ClockThứ Tư, 27/11/2019 06:00
20 năm “đại hồng thủy” 1999

Festival Huế đầu tiên sau cơn lũ lịch sử 1999

TTH - Khi tỉnh đang chuẩn bị cho kỳ festival đầu tiên - Festival Huế 2000 thì trận lũ lịch sử kinh hoàng năm 1999 gây thiệt hại lớn về người và của. Tang thương, khó khăn bao trùm, công việc khắc phục hậu quả lũ lụt lại bộn bề, câu hỏi đặt ra, nên tổ chức festival hay dừng lại?

Từ “rốn lũ” Quảng ĐiềnHòa Duân hồi sinh

Chương trình nghệ thuật trong Lễ bế mạc Festival Huế 2000. Ảnh: Trung tâm Festival

Động lực thay đổi diện mạo Huế

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, thời điểm ấy là Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin, Trưởng Văn phòng Festival Huế, Phó ban Tổ chức Festival Huế 2000, nhớ lại: Trong tình cảnh ấy, nhiều ý kiến ở trong và ngoài tỉnh, kể cả Trung ương, đặt vấn đề có nên tiếp tục tổ chức festival hay không? Lúc ấy, mọi nỗ lực của tỉnh đều tập trung để khắc phục hậu quả lũ lụt, cả về cơ sở vật chất, hạ tầng, đời sống của người dân… Rất căng thẳng!

Cuối cùng, tất cả đều thống nhất: Cùng với việc khắc phục hậu quả lũ lụt, phải tập trung làm tốt hơn nữa để tổ chức Festival Huế 2000, tạo ra động lực vừa khôi phục kinh tế - xã hội sau lũ, vừa tạo ra thế mới cho Huế. Lựa chọn này về sau ai cũng cho là hợp lý.

Ông Hoa cho hay: “Nếu không tổ chức festival để tập trung sức người, sức của khắc phục hậu quả lũ lụt đơn thuần, có lẽ kết quả không tốt bằng vừa khắc phục lũ lụt, vừa lấy việc tổ chức festival làm động lực, thậm chí là áp lực để buộc chúng ta không chỉ khắc phục cái hư hỏng mà phải làm sao cho Huế đẹp hơn. Việc chuẩn bị festival đi liền với khắc phục hậu quả bão lụt cũng tạo ra sức hút cho Festival Huế 2000”.

Làm festival với tâm thế phải thay đổi hình ảnh của Huế, từ một nơi đầy tang thương sau lũ 1999 thành điểm sáng hội tụ văn hóa nghệ thuật, tất cả các ngành, các cấp và người dân đều vào cuộc quyết liệt. Người dân được huy động tham gia làm diều, múa lân, tổ chức các hoạt động Chợ quê ngày hội, Thuận An biển gọi...

Văn nghệ sĩ tích cực tham gia các hoạt động hưởng ứng, biểu diễn. Nhà thơ Võ Quê, lúc ấy là Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật chia sẻ: “Chung tay cùng với tỉnh, văn nghệ sĩ tham gia festival đầu tiên với tất cả nhiệt huyết và sự hứng khởi. Bằng sự nỗ lực tự thân, các văn nghệ sĩ tham gia biểu diễn nghệ thuật ca Huế, tổ chức triển lãm nhiếp ảnh, mỹ thuật… Mặc dù kinh phí lúc đó rất khó khăn, nhưng văn nghệ sĩ vẫn làm bằng tinh thần tự nguyện”.

Tại Festival Huế 2000, lần đầu tiên công chúng được thưởng thức bữa đại tiệc nghệ thuật với những chương trình nghệ thuật quốc tế đặc sắc. Ảnh: Trung tâm Festival

Đặt nền móng cho thành phố festival

Khởi đầu với bao khó khăn, song được sự giúp đỡ của người dân cả nước, Cộng hòa Pháp và Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, Festival Huế 2000 với chủ đề “Huế - thành phố của nghệ thuật sống” đã diễn ra 12 ngày đêm, từ ngày 8 đến 19/4. Festival Huế 2000 quy tụ sự tham gia của trên 30 đơn vị nghệ thuật của Việt Nam và Pháp với trên 1.000 nghệ sĩ, diễn viên chuyên và không chuyên, thu hút hơn 410.000 lượt người tham dự, trong đó có 41.000 lượt khách du lịch, với 6.000 lượt khách quốc tế.

