Trang nhất Báo Thừa Thiên Huế phát hành ngày 2/8
Theo lãnh đạo Đại học Huế, Hội đồng tuyển sinh ĐH Huế sẽ họp thảo luận và công bố điểm chuẩn tất cả 137 ngành của các đơn vị thành viên và trực thuộc ngay trong ngày 8/8. Song song với thông tin kết quả trúng tuyển, ĐH Huế cũng sẽ thông tin thời gian dự kiến nhập học để thí sinh nắm và nhanh chóng làm các thủ tục xác nhận nhập học. Năm nay, sẽ có 3 hình thức để thí sinh xác nhận nhập học là trực tuyến (online), nộp trực tiếp tại bộ phận tuyển sinh của ĐH Huế và nộp qua đường bưu điện. ĐH Huế dự kiến thời gian nhập học từ ngày 20 – 26/8 cho các đơn vị thành viên và trực thuộc (trang 5, chuyên mục Giáo dục).
Về lĩnh vực du lịch, nổi bật trên trang 2 là bài viết “Khai thác, phát triển du lịch cộng đồng còn lúng túng”. Bài viết nêu thực tế đáng trăn trở: “Nhiều mô hình du lịch cộng đồng trên địa bàn toàn tỉnh nhận được sự hỗ trợ của các dự án, tổ chức phi Chính phủ ở giai đoạn khởi đầu. Sau khi dự án bàn giao lại cho địa phương, hầu hết các điểm du lịch rơi vào thế bị động”. Ngay cả những điểm đến hấp dẫn của Huế như Cầu ngói Thanh Toàn và làng cổ Phước Tích, sau thời gian dài đi vào hoạt động vẫn chưa có bước đột phá về thu hút lượng khách và đổi mới sản phẩm.
Cũng trên trang 2, chuyên mục Theo dòng thời sự đặt ra vấn đề nổi cộm hiện nay, đó là tình trạng “đội lốt” hàng Việt đang diễn ra trong hoạt động xuất-nhập khẩu. Bài viết nêu thực trạng: “Việc gian lận này có cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lẫn doanh nghiệp Việt. Họ tìm cách lách luật, thậm chí bắt tay nhau để làm ăn gian dối dẫn đến một số quốc gia áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại hạn chế nhập khẩu hàng Việt Nam đối với một số ngành hàng như thép, nhôm, xe đạp…”.
Một trong những thông tin đáng chú ý trên trang 3 là bài viết “Bảo vệ biển đảo theo luật biển quốc tế” (tác giả Phước Khánh). Trong bối cảnh Trung Quốc vừa có hành động cho tàu Hải Dương 8 xâm phạm vùng biển Việt Nam tại bãi Tư Chính, bài báo nêu quan điểm: “Bãi Tư Chính có đặc điểm nằm hoàn toàn trong vùng lãnh hải 200 hải lý của Việt Nam theo quy định Luật Biển quốc tế. Tuy nhiên, phía Trung Quốc lại cho rằng, bãi Tư Chính nằm trong đường 9 đoạn (đường lưỡi bò) do Trung Quốc đưa ra và coi như đây là vùng biển của họ. Đường lưỡi bò chiếm hơn 60% diện tích Biển Đông là trái hoàn toàn với Luật UNCLOS và phán quyết của Tòa án Quốc tế ngày 12/7/2016. Theo luật thì đây là vùng biển của Việt Nam,không có tranh chấp với bất cứ quốc gia nào,tuy nhiên Trung Quốc muốn biến nó thành vùng tranh chấp để gây khó khăn cho Việt Nam trong thăm dò và hợp tác khai thác tài nguyên biển.Với vùng biển Tư Chính, chúng ta đang có ở đây các nhà dàn DK1 dựng cắm vào đáy biển và có lực lượng vũ trang chốt giữ từ 20 năm nay. Đó là cơ sở pháp lý để xác định chủ quyền,quyền tài phán trong khu vực bãi Tư Chính. Đây là vùng có bãi đá san hô ngầm dài hơn 63km, rộng 11km với trữ lượng dầu mỏ và khí đốt lớn đầy tiềm năng. Khu vực này,Việt Nam đang hợp tác với các công ty lớn của các nước đang tổ chức thăm dò. Chủ quyền thực sự bãi Tư Chính theo Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển 1982 chúng ta đang được các nhà khoa học, các nước trên thế giới công nhận, ủng hộ”.
Về lĩnh vực kinh tế, bài viết trên trang 4 thông tin đến bạn đọc vấn đề liên quan đến chính sách cởi mở của Huế nhằm thu hút, thúc đẩy công nghệ thông tin. Bài “HueCIT gia nhập Chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung: Bước ngoặt về chính sách phát triển” cho biết: HueCIT được xem là nơi hội tụ của các doanh nghiệp (DN) CNTT trên địa bàn tỉnh, với chức năng “Tổ chức công viên công nghệ phần mềm và cung cấp dịch vụ tiện nghi về cơ sở hạ tầng CNTT, quản lý vườn ươm CNTT và công nghiệp kỹ thuật số, hỗ trợ cho các DN CNTT phát triển, đồng thời kêu gọi các DN CNTT đầu tư vào Thừa Thiên Huế”. Từ năm 2012, HueCIT triển khai nhiều hoạt động với mục đích hỗ trợ các DN khởi nghiệp trong ngành CNTT có được những điều kiện phát triển thuận lợi nhất cũng như thu hút các DN CNTT về đầu tư tại Thừa Thiên Huế.
Kính giới thiệu đến bạn đọc !
BÁO THỪA THIÊN HUẾ