Đại dịch COVID-19 kéo dài gần 2 năm qua khiến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam nói riêng và các nước trên thế giới nói chung bị đình trệ. Hiện nay, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128 về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, tạo điều kiện cho việc khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội. Làm gì và làm như thế nào để phục hồi phát triển kinh tế - xã hội là câu hỏi, thách thức đặt ra lúc này không chỉ đối với doanh nghiệp mà cả ở tầm quốc gia, quốc tế.
Tại phiên họp Chính phủ chuyên đề tháng 11/2021 mới đây, Chính phủ bàn đến việc xây dựng đề án Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính, mục tiêu đặt ra là thúc đẩy phục hồi, tăng trưởng kinh tế, tạo ra động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội, nhưng phải đảm bảo nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát lạm phát và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.
Với “đề bài” này, các bộ, ngành liên quan sẽ xác định các mục tiêu, giải pháp, đề xuất các chính sách đồng bộ và cụ thể cho từng ngành, từng lĩnh vực nhằm vừa giải quyết các vấn đề trước mắt, vừa tính tới các vấn đề lâu dài của đất nước. Với yêu cầu cấp bách hiện nay, đề án này chắc chắn sẽ sớm hoàn thành, thông qua và triển khai thực hiện để kịp thời thúc đẩy phục hồi, tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm, tạo đà thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.
Theo dự đoán của cá nhân, đề án này sẽ có sự điều chỉnh về chính sách tài khóa, đầu tư công và chính sách hỗ trợ các ngành, các doanh nghiệp, thành phần kinh tế thông qua việc khai thác hiệu quả, phát huy các nguồn lực của cả Nhà nước và nguồn lực xã hội; các chính sách hỗ trợ lãi vay; miễn, giảm, hoãn, giãn nộp các khoản thuế… Ngoài ra, có thể có thêm các gói hỗ trợ lớn để giúp các doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Bởi thực tế hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp đang khát vốn để khôi phục sản xuất, trả lương giữ chân người lao động hoặc mở rộng sản xuất.
Tuy nhiên, với tác động của dịch COVID-19 các ngành, các lĩnh vực bị ảnh hưởng quá rộng, số lượng doanh nghiệp lại quá lớn, trong khi nguồn lực của Nhà nước có hạn, nên cần có sự tính toán hỗ trợ phục hồi phù hợp với từng ngành, từng lĩnh vực. Ngay từng địa phương, cần căn cứ tình hình, yêu cầu của phát triển để có sự ưu tiên hỗ trợ, đầu tư khôi phục phát triển các ngành cụ thể.
Chẳng hạn, với Thừa Thiên Huế, du lịch - dịch vụ là ngành kinh tế mũi nhọn nhưng cũng là ngành bị chịu tác động nặng nề nhất. Theo báo cáo của UBND tỉnh, trong 10 tháng đầu năm, lượng khách du lịch giảm 55,2%, doanh thu giảm 69,7% so với cùng kỳ năm 2020. Trong khi đó, năm 2020 ngành du lịch vốn đã ngưng trệ, nhiều doanh nghiệp tê liệt, càng cho thấy sự khó khăn của ngành du lịch. Đây sẽ là ngành cần ưu tiên hỗ trợ phục hồi nhất trong thời gian tới.
Hoặc với các doanh nghiệp sản xuất lĩnh vực dệt may, sản xuất đồ gỗ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, các doanh nghiệp ứng phó tốt, ít bị ảnh hưởng mà còn tranh thủ đón các đơn hàng dịch chuyển từ phía nam ra, tăng đáng kể kim ngạch xuất khẩu. Như vậy, dù là ngành có chiều hướng phục hồi tốt, nhưng khó khăn của các doanh nghiệp lại nằm ở việc đổi mới trang thiết bị, đầu tư chiều sâu để phát triển bền vững hơn. Như vậy, cách thức hỗ trợ cũng cần phải khác hơn các doanh nghiệp thiếu vốn, thiếu lao động…
Chọn đúng lĩnh vực, đầu tư có trọng điểm, gỡ được các điểm nghẽn của chuỗi cung ứng sản xuất, lưu thông hàng hóa nói riêng, nền kinh tế nói chung; khơi thông, lồng ghép sử dụng hiệu quả các nguồn lực; sự đồng hành của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân… sẽ là “chìa khóa” để khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn bình thường mới hiện nay.
Hoàng Minh