ClockThứ Tư, 31/01/2024 07:14

Đưa một ý “thiện” vào văn hóa kinh doanh tại Huế

TTH - Đưa một chữ thiện vào triết lý kinh doanh, Tập đoàn TH đã phát triển TH True Milk trở thành thương hiệu sữa có giá trị dinh dưỡng cao, đáng tin cậy, được người Việt yêu mến. Huế có nền văn hóa Phật giáo tồn tại lâu đời, khi văn hóa đó thấm sâu vào sản phẩm đặc trưng của Huế thì hòa trong đó không chỉ đẹp, ngon, tinh tế mà còn mang có sự lợi lạc về cuộc sống cho khách hàng, khách du lịch.
HN - Ngọc Huyền
  • HN - Ngọc Huyền

Vang danh ẩm thực Huế

 Ẩm thực chay của Huế. Ảnh: Cẩm Hà

Xu hướng hướng thiện

Theo thống kê năm 2023, có khoảng 6.000 doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, đa phần là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thực trạng nhiều năm qua, sản phẩm dịch vụ Huế chủ yếu tiêu thụ trong tỉnh, khó mở rộng ra thị trường bên ngoài do gặp vấn đề về vốn đầu tư thấp, trình độ ứng dụng khoa học kỹ thuật còn hạn chế, chưa bảo hộ được thương hiệu, kỹ năng bán hàng truyền thông lạc hậu, quá trình chuyển đổi số chậm,…

Một khía cạnh lớn hơn, thế giới phát triển nhanh trong thời đại chuyển đổi số, sản phẩm dịch vụ vẫn còn vấn đề cố hữu như: nạn chặt chém giá cả khách du lịch, ngộ độc thực phẩm tập thể, hàng giả, hàng nhái, bán hàng lừa đảo vẫn phổ biến. Nguồn gốc đều phát sinh từ sự tham lam lợi nhuận, giành giật khách hàng, chiếm lĩnh thị trường. Một giải pháp thiết thực có thể hài hòa vấn đề của doanh nghiệp Huế và thực trạng của thị trường thế giới được bà Thái Hương - nhà sáng lập TH True Milk và Ngân hàng Bắc Á chia sẻ: ứng dụng đạo Phật vào triết lý kinh doanh “xác định chữ thiện gắn liền với thương hiệu sản phẩm”.

Sau nhiều năm nền kinh tế thế giới phát triển quá mức, nguồn tài nguyên của trái đất đã dần cạn kiệt, hậu quả mà thế hệ ngày nay đang gánh chịu là thiên tai, lụt bão, thời tiết cực đoan, nhiệt độ hành tinh tăng nhanh, bệnh tật liên miên. Trong thế giới kinh doanh với “thương trường là chiến trường”, mục tiêu cao nhất là lợi nhuận, sản xuất thật nhiều hàng hóa, doanh nghiệp cạnh tranh khốc liệt, thậm chí triệt tiêu lẫn nhau. Nhưng ngày nay, điều đó không còn là ưu tiên hàng đầu nữa.

Lãnh đạo các quốc gia đang nhìn về một mục tiêu chung là cắt giảm sự tổn hại đến môi trường, ưu tiên phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, giảm sử dụng năng lượng hóa thạch, hạn chế ngành sản xuất khai thác nhiều tài nguyên quý hiếm. Đối với doanh nghiệp, lãnh đạo đã không còn đặt mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận mà đang phát triển doanh nghiệp theo xu hướng kinh tế tử tế, tinh tế. Các sản phẩm dịch vụ thu hút khách hàng bằng tăng trải nghiệm, tạo ra nhiều lợi ích cho khách hàng, thân thiện với thiên nhiên. Nhiều doanh nghiệp lớn đang phát triển bền vững theo triết lý hướng thiện trên như: Apple, Microsoft, TH true Milk, Vinamilk, Tôn Hoa Sen, Thái Hà Book… Và từ đó, triết lý kinh doanh hợp thời lại đang quay trở lại với những lời răn dạy mang tính Phật giáo đã có từ ngàn năm trước như: “có đức mặc sức mà ăn”, hành thiện mang lợi ích cho chúng sinh, triết lý win-win - kinh doanh bền vững là cả hai bên cùng thắng.

Lan tỏa chữ thiện vào môi trường kinh doanh Huế

Huế là vùng đất mà đạo Phật đã ăn sâu, bén rễ tạo nên nền văn hóa tâm linh trong mỗi gia đình. Văn hóa đạo Phật đã thấm nhuần vào đời sống và kinh doanh của người Huế. Vào ngày rằm, mồng một từ doanh nghiệp đến người dân buôn bán dành thời gian để hướng Phật, từ ăn chay, đi chùa, phóng sanh, lập lễ cúng, thắp hương ông bà,… đã thể hiện sự cung kính đối với Phật giáo. Đó là một văn hóa đáng trân trọng và tồn tại bao đời tại Huế.

