp tác xây dựng từ năm 2005 để đánh giá về chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của của chính quyền các tỉnh, thành phố tại Việt Nam, qua đó thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Theo kết quả điều tra PCI 2017, hầu hết các địa phương đều có sự cải thiện chất lượng điều hành, giải quyết kịp thời hơn các khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp; chi phí không chính thức có xu hướng cải thiện tích cực; môi trường kinh doanh bình đẳng hơn và chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính có nhiều chuyển biến tích cực…Qua đó, tạo được niềm tin với cộng đồng doanh nghiệp trong nước và nước ngoài; thúc đẩy quá trình thu hút đầu tư trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng và cạnh tranh khốc liệt.
Theo bảng xếp hạng PCI 2017, năm nay Quảng Ninh lần đầu tiên vượt lên vị trí dẫn đầu với số điểm 70,7/100 điểm, chiếm ngôi của Đà Nẵng. Các tỉnh thành có chất lượng điều hành tốt thuộc về nhóm các tỉnh thành vốn năng động như Đà Nẵng, Đồng Tháp, Long An, Quảng Nam, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ… với số điểm đều đạt trên 65/100 điểm.
Riêng với Thừa Thiên Huế, trong bảng xếp hạng năm nay tụt 6 bậc so với năm 2016, đứng ở vị trí 29, xếp thứ 8 trong vùng, chỉ thuộc nhóm trung bình (năm 2016 thuộc nhóm khá). Trên tổng thể đó là điều không vui. Tuy nhiên, đi sâu vào phân tích các chỉ số chúng ta vẫn có những điểm sáng đáng mừng.
Đó là, tổng số điểm PCI 2017 tăng gần 3 điểm so với năm 2016 (62,37/59,68). Hầu hết các chỉ số như: Tính năng động, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, đào tạo lao động… đều có số điểm tăng, thậm chí là tăng mạnh như chỉ số tính năng động đạt 5,81 điểm so với 3,88 điểm năm 2016. Thậm chí so với năm 2014, khi tỉnh đứng ở vị trí thứ 13, thuộc nhóm khá, PCI của tỉnh cũng chỉ đạt 59,68 điểm. Nói như vậy không phải để tự an ủi mà để thấy, nỗ lực của chúng ta là thực chất, đi vào chiều sâu và được ghi nhận khách quan.
Tuy nhiên, có những chỉ số chúng ta bị thụt lùi như chỉ số gia nhập thị trường chỉ đạt 7,93 điểm so với 8,63 điểm của năm 2016; hỗ trợ doanh nghiệp đạt 5,69 điểm so với 6,03 điểm năm 2016…
Xét bình diện quốc gia, điểm số PCI tăng nhưng vị thứ và xếp hạng nhóm của từng đơn vị giảm cũng cho thấy môi trường kinh doanh đã có nhiều thay đổi, thông thoáng và lành mạnh hơn, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Ở cấp độ địa phương, thời gian qua hầu hết các tỉnh thành đều có nhiều nỗ lực cải cách nên đơn vị nào đạt hiệu quả cao hơn tất yếu sẽ có điểm số nhiều hơn và xếp hạng cao hơn.
Xếp hạng PCI hàng năm là chỉ báo tin cậy và khách quan về chất lượng điều hành cấp tỉnh. Vì vậy, điều cần thiết lúc này đối với chính quyền các địa phương là đúc rút kinh nghiệm tốt của những tỉnh, thành dẫn đầu trong cải cách thủ tục hành chính để vận dụng phù hợp vào thực tế địa phương nhằm cải thiện môi trường kinh doanh hiệu quả.
Hoàng Minh