ClockThứ Sáu, 23/08/2024 12:17

Những dấu ấn hoạt động cách mạng ở chợ Đông Ba

TTH - Chợ Đông Ba vừa tổ chức kỷ niệm 125 năm ngày xây dựng và phát triển (1899 – 2024). Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, những tiểu thương ưu tú của chợ Đông Ba đã tham gia cách mạng, một lòng theo Đảng đấu tranh, kiên cường kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng. Trong tiến trình đó, những ngày đầu cách mạng ở chợ Đông Ba đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng đóng góp chung cho sự lớn mạnh của Thành ủy Huế nói riêng, tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung.

Đổi thay từ “ngôi nhà” 125 năm tuổiTiểu thương Đông Ba và chuyện học ngoại ngữChợ Đông Ba giảm giá thu hút khách du lịch

Đông Ba - ngôi chợ gắn với văn hóa Huế, tròn 125 tuổi. Ảnh: N. Hòa 

Những dấu ấn ban đầu và sự ra đời của Chi bộ Đông Ba

Mùa xuân năm 1899, Vua Thành Thái cho dời chợ Đông Ba ra vị trí hiện nay. Từ khi thành lập chợ, giới tiểu thương đã thể hiện tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc hưởng ứng các phong trào cách mạng, các cuộc vận động. Tháng 3/1929, Đại hội đại biểu Kỳ bộ Trung Kỳ của Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội được triệu tập ở Huế. Khoảng 30 đại biểu khắp cả nước đã về dự tại nhà chị Nguyễn Thị Hồng - tiểu thương chợ Đông Ba. Từ thời điểm đó trở đi, tiểu thương chợ Đông Ba đã tham gia nhiều hoạt động yêu nước và cách mạng, như các phong trào bãi thị để phản đối thuế khóa, tham gia lực lượng đón Gô-đa với biểu tượng tiểu thương là những đôi thúng… 

Từ năm 1937, Thành ủy Huế thành lập một số chi bộ ghép để chỉ đạo hoạt động các địa bàn. Giữa năm 1937, tại ngôi nhà của ông bà Lê Hữu Thái, Phan Thị Lộc - thân sinh đồng chí Lê Văn Kinh ở phường Phú Hội; các đồng chí: Tô Thị Sương - tiểu thương chợ Đông Ba, Trần Mạnh Cát, Lê Văn Kinh thành lập “Chi bộ Tiểu thương”, do đồng chí Tô Thị Sương làm Bí thư. Chi bộ ghép này còn mang tên “Chi bộ Tam Giác” do ba đảng viên trong chi bộ ở ba góc của thị xã Thuận Hóa. “Chi bộ Tiểu thương” được xem là chi bộ đảng đầu tiên mà tiểu thương chợ Đông Ba tham gia làm cách mạng.

Cuối năm 1938, từ chỗ chỉ có vài chi bộ ghép, thị xã Thuận Hóa đã phát triển thành nhiều chi bộ, như chi bộ thợ may, chi bộ tiểu thương, chi bộ học sinh… với 29 đảng viên. Chi bộ tiểu thương chợ Đông Ba thành lập. Chị tiểu thương hàng chuối Chế Thị Niệm được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Từ đó cho đến năm 1954, Chi bộ chợ Đông Ba đã có nhiều hoạt động sôi nổi, góp phần vào thắng lợi chung. Chẳng hạn năm 1949, Chi bộ chợ Đông Ba được tái lập, thành lập tổ công tác mang tên Nguyễn Thị Minh Khai, giải thoát cho 48 Việt kiều yêu nước ở Paris bị Pháp trục xuất về Huế lên chiến khu. Hay năm 1951, cơ sở phụ nữ chợ Đông Ba đã cho nổ mìn, ném lựu đạn đốt cháy kho hậu cần của Pháp đặt trong chợ. Cuối năm này, hàng ngàn chị em tiểu thương chợ Đông Ba biểu tình ở cửa Thượng Tứ, giải thoát được 200 trong tổng số 1.800 thanh niên Huế bị bắt lính, giúp họ trở về quê quán.

Dấu ấn trong phong trào đô thị

Trong kháng chiến chống Mỹ, các cơ sở cách mạng ở chợ Đông Ba đã kết nối với Thành ủy Huế liên tục, không bị gián đoạn dù bị địch lùng sục, đàn áp rất dữ dội. Đây là một đặc điểm độc đáo, các cơ sở ở chợ Đông Ba vừa là nơi cung cấp thông tin vừa tiếp tế, che chở, nuôi giấu cán bộ. Các cơ sở này đã kết nối thông tin cho các vùng nội thành, ngoại thành và chiến khu, kết nối trong giới nhân sĩ - trí thức, tiểu thương và Nhân dân lao động, kết nối trong học sinh, sinh viên. Nhờ vậy thông tin liên lạc giữa chiến khu và nội, ngoại thành Huế được triển khai rất nhanh.

