ClockThứ Sáu, 26/11/2021 11:06

Gói phục hồi kinh tế hiệu quả, Việt Nam sẽ lấy lại tốc độ tăng trưởng cao

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng Đề án chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023. Đây là chương trình phục hồi kinh tế sẽ có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Dự kiến, vào tháng 12 tới, tại cuộc họp chuyên đề, Quốc hội sẽ xem xét nhiều nội dung; trong đó, có việc xem xét thông qua gói hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hộiDiễn đàn Tài chính Việt Nam 2021: Bàn giải pháp phục hồi, phát triển kinh tếThương mại tự do là chìa khóa để phục hồi sau đại dịch COVID-19APEC 2021: Thảo luận kế hoạch thúc đẩy Tầm nhìn APEC 2040

Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty Youngbag ViiNa khu Công nghiệp Bình Xuyên, Vĩnh Phúc. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, nếu đề án phục hồi và phát triển kinh tế này được thực hiện nhanh, hiệu quả thì Việt Nam có thể lấy lại tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5% trong năm 2022 và đạt được mức tăng trưởng cao hơn trong năm 2023.

Gói hỗ trợ lớn với thời gian phù hợp

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thành dự thảo Đề án Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023 trình Chính phủ cho ý kiến thông qua để triển khai các bước tiếp theo; trình các cấp có thẩm quyền, đó là trình Bộ Chính trị cho ý kiến về chủ trương, đường hướng và trình Quốc hội để xem xét thông qua các giải pháp, cơ chế chính sách. Đặc biệt, là các giải pháp, chính sách liên quan đến tài khóa và tiền tệ thuộc đến thẩm quyền của Quốc hội.

Hiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, nhất là các cơ quan trong tổ điều hành vĩ mô như: Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và Văn phòng Chính phủ để hoàn thiện báo cáo có chất lượng để trình các cấp có thẩm quyền.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho hay, có 5 nhóm chính sách được đề xuất tại chương trình. Đó là, nhóm phòng chống dịch bệnh và công tác y tế; trong đó, đề cập tới việc cung ứng vaccine, biện pháp phòng chống dịch bệnh, xét nghiệm, cách ly, điều trị... Tất cả giải pháp này đều cần tới kinh phí và đây là điều kiện tiên quyết để thực hiện các gói giải pháp khác.

Nhóm thứ hai là giải pháp an sinh xã hội thể hiện quan điểm của Đảng và Nhà nước là vừa phát triển kinh tế gắn liền với đảm bảo đời sống an sinh xã hội. Nhóm giải pháp này được nghiên cứu, mở rộng thêm nhiều đối tượng bị ảnh hưởng như công nhân trong các khu công nghiệp với các giải pháp phát triển nhà ở xã hội và nhà ở công nhân; cho vay ưu đãi với đối tượng như học sinh sinh viên, cơ sở giáo dục mầm non...

Nhóm 3 là giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, tập trung chủ yếu về giải pháp về tài khóa như giãn, hoãn, giảm thuế, phí, lệ phí đã được thực hiện trong thời gian qua sẽ được nghiên cứu rà soát và tiếp tục thực hiện. Đồng thời, triển khai chính sách tiền tệ, cho vay ưu đãi thông qua công cụ hỗ trợ lãi suất, có nguồn lực hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi.

Nhóm 4 đẩy mạnh đầu tư công. Nhóm này có ý nghĩa kép là vừa kích thích chi tiêu đầu tư công tức thời và có ý nghĩa lâu dài là tạo ra kết cấu hạ tầng hiệu quả cho nền kinh tế. Nhóm 5 là giải pháp về quản lý điều hành, bảo đảm cân đối vĩ mô, kiểm soát lạm phát, kiểm soát rủi ro.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, khi nghiên cứu tình hình trong và ngoài nước, Bộ nhận định cần có gói hỗ trợ lớn với thời gian phù hợp; đảm bảo cân đối vĩ mô, có hỗ trợ cả phía cung và cầu. Đồng thời, gắn chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ; phù hợp với kế hoạch tài chính công, tái cơ cấu nền kinh tế, tính cả dài hạn như xuất khẩu, tiêu dùng nội địa, đảm bảo khả thi, hỗ trợ trọng tâm, trọng điểm…