Festival Huế 2000 là sự phối hợp “đồng tổ chức” của UBND tỉnh và Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, thực sự là ngày hội văn hóa, nghệ thuật và du lịch có quy mô quốc gia và quốc tế, một đợt tổng diễn tập hoạt động giao lưu có tính chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, thúc đẩy sự hồi sinh của tỉnh sau cơn lũ lịch sử năm 1999, phát huy được lợi thế so sánh của Thừa Thiên Huế trên lĩnh vực văn hóa – du lịch. Đây là nỗ lực rất lớn sau bao ngày chuẩn bị, vừa là nỗ lực tự thân của tỉnh, vừa là sự giúp sức của lực lượng nghệ sĩ, các nhà chuyên môn, chuyên gia từ Pháp.

Công nghệ tổ chức festival chủ yếu áp dụng theo công nghệ festival của Pháp, vận dụng vào điều kiện đặc thù của Huế. Vì vậy, ngay từ đầu, Festival Huế đã có chất lượng tốt, có tính quốc tế, mới lạ, tạo được sức hấp dẫn lớn đối với công chúng, được báo chí và giới hoạt động nghệ thuật trong nước cổ vũ nhiệt tình, tạo đà cho sự phát triển của Festival Huế.

Khởi đầu đầy khó khăn, nhưng hiệu quả của Festival Huế 2000 rất lớn. Lần đầu tiên ở Việt Nam du nhập loại hình lễ hội nghệ thuật đương đại có nguồn gốc từ châu Âu, một bữa đại tiệc về văn hóa nghệ thuật kết hợp với dịch vụ du lịch. Tại bữa đại tiệc này, người dân và du khách được thưởng thức nghệ thuật truyền thống đặc sắc của Huế: Múa cung đình, Nhã nhạc, ca Huế, múa lân, thả diều…; những vở diễn kinh điển của Việt Nam, nghệ thuật đường phố và nghệ thuật đương đại của Pháp... Từ đây, hình thành được công nghệ tổ chức festival với sự giúp đỡ của Pháp, trở thành đặc trưng của Festival Huế cho đến bây giờ.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, thành công của Festival Huế 2000 tạo ra một hình ảnh Huế rất mới sau những tang thương của trận lũ lịch sử. Trước đó, người ta chỉ biết tới Huế như một Cố đô, một trung tâm văn hóa truyền thống. Sau festival đầu tiên, từ thành phố di sản, Huế hòa nhập với đời sống văn hóa nghệ thuật đương đại, trở thành trung tâm sáng tạo về văn hóa nghệ thuật, đặt tiền đề cho việc hình thành thành phố Festival.

Minh Hiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lượng khí thải carbon từ cháy rừng toàn cầu tăng 60% trong 20 năm

Tờ Bloomberg ngày hôm nay (18/10) có bài viết cho hay, lượng khí thải carbon dioxide (CO2) từ các vụ cháy rừng đã tăng 60% trên toàn cầu kể từ năm 2001, trong bối cảnh ngày càng có nhiều đám cháy lớn hơn bùng phát ở những khu vực nóng lên nhanh chóng bên ngoài vùng nhiệt đới.

Lượng khí thải carbon từ cháy rừng toàn cầu tăng 60 trong 20 năm
Dấu mốc của di sản Huế

Tối 17/6, UBND tỉnh long trọng tổ chức kỷ niệm 30 năm Quần thể Di tích Cố đô Huế và 20 năm Nhã nhạc - âm nhạc cung đình Việt Nam trở thành di sản của nhân loại.

Dấu mốc của di sản Huế
Return to top