ClockThứ Năm, 31/08/2023 13:29

Đọc lại bản tuyên cáo đầu tiên của Ủy ban Nhân dân cách mạng Thừa Thiên

TTH - Ngày 19/8/1945, Hà Nội giành được chính quyền, tiếp đến các tỉnh miền Trung từ Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên đến Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi… Ủy ban Nhân dân cách mạng các tỉnh này đã lần lượt ra đời.
Bản Tuyên cáo Quốc dân in trên báo Quyết Chiến, số 1 ra ngày 27/8/1945. Ảnh: Tư liệu 

Chiều ngày 23/8/1945, tại Sân vận động Bảo Long (nay là Sân vận động Tự do) hơn 15 vạn đồng bào Thừa Thiên Huế tham dự mít tinh, chứng kiến Ủy ban Nhân dân cách mạng tỉnh được thành lập do ông Tôn Quang Phiệt làm Chủ tịch, ông Hoàng Anh làm Phó Chủ tịch và một số ủy viên ủy ban. Trước toàn thể đồng bào, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cách mạng Thừa Thiên đã dõng dạc đọc bản Tuyên cáo bày tỏ quan điểm và chủ trương của Mặt trận Việt Minh nhằm giữ ổn định tình hình an ninh chính trị khi cách mạng vừa nắm chính quyền.

Để bạn đọc có cơ sở tham khảo về những tài liệu công bố lần đầu tiên khi vừa giành được chính quyền cách nay đã 78 năm, chúng tôi in lại nguyên văn bản Tuyên cáo đầu tiên của Ủy ban Nhân dân cách mạng Thừa Thiên trên báo Quyết Chiến, cơ quan ủng hộ chính quyền Nhân dân cách mạng, thực chất là cơ quan ngôn luận của Thị ủy Thuận Hóa và Tỉnh ủy Thừa Thiên, số 1 ra ngày 27/8/1945:

“Quốc dân đồng bào!

Chính quyền của Nhật ở Đông Dương đã bị thủ tiêu.

Chính phủ bù nhìn đã đổ nát.

Kể từ nay, Chính quyền Nhân dân cách mạng thành lập.

Ngày giải phóng của Quốc gia đã đến.

Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đương xuất hiện.

Với Chính quyền của Nhân dân, đời sống độc lập, tự do và hạnh phúc của quốc dân ta bắt đầu. Trung thành với chính sách của Mặt trận Việt Nam độc lập Đồng Minh (gọi tắt là Việt Minh) lâm thời Chính phủ Nhân dân sẽ cương quyết thi hành những phương sách cách mạng để mang lại hạnh phúc thực tế cho hết thảy các giới đồng bào.

Sau tám mươi năm đau khổ và chiến đấu anh dũng chống ngoại địch, tốn biết bao nhiêu máu xương, quốc dân ta có quyền được hưởng tất cả những sung sướng của một dân tộc độc lập tự do.

Nhưng những sung sướng ấy quyết nhiên chưa thể được thực hiện hoàn toàn tức khắc. Chính quyền cách mạng đương thiết lập trên một nền kinh tế điêu tàn mà ngoại địch để lại. Nền độc lập của đất nước chưa được hoàn toàn đảm bảo. Chúng ta mới thoát khỏi ách thực dân Pháp, phát xít Nhật. Nhưng những lực lượng có thể uy hiếp nền độc lập của dân tộc ta còn bao vây chúng ta. Hãy coi chừng! Có thể còn những âm mưu ngoại xâm, có thể còn những sức phản động chưa tuyệt căn trong nước. Quốc dân hãy khoan say sưa với nền độc lập mới xây dựng, hãy khoan đòi hỏi những hạnh phúc chưa phải lúc mà quên những hiểm nguy trước mắt và sau lưng.

Ngày nào chính quyền cách mạng của Nhân dân chưa được hoàn toàn vững chắc, thì ngày đó còn cần một sức võ trang hết sức ráo riết của toàn dân, một nỗ lực hy sinh cực độ, một tinh thần phấn đấu dũng cảm, một ý chí quyết thắng mãnh liệt của toàn quốc đồng bào.

Vì mục đích bảo vệ quốc gia cách mạng, vì quyền độc lập thiêng liêng của dân tộc, lâm thời Chính phủ đảm nhận trách nhiệm dùng mọi phương sách cách mạng cần thiết để hướng dẫn quốc dân theo một mục đích duy nhất cứu quốc cho đến khi quyền tự do của đất nước không còn bị hăm dọa bởi một lực lượng phản động nào bất cứ trong hay từ ngoài, cho đến khi nền độc lập của dân tộc ta được quốc tế cộng nhận.