“Theo đó, chính sách hỗ trợ sẽ tập trung cho các đối tượng là người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, ngành lĩnh vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch, những ngành có tiềm năng phục hồi nhanh, đóng góp lớn cho nền kinh tế. Dự tính thời gian thực hiện hỗ trợ trong 2 năm 2022 - 2023 và nếu thông qua ngay vào kỳ họp cuối năm sẽ thực hiện ngay vào đầu năm 2022”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng bày tỏ.

Cần tính toán khoa học

Mặc dù đến nay, quy mô gói hỗ trợ phục hồi kinh tế vẫn chưa được quyết định nhưng được dự báo là quy mô hỗ trợ lớn nhất từ trước tới nay. Theo các chuyên gia, để đảm bảo hiệu quả, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế này cần được tính toán sát hơn, khoa học và đúng bản chất hơn.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 đạt từ 6-6,5%, Việt Nam cần có gói hỗ trợ phục hồi kinh tế đủ lớn. TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương (CIEM) chỉ ra, nhìn lại cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ xảy ra năm 1997-1998, tăng trưởng GDP của Việt Nam bị tác động giảm xuống mức sâu 4,77% (năm 1999), đến khi bật trở lại chỉ lên được 6,79%, tức tăng trên 2%.

Cuộc khủng hoảng thứ 2 là giai đoạn 2008-2011, tăng trưởng GDP lùi về mức 5,2% và sau đó tăng lên 6,4%, tức là tăng trên 1%. Như vậy, để hồi phục kinh tế, Việt Nam khó có bước nhảy vọt mà phải mất nhiều năm. Trong khi đó, mức tăng trưởng GDP đã xuống rất sâu vào năm 2020 là 2,91% và dự kiến năm 2021 chỉ khoảng 2%. Mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 lên từ 6-6,5% là bước nhảy vọt 4% trên mức “nền” thấp của năm 2021. Vì vậy, để tăng trưởng đột phá, gói hỗ trợ cũng phải ở mức đột phá.

Nhìn ra thế giới, các nước, đặc biệt là các nước phát triển đã chi ra mức hỗ trợ từ 20-40% GDP. Theo TS. Nguyễn Đình Cung, các nước không chỉ tăng chi tiêu cho y tế, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, còn hỗ trợ cả thu nhập của người dân và doanh nghiệp. Do đó, người dân mất việc làm, giảm tiền lương nhưng không giảm thu nhập. Vì thế, khi hết giãn cách xã hội, cuộc sống trở lại bình thường, nhu cầu chi tiêu của người dân tăng vọt. Từ đó, tăng trưởng kinh tế cũng bật lên rất nhanh và Mỹ là một điển hình.

Còn chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, không thể đưa ra một chương trình phục hồi tốt nếu như không biết rõ thực trạng của nó. Do vậy, phải có một đánh giá đầy đủ hơn, chính xác hơn về thực trạng, nhất là về tác động của dịch vừa qua đối với doanh nghiệp, với lao động, việc làm đối với một số lĩnh vực ngành nghề khác nhau. Để chương trình phục hồi này khả thi cần xác định rõ tính mục tiêu và đối tượng để phục hồi, hỗ trợ.

Khảo sát gần đây của VCCI cho thấy, có xấp xỉ 94% doanh nghiệp chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch; khoảng 71% doanh nghiệp tiếp tục giảm doanh thu so với năm trước đó.

