Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc diễn đàn. Ảnh: Quochoi.vn
Tham dự tại điểm cầu Huế có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ; Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Sửu; Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Quang Tuấn; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, để đối phó với dịch bệnh, khắc phục những thiệt hại và tác động của dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH), các nước trên thế giới đã đưa ra nhiều gói giải pháp về tài khóa, tiền tệ khác nhau. Việt Nam đã sử dụng linh hoạt và khá đồng bộ các chính sách về tài khóa, tiền tệ cũng như các chính sách vĩ mô khác nhằm khắc phục thiệt hại và hỗ trợ phục hồi kinh tế trong đại dịch.
Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết, quyết định các khung khổ về chính sách, kế hoạch phát triển KT - XH, tài chính ngân sách, vay và trả nợ công, đầu tư công và kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2020 - 2025. Đồng thời, Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV vừa qua đã ban hành Nghị quyết giao Chính phủ xây dựng và triển khai theo thẩm quyền Chương trình tổng thể về phòng, chống dịch COVID-19 theo phương châm "thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh", đồng thời xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình tổng thể về phục hồi và phát triển kinh tế. Nghị quyết của Quốc hội cũng giao Chính phủ xây dựng các gói chính sách về tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ 2 chương trình này, phục vụ cho mục tiêu phòng, chống dịch COVID-19 cũng như phục hồi phát triển kinh tế để trình Quốc hội xem xét.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho biết, tại diễn đàn, các diễn giả, các nhà khoa học sẽ cập nhật, đánh giá những vấn đề mới nhất về tình hình phòng, chống dịch bệnh hiện nay trên toàn thế giới; phân tích, đánh giá, dự báo xu hướng và tác động của dịch bệnh, thực trạng của nền kinh tế thế giới hiện nay, xu hướng của thời gian tới - giai đoạn toàn cầu hóa và hội nhập, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã hội nhập rất sâu và rộng với nền kinh tế thế giới.
Đồng thời, các diễn giả sẽ chia sẻ kinh nhiệm quốc tế về phòng, chống dịch bệnh và phục hồi phát triển kinh tế cũng như những gợi ý chính sách, ý kiến đánh giá thực trạng nền kinh tế Việt Nam, kiến nghị đề xuất cho chương trình phục hồi kinh tế - xã hội, các gợi ý chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ để hỗ trợ cho phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.
Theo Chủ tịch Quốc hội, ''Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và Phát triển bền vững'' có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm góp phần làm rõ thêm các luận cứ khoa học và thực tiễn, kinh nghiệm quốc tế để Quốc hội, Chính phủ xem xét, giải quyết các gói chính sách, giải pháp về tài khóa và tiền tệ, vừa đáp ứng được yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19, vừa hỗ trợ cho mục tiêu phục hồi phát triển kinh tế và xã hội, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2022 và cho cả nhiệm kỳ 5 năm theo những mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể.
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Huế
Tại Thừa Thiên Huế, trong lãnh đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh kiên định thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch COVID-19 vừa phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, cơ cấu lại ngân sách Nhà nước theo hướng tăng dần tỷ trọng chi đầu tư phát triển, giảm tỷ trọng chi thường xuyên, phù hợp với diễn biến tình hình dịch COVID-19. Tiếp tục đẩy mạnh công tác thu ngân sách, chống thất thu ngân sách; điều hành chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; ưu tiên nguồn lực đối với các dự án trọng điểm, nhiệm vụ cấp thiết về an sinh xã hội, phòng, chống dịch bệnh, thiên tai.
Cùng với đó, tập trung hỗ trợ, đẩy nhanh tiến độ khởi công, thi công các dự án lớn, trọng điểm đã được cấp chủ trương đầu tư và đẩy nhanh tiến độ các dự án hoàn thành đưa vào hoạt động trong năm để tạo động lực tăng trưởng mới. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư; kiên quyết thu hồi, xử lý dứt điểm các dự án chậm tiến độ, kéo dài, vi phạm pháp luật về đất đai, đầu tư. Quan tâm đầu tư hoàn thiện hạ tầng các khu kinh tế, công nghiệp. Chú trọng đổi mới công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư theo hướng có trọng tâm, trọng điểm. Chuẩn bị kỹ lưỡng, nâng cao tính sẵn sàng của các dự án kêu gọi đầu tư. Thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư từ mọi thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân.
Đồng thời, nghiên cứu đề xuất các chính sách, cơ chế hỗ trợ, thu hút, tạo điều kiện phát triển du lịch trong tình hình mới; chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các ngành công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn; chính sách ưu đãi hỗ trợ đầu tư vào các ngành, lĩnh vực có lợi thế, nhất là đối với các nhà đầu tư lớn, có thương hiệu. Thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp thành lập mới, cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh...
Tại diễn đàn, các tham luận tập trung đánh giá các tác động của đại dịch COVID-19 đến kinh tế thế giới và Việt Nam; kinh nghiệm quốc tế về phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; gợi ý chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; nguồn lực và huy động nguồn lực; đánh giá tác động chính sách và một số kiến nghị...
Tin, ảnh: Thái Bình