Điều đó cho thấy tính chất quan trọng và mức độ quan tâm rất cao trong hoạt động giám sát của Quốc hội.
Điểm mới căn bản, quan trọng nhất chính là các nội dung được quyết định giám sát. Hai chuyên đề sẽ được Quốc hội quyết định giám sát tối cao trong năm 2022 là việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021; việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch được ban hành. Hai chuyên đề được giao Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát là việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo 5 năm 2016-2021; việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021. Đây là những nội dung rất thiết thực, rất cấp bách, rất đúng, trúng, được lựa chọn từ hàng chục nội dung khác cho thấy tính chất trọng tâm, trọng điểm, tác động lớn tới đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, được đông đảo cử tri và nhân dân quan tâm.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Quốc hội khóa 15 đã xác định việc đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Theo đó, sẽ phát huy sức mạnh tổng hợp các lực lượng tham gia giám sát, trong đó có vai trò của các chủ thể giám sát ở địa phương. Giám sát không chỉ dừng lại ở việc “kính chuyển đơn”, không phải là việc “bới lông tìm vết” mà là một trong những chức năng Quốc hội đang đẩy mạnh thực hiện “đúng vai” của mình trong xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa.
Cũng là một điểm mới rất rõ nét khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định một người chỉ tham gia duy nhất một Đoàn giám sát để tập trung thực hiện nhiệm vụ thay cho việc tham gia hai hoặc ba đoàn như trước, không có chuyện “đánh trống, ghi tên”, yêu cầu làm đến nơi, đến chốn. Đồng thời phải tôn trọng đối tượng giám sát, không sách nhiễu, không gây phiền hà, không “cua cậy càng, cá cậy vây”. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đặt ra yêu cầu rất cao. Theo đó, các thành viên cũng như trưởng, phó đoàn giám sát phải có bản lĩnh, dám nói thẳng, nói thật, tránh tình trạng phát hiện từ dưới cơ sở bằng “con voi” nhưng gọt giũa dần, khi lên đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì chẳng còn gì nữa. Giám sát trên tinh thần xây dựng, giữa “xây” và “chống” thì xây vẫn là căn bản, lâu dài; chống là quyết liệt, triệt để. Chủ tịch Quốc hội cũng dẫn lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh để làm rõ hơn quan điểm và cách giám sát. Đó là phải biến mọi con mắt, lỗ tai của nhân dân thành hàng triệu ngọn đèn pha để soi rọi, để không có chỗ ẩn nấp cho tiêu cực, cho lãng phí, quan liêu và tham nhũng.
Quan điểm chung được Chủ tịch Quốc hội quán triệt rất rõ là giám sát đúng và trúng; chỉ rõ địa chỉ, nêu ra trách nhiệm giải trình của các cá nhân, tổ chức và kiến nghị, đề xuất sửa đổi chính sách, pháp luật nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật của Nhà nước; đưa ra kiến nghị, đề xuất sắc sảo và theo dõi đến cùng việc tổ chức thực hiện các kiến nghị, kết luận giám sát. Nếu trong quá trình giám sát, phát hiện những dấu hiệu sai phạm thì sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để nâng cao hiệu quả giám sát của Quốc hội; cụ thể hóa trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân. Bên cạnh đó, sẽ giám sát lại những người đi giám sát. Mục tiêu cao nhất là vì sự phát triển của đất nước, tạo ra sự chuyển biến căn bản trong từng lĩnh vực giám sát, đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân cả nước và yêu cầu của Đảng, Nhà nước.
Đáng chú ý, vai trò của cơ quan báo chí được xác định rõ và đề cao trong hoạt động giám sát của Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu các cơ quan truyền thông, báo chí Trung ương và địa phương tham gia sâu rộng vào quá trình giám sát của Quốc hội. Đặc biệt, nâng cao tính phát hiện, cung cấp thông tin liên quan đến các chủ đề này.
Có thể thấy, hoạt động giám sát của Quốc hội đã đi vào chiều sâu, có nhiều đổi mới, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng được sự mong đợi và kỳ vọng của nhân dân, cử tri.
H.Thanh