Phó Chủ tịch VCCI, ông Hoàng Quang Phòng cho hay, ngày 11/10/2021, Nghị quyết số 128/NQ-CP do Chính phủ ban hành về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 chính thức có hiệu lực và được các doanh nghiệp đánh giá là giải pháp kịp thời, giúp "cởi trói" tinh thần cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, quá trình phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong điều kiện bình thường mới chắc chắn sẽ mất nhiều thời gian. Vì vậy, các doanh nghiệp mong mỏi các cơ chế, chính sách hỗ trợ cũng được ổn định và có thời hạn phù hợp.

“Các doanh nghiệp kỳ vọng sẽ sớm có một chương trình tổng thể phục hồi kinh tế được thiết kế khoa học, sát hợp với nhu cầu, điều kiện của các doanh nghiệp; có tính khả thi cao, làm cơ sở để các địa phương, các ngành và các doanh nghiệp xây dựng phương án phục hồi”, ông Hoàng Quang Phòng đề xuất.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, cần có đánh giá tác động đối với những cán cân lớn của nền kinh tế như: gói hỗ trợ sẽ tạo được việc làm và góp phần phục hồi tăng trưởng ra sao,  nghĩa vụ trả nợ như thế nào… phải tính toán rất cụ thể.

Đồng tình với quan điểm trên, chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành cho rằng, trước hết, chương trình phục hồi quy mô phải đủ lớn, diện bao phủ phải đủ rộng. Đồng thời, quan tâm, tập trung vào một số lĩnh vực trọng điểm. Những lĩnh vực quan tâm này chủ yếu dựa vào những đóng góp và mức độ thiệt hại cũng như là sự lan tỏa khi phục hồi của ngành đó đối với phát triển. “Bên cạnh đó, chương trình này phải đủ dài về mặt thời gian từ năm 2022 đến năm 2023 mới đảm bảo hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi”, TS. Võ Trí Thành khẳng định.

Cùng với đó, chính sách tài khóa là trọng yếu nhưng phải phối hợp cùng chính sách tiền tệ và các chính sách khác, đặc biệt là những chính sách liên quan đến kích cầu, kinh tế số, phục hồi xanh. Đồng thời, việc thiết kế chính sách đối với chương trình phục hồi kinh tế này phải sát hơn để đảm bảo hiệu quả.

Theo TTXVN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thắng đậm Myanmar 5-0, đội tuyển Việt Nam sẽ gặp Singapore ở bán kết

Tối 21/12, tại Sân vận động Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, đội tuyển Việt Nam đã có trận đấu gặp đội tuyển Myanmar trong khuôn khổ bảng B, giải vô địch bóng đá Đông Nam Á (ASEAN Cup 2024). Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến xem, cổ vũ và tặng hoa cho các cầu thủ.

Thắng đậm Myanmar 5-0, đội tuyển Việt Nam sẽ gặp Singapore ở bán kết
ATIA: Du khách Australia đến Nhật Bản, Việt Nam và Indonesia tăng mạnh

Dữ liệu mới nhất từ Hiệp hội Du lịch Australia (ATIA) cho thấy, người dân nước này đang tiếp tục đi du lịch với số lượng kỷ lục, trong đó Nhật Bản, Việt Nam và Indonesia là những điểm đến ghi nhận mức tăng trưởng hàng đầu. ATIA cho biết chỉ riêng trong tháng 10/2024, đã có 1,66 triệu người Australia khởi hành đến các điểm đến quốc tế, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

ATIA Du khách Australia đến Nhật Bản, Việt Nam và Indonesia tăng mạnh
Giải vô địch bóng đá Đông Nam Á - ASEAN Cup 2024
Việt Nam giành ngôi đầu bảng

Trong trận đấu ở bảng B tối 15/12 trên sân Việt Trì (Phú Thọ), dù được đánh giá cao hơn Indonesia về mọi mặt, đội tuyển Việt Nam khá vất vả mới giành trọn ba điểm nhờ sự tỏa sáng của đội trưởng Quang Hải.

Việt Nam giành ngôi đầu bảng

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top