Quốc dân đồng bào! Cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc có thể còn gian lao gay gắt, nhưng một ngày mai gần gũi và huy hoàng đương bừng lên trước mắt chúng ta. Sự cố kết của toàn dân là điều kiện cốt yếu để biểu dương một sức mạnh khiến nội phản phải tuyệt căn, ngoại xâm phải lùi bước. Quốc dân đồng bào! Hãy đoàn kết nhất trí hơn lúc nào hết chung quanh chính quyền cách mạng. Nếu cần, hãy hy sinh đến giọt máu cuối cùng cho độc lập của Tổ quốc. Nhân dân cách mạng toàn thế giới đương thân mến nhìn theo ta và sẵn sàng giúp ta trên bước đường giải phóng.

Toàn quốc đồng bào! Hãy tin tưởng ở sự thành công của cách mạng và đồng thanh hô to:

Chính quyền Nhân dân cách mạng muôn năm!

Việt Nam cộng hòa dân chủ muôn năm!

Lâm thời Chính phủ Nhân dân cách mạng Thừa Thiên”.

Bản Tuyên cáo chính trị này được công bố đã 78 năm trước, ngày nay đọc lại chúng ta vẫn cảm nhận được không khí sục sôi của những ngày khởi nghĩa giành chính quyền của Nhân dân Thừa Thiên Huế trong cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Dương Phước Thu
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tạo chuyển biến về tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng

Ngày 1/4, Đảng ủy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh tổ chức sơ kết 3 năm thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị khoá XIII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khoá XII, 2 năm thực hiện Nghị quyết số 847-NQ/QUTW của Quân uỷ Trung ương về phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới (2021-2023).

Tạo chuyển biến về tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng
KỶ NIỆM 110 NĂM NGÀY SINH ĐẠI TƯỚNG NGUYỄN CHÍ THANH (1/1/1914 - 1/1/2024)
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với báo chí cách mạng ở Thừa Thiên Huế

Sinh thời đồng chí Nguyễn Vịnh - Đại tướng Nguyễn Chí Thanh không chỉ là nhà hoạt động chính trị xuất sắc, vị tướng quân đội mưu lược tài năng, mà còn là một nhà báo cách mạng bậc thầy, một cây bút chính luận sắc bén. Ông đã luận giải được những câu hỏi nóng bỏng từ đồng ruộng đến chiến trường, từ cơm áo người nông dân đến chiến lược đánh giặc giữ nước. Đồng chí có nhiều bí danh, bút danh như: Trường Sơn, Phan Chinh, Bích, Triều Dương, Hà, Sáu Di, Sáu, Ý, Thao, Hạ sĩ Trường Sơn ký dưới nhiều tác phẩm sách, báo… được đông đảo bạn đọc ngưỡng mộ.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với báo chí cách mạng ở Thừa Thiên Huế
Kỷ niệm 106 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (7/11/1917-7/11/2023)
Vận dụng sáng tạo những kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 - cuộc cách mạng vô sản đầu tiên trên thế giới, là bài học kinh nghiệm quý cho các quốc gia, dân tộc trong cuộc đấu tranh cách mạng vì độc lập dân tộc.

Vận dụng sáng tạo những kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười
Dòng hồi ức sau Cách mạng tháng Tám

Trong hồi ký của mình, bà Trần Thị Như Mân, phu nhân học giả Đào Duy Anh viết: “Cách mạng tháng Tám thành công. Sau cuộc biểu tình lớn ở Sân vận động thành phố ngày 23 tháng 8, chính quyền do Nhật dựng lên ở Huế bị sụp đổ. Gia đình chúng tôi phấn khởi đón chào thắng lợi của cách mạng. Ngoài cô Đính là người đã tham gia cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Huế, khi đó tôi mới biết có một số anh là học sinh trường Thuận Hóa ở trong nhà tôi cũng đã tham gia Việt Minh từ trước”. Những dòng này cho thấy sự chuẩn bị chu đáo của lực lượng cách mạng, xây dựng thế trận, chuẩn bị, bố trí lực lượng ứng phó trước những diễn biễn cấp thiết, cấp tốc mà nhiệm vụ của cuộc cách mạng đặt ra.

Dòng hồi ức sau Cách mạng tháng Tám
Buổi chiếu cuốn phim cách mạng đầu tiên tại Huế

Đầu tháng 6 năm 1946, suốt mấy hôm liền, Nha Thông tin Tuyên truyền Trung Bộ đã cho chiếu tại Nhà Đại chúng (Trụ sở Hội Quảng tri cũ đóng ở đường Hàng Bè, nay là đường Huỳnh Thúc Kháng) ở Thuận Hóa hai cuốn phim “Sức sống của 25 ngàn dân Việt trên đất Pháp” và “Cuộc tiếp đón phái bộ Phạm Văn Đồng của Việt kiều ở Pháp”. Đêm cuối cùng hai cuốn phim này được đem ra chiếu giữa trời tại vườn hoa Nguyễn Hoàng, đường Trần Hưng Đạo. Buổi chiếu hai cuốn phim đã thu hút hơn một vạn người đến xem, đứng kín cả công viên và tràn ra đường phố.

Buổi chiếu cuốn phim cách mạng đầu tiên tại Huế

TIN MỚI

Return to top