Nếu nét văn hóa thiện đó không chỉ là ngày rằm, ngày mồng một mà ăn sâu vào văn hóa kinh doanh của người Huế, luôn hướng đến chỉ hai chữ Thiện và Tâm thì người Huế sẽ mang trong mình sự tử tế, tinh tế và vi tế trong kinh doanh. Mà theo thuyết nhân quả, sản phẩm dịch vụ thật sự mang lại lợi ích cho khách hàng, thỏa mãn vượt mức mong đợi thì đó sẽ là khách hàng trung thành và gắn bó lâu dài. Nên có thể, lợi nhuận từ kinh doanh có giảm đi đôi chút nhưng số lượng khách hàng trung thành gia tăng giúp cho người buôn bán và doanh nghiệp phát triển bền vững trong sự an bình và vui vẻ hạnh phúc. Có ai mà không mong sự đầy đủ về tài chính và được mọi người yêu thương!

Với chữ Thiện trong kinh doanh, người Huế sẽ bán sản phẩm và cung cấp dịch vụ có lợi ích cho người mua trước khi tính đến lợi ích của mình. Khi cảm nghĩ một món ăn đặc sản Huế được cẩn thận chọn lựa nguyên vật liệu rau quả, thực phẩm tươi không chất bảo quản, quy trình chế biến đảm bảo vệ sinh thì giá trị của món ăn không chỉ ngon mà còn cả bổ dưỡng. Một giá trị tăng thêm không hề nhỏ. Tính thiện đó còn là đỉnh cao của sự tử tế khi người Huế còn am hiểu thói quen ăn uống của từng khách quen để nêm nếm cho vừa khẩu vị. Hay thậm chí tinh tế từng chút nhỏ đến nước uống giải khát, cái tăm, khăn lạnh, chỗ để xe để khách hàng thoải mái nhất.

Thiết nghĩ, khi chúng ta nghĩ đến những điều tốt đẹp cho khách hàng như vậy, họ sẽ gắn bó mãi với người Huế chúng ta. Việc thiện và tâm tốt còn là văn hóa đẹp khi vì lợi ích chung của Huế, mỗi người nhặt một cọng rác để đường phố sạch sẽ, đẹp mỗi ngày, nước sông Hương trong xanh mỗi khắc. Việc thiện là người Huế giúp đỡ lẫn nhau, giúp đỡ những du khách đến Huế như người trong nhà, như vậy an ninh Huế an toàn biết bao, là nơi bình an dành cho mọi người.

Huế có nhiều chùa, đông phật tử và người dân tin vào luật nhân quả. Để hình thành văn hóa Phật giáo sâu rộng trong đời sống và kinh doanh, giáo dục Phật giáo từ lý thuyết và thực hành cần được phổ biến sâu dày hơn. Sự truyền bá về tư tưởng tốt đẹp, hành động phật giáo hằng ngày trong đời sống sẽ hình thành thói quen, nếp sống hằng ngày, văn hóa kinh doanh hướng thiện tốt đẹp.

NGUYỄN ĐOÀN QUỐC ANH
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tạo nếp sống văn hóa từ Ngày Chủ nhật xanh

Góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan, tạo nếp sống văn hóa là thành quả đáng tự hào của cán bộ, đảng viên và Nhân dân huyện Nam Đông khi triển khai Đề án Ngày Chủ nhật xanh “hãy hành động để Thừa Thiên Huế thêm xanh - sạnh - sáng”.

Tạo nếp sống văn hóa từ Ngày Chủ nhật xanh
Hội thi tuyên truyền kỷ niệm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn đến Huế

Hội thi tuyên truyền lưu động kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2024) do Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức sau khi đi qua nhiều tỉnh, thành đã đến Huế trình diễn vào tối 21/4 tại Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh, 41A Hùng Vương, TP. Huế.

Hội thi tuyên truyền kỷ niệm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn đến Huế
Văn hóa đọc thay đổi theo kỷ nguyên số

Văn hóa đọc không còn như trước đây, không phải cứ cầm sách mới là đọc sách. Trò chuyện với Thừa Thiên Huế Cuối tuần, bà Hoàng Thị Kim Oanh, Giám đốc Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế cho rằng, trong thời đại công nghệ số, độc giả có thể đọc ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào chỉ cần có điện thoại, máy tính… kết nối internet.

Văn hóa đọc thay đổi theo kỷ nguyên số

TIN MỚI

Return to top