Những hoạt động yêu nước và cách mạng qua các thời kỳ nói chung, phong trào đấu tranh đô thị ở Huế trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói riêng hầu hết đều có sự ủng hộ của tiểu thương chợ Đông Ba. Chợ Đông Ba luôn là một “căn cứ” vững chắc của phong trào cách mạng thành phố Huế nói chung. Không có một cuộc xuống đường nào của thanh niên, học sinh, sinh viên, các giới, các tầng lớp nhân dân ở Huế mà lại vắng mặt chị em tiểu thương chợ Đông Ba. Bởi vì, mọi cuộc xuống đường đều được tiến hành qua cầu Trường Tiền, sang đường Trần Hưng Đạo và dừng trước chợ Đông Ba. Các cuộc xuống đường phần lớn do  thanh niên, học sinh, sinh viên đóng vai trò xung kích; các tầng lớp nhân dân ở Huế, chị em tiểu thương chợ Đông Ba đóng vai trò hậu cần, hậu phương vững chắc. Ngày 1/7/1970, tại đình chợ Đông Ba đã diễn ra một sự kiện đáng ghi nhớ. Lực lượng sinh viên, học sinh Sài Gòn, Cần Thơ, Đại học Vạn Hạnh, Đại học Huế sau khi bị chính quyền Sài Gòn khủng bố, đã được bà con, chị em tiểu thương chợ Đông Ba mời lên lầu Chuông tổ chức hội thảo chống Mỹ.

Ngày 30/4/1975, lực lượng lao động, tiểu thương chợ Đông Ba được Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng thưởng Huân chương Giải phóng hạng Nhất. Tiểu thương chợ Đông Ba là một trong số đoàn thể được Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam khen thưởng sớm nhất.

Xây dựng hình ảnh chợ Đông Ba văn minh trong thời kỳ mới

Năm 1985 có hai sự kiện quan trọng. Thứ nhất, thành lập Chi bộ chợ Đông Ba trực thuộc Thành ủy Huế. Thứ hai, UBND thành phố Huế ra Quyết định số 56/QĐ/UB về việc thành lập Ban Quản lý (BQL) chợ Đông Ba. Ngày 5/10/1986, chợ Đông Ba được chính quyền tỉnh Bình Trị Thiên (cũ) cho đại trùng tu. Ngày 2/9/1987, khánh thành chợ Đông Ba sau khi cải tạo xây dựng mới, đưa vào sử dụng. Ngày 13/2/2023, Ban Thường vụ Thành ủy Huế có quyết định chuyển Chi bộ BQL chợ Đông Ba thành Đảng bộ BQL chợ Đông Ba, gồm 5 chi bộ và 28 đảng viên.

Đảng bộ chợ Đông Ba nhận thức muốn phát triển chợ trong xu thế hội nhập, ngoài sự lãnh đạo của Đảng, phải dựa chủ yếu vào chị em tiểu thương, những chủ nhân thật sự của chợ. Đảng bộ vận động thực hiện xây dựng nếp sống văn minh đô thị, chợ văn minh - thương mại với phương châm “Văn minh, thân thiện là người Đông Ba”. Tiểu thương chợ Đông Ba đang nỗ lực phấn đấu, giành được nhiều thành tựu góp phần xây dựng phát triển chợ ngày càng giàu đẹp, khang trang, xứng đáng là một trong những biểu tượng sinh hoạt văn hóa, thương mại của vùng đất văn hóa Huế. Những thành tựu ấy đang góp phần cùng toàn tỉnh xây dựng đô thị di sản theo tinh thần Nghị quyết 54 - NQ/TW của Bộ Chính trị.

Đặng Ngọc Nguyên
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gần 1,7 tỷ đồng nâng cấp nhà bia di tích lịch sử Dốc Ba Trục

Thông tin trên được Văn phòng UBND huyện Phong Điền cho biết vào ngày 7/11, khi lãnh đạo huyện vừa ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư. Kinh phí đầu tư dự án (DA) này là 1,695 triệu đồng, nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước và nguồn huy động khác.

Gần 1,7 tỷ đồng nâng cấp nhà bia di tích lịch sử Dốc Ba Trục
Những nghị quyết “Thuận lòng trời - Hợp lòng người” và dấu ấn kiến tạo - Kỳ 2: Làm tròn trách nhiệm, tạo dựng niềm tin

Có một điều dễ dàng nhận thấy, trong chương trình mỗi kỳ họp của HĐND tỉnh, ngoài những vấn đề liên quan đến chương trình, đề án lớn của tỉnh, nhiều quyết sách liên quan đến đời sống dân sinh luôn được các đại biểu quan tâm. Từ đó, tạo dựng niềm tin trong dân, góp phần làm thay đổi một vùng đất.

Những nghị quyết “Thuận lòng trời - Hợp lòng người” và dấu ấn kiến tạo - Kỳ 2 Làm tròn trách nhiệm, tạo dựng niềm tin
Những nghị quyết “Thuận lòng trời - Hợp lòng người” và dấu ấn kiến tạo - Kỳ 1: Hiện thực hóa giấc mơ xuyên thế hệ

Là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng của người dân, đồng hành cùng sự phát triển của đất nước, quê hương, hoạt động của HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế luôn được đổi mới. Từ đầu nhiệm kỳ 2021 – 2026 đến nay, HĐND tỉnh đã ban hành trên 550 nghị quyết (NQ), trong đó có những NQ đã góp phần quan trọng trong việc kiến tạo và phát triển Thừa Thiên Huế trên bước đường trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Những nghị quyết “Thuận lòng trời - Hợp lòng người” và dấu ấn kiến tạo - Kỳ 1 Hiện thực hóa giấc mơ xuyên thế hệ
Dấu ấn áo xanh tình nguyện hè

25 năm qua, hàng triệu thanh niên Việt Nam nói chung và thanh niên Thừa Thiên Huế nói riêng đã cùng nhau chung sức, chung lòng trên hành trình trưởng thành của tuổi trẻ, đó là Chiến dịch Thanh niên tình nguyện (TNTN) hè.

Dấu ấn áo xanh tình nguyện hè

TIN MỚI

